Chưa có ứng viên nổi trội nhất
Cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc lần thứ 20 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 9/3. Đây là cuộc chạy đua giữa bốn ứng cử viên gồm: ông Lee Jae-myung (58 tuổi) của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền, ông Yoon Suk-yeol (62 tuổi) của đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) đối lập chính, bà Sim Sang-jeung (63 tuổi) của đảng Công lý tiến bộ và ông Ahn Cheol-soo (60 tuổi) của đảng Vì Quốc dân.
Ngay khi chiến dịch tranh cử chính thức bắt đầu, ứng viên Lee đã đến thăm thành phố cảng Busan. Ông khẳng định, Busan đã lớn mạnh từ một thành phố của người di cư thành một thành phố quốc tế với nhiều tuyến đường biển và đường hàng không kết nối với thế giới. Ông Lee muốn gửi một thông điệp rằng, kinh tế Hàn Quốc sẽ hồi phục và kêu gọi nỗ lực đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia dẫn đầu thế giới. Ứng viên Yoon cũng bắt đầu chiến dịch bằng chuyến viếng thăm đài tưởng niệm quốc gia tại Seoul. Ông cam kết sẽ đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đầy tự hào. Còn ứng viên Ahn thì tổ chức cuộc họp với các cử tri ở Daegu và ứng viên Sim gặp gỡ các cử tri ở thành phố Iksan, tỉnh Bắc Jeolla.
Yonhap dẫn kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Viện Nghiên cứu ý kiến xã hội Hàn Quốc (KSOI) công bố hôm 16/2 cho thấy, ứng viên của hai đảng lớn nhất là Lee và Yoon đang bám đuổi sít sao. Cụ thể, ông Yoon đang dẫn trước ông Lee với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là43,5% và 40,4%. Xếp ở vị trí tiếp theo là ông Anh Cheol-soo và bà Sim Sang-jeung với tỉ lệ ủng hộ lần lượt là 7,8% và 3,5%.
Theo chuyên trang Insight K, nếu như ông Lee, cựu Thống đốc tỉnh Gyeonggi, nổi lên nhờ cách ứng phó linh hoạt với đại dịch COVID-19 và ủng hộ thu nhập cơ bản toàn dân thì ông Yoon, dù mới bước chân vào con đường chính trị, thiếu kinh nghiệm về hành pháp, nhưng được người dân yêu mến bởi hình ảnh một cựu Tổng công tố viên trung thành, người chỉ đạo các cuộc điều tra cấp cao về các vụ bê bối tham nhũng liên quan đến trợ lý các cựu Tổng thống Park Geun-hye và Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in. Nhưng những thông tin về việc bôi nhọ đối thủ hay mê tín dị đoan trong gia đình hai ứng viên này vô tình đang khiến người dân hướng sự chú ý về ứng viên Ahn Cheol-soo, ông trùm phần mềm kiêm bác sĩ. Theo một nguồn thạo tin, ứng viên Ahn từng đề xuất một cuộc thăm dò với ứng viên Yoon nhằm thống nhất một đại diện của phe bảo thủ.
Tuy nhiên, ông Yoon đã từ chối đề nghị và kêu gọi ông Ahn đơn phương rút khỏi cuộc đua. Chuyên gia Bae Jong-chan của Insight K nhận định: "Đây là cuộc tổng tuyển cử khó đoán định nhất trong vòng 20 năm trở lại đây bởi chỉ ba tuần trước cuộc bỏ phiếu, người có khả năng chiến thắng vẫn chưa xuất hiện. Rõ ràng, cán cân vẫn đang rung lên khi chiến dịch tranh cử vừa chính thức bắt đầu. Điều này chưa từng xảy ra trong những lần bầu cử trước đó”.
Những vấn đề nổi cộm
Hãng tin ABC News cho rằng, cuộc bỏ phiếu ngày 9/3 diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề quan trọng như nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các vụ thử tên lửa liên tiếp của CHDCND Triều Tiên, cạnh tranh gia tăng giữa các cường quốc. Về vấn đề Triều Tiên, cả hai ứng viên hàng đầu đều bày tỏ sự ủng hộ đối thoại và hợp tác kinh tế với Triều Tiên mặc dù giữa hai người có sự khác nhau về các điều kiện và quy trình. Ứng viên Yoon theo đuổi lập trường cứng rắn của phe bảo thủ rằng các trao đổi kinh tế với Triều Tiên chỉ tiến hành sau khi quốc gia này thực hiện phi hạt nhân hóa trước. Trong khi đó, ông Lee ủng hộ chính sách can dự của chính quyền đương nhiệm, làm trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Chưa hết, ứng viên Yoon mong muốn gắn kết ngoại giao gần gũi hơn với Mỹ, đồng thời ông kêu gọi tăng cường hợp tác quân sự với Nhật trong khuôn khổ liên minh quân sự ba bên do Mỹ dẫn đầu. Ngược lại, ông Lee ủng hộ “chính sách ba không” của Tổng thống Moon gồm: không triển khai thêm THAAD, không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu do Mỹ lãnh đạo và không tham gia vào một liên minh quân sự với Mỹ và Nhật. Viện Nghiên cứu Lowy của Australia bình luận: “Kết quả cuộc bầu cử quan trọng không chỉ đối với Hàn Quốc mà còn đối với các đồng minh và các nước láng giềng”.
Tuy nhiên, theo truyền thông Hàn Quốc, các chính sách đối ngoại không được cử tri quan tâm bằng chương trình hành động trong nước. Họ đang tìm kiếm một Tổng thống có thể giúp họ làm sạch nền chính trị phân cực và tham nhũng, đồng thời giải quyết tình trạng giá nhà đất tăng cao, thất nghiệp hay tình trạng bất bình đẳng sâu sắc của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Yonhap cho biết, trước đây, cử tri trẻ có xu hướng bầu cho những ứng viên theo đường lối tự do. Song vấn đề nhà ở và tỉ lệ thất nghiệp cao đang khiến nhiều người nghiêng về đảng bảo thủ.
Thực tế là ông Moon đã cố để tránh xảy ra các bê bối cá nhân lớn trong suốt nhiệm kỳ, nhưng vị thế đảng DP của ông cũng đã bị ảnh hưởng. Phụ tá thân cận của ông Moon là ông Cho Kuk, đã bị buộc phải rời ghế bộ trưởng tư pháp chỉ sau một tháng nhậm chức giữa các cáo buộc ăn hối lộ và gian lận tài liệu. Mặc dù vậy, trong thông điệp đầu năm mới 2022, Tổng thống Moon bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử sẽ mang lại hy vọng cho tương lai và được tiến hành minh bạch. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc vào ngày 10/5 với nhiệm kỳ 5 năm.
Nguồn: cand.com.vn