Thấy gì từ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Mỹ?
Cập nhật ngày: 14-02-2022
 
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tiếp nối các chiến lược của chính quyền tiền nhiệm. Theo đó, Washington cam kết tập trung vào mọi ngóc ngách của khu vực, từ Nam Á đến các đảo Thái Bình Dương để củng cố vị thế và "cân bằng ảnh hưởng".
 

Tài liệu dài 19 trang về chiến lược mới của Mỹ được công bố trong khuôn khổ chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới các nước thuộc Thái Bình Dương, tham dự cuộc họp Nhóm Bộ tứ, gặp gỡ các nhà ngoại giao khu vực trong tuần qua. 

Chuyến đi kéo dài một tuần tới những vùng xa xôi của châu Á và Thái Bình Dương thể hiện quyết tâm của Mỹ trong việc chứng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực trọng yếu trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden.

Mỹ không đi một mình 

Thấy gì từ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Mỹ? -0
 Mỹ sẽ tăng cường hiện diện của lực lượng tuần duyên Mỹ ở khu vực. Ảnh: US Navy.

"Mỹ không đi một mình trong việc đối phó tầm ảnh hưởng và tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc". Đây là tóm lược nội dung cơ bản mà hãng tin AP nhận định về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Mỹ.  

Cụ thể, phía Mỹ nêu rõ tài liệu này không phải là chiến lược đối phó với Trung Quốc nhưng xác định Trung Quốc "là một trong những thách thức mà khu vực phải đối mặt, nhất là sự trỗi dậy, hành vi quyết đoán và ngày càng hung hăng của nước này". 

Tài liệu có đoạn: "Hành động ép buộc và gây hấn của Trung Quốc trải rộng trên toàn cầu, nhưng nghiêm trọng nhất là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", đồng thời viện dẫn Bắc Kinh đã tiến hành chiến dịch gây sức ép kinh tế với Australia, xung đột với Ấn Độ ở biên giới hay bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. 

Thấy gì từ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Mỹ? -0
 Một tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam năm 2015.

Phía Mỹ cũng tái khẳng định quan điểm không buộc các nước trong khu vực chọn Washington hay Bắc Kinh, nhưng sẽ củng cố chặt chẽ một mạng lưới liên minh để định hình môi trường chiến lược xung quanh Trung Quốc, xây dựng "cân bằng ảnh hưởng" theo hướng có lợi cho Mỹ cùng các đồng minh, đối tác. 

"Washington sẽ mở rộng có ý nghĩa sự hiện diện ngoại giao của mình ở Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương. Mỹ cũng ưu tiên các cuộc đàm phán quan trọng có dấu hiệu đình trệ trong năm qua với những quốc đảo Thái Bình Dương có khả năng hỗ trợ quân đội Mỹ", AP lưu ý. 

Hãng tin Reuters bình luận, Mỹ sẽ tập trung vào "mọi ngóc ngách" của khu vực, từ Nam Á đến các đảo Thái Bình Dương để củng cố vị thế và cam kết lâu dài trước một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Ấn Độ đóng vai trò then chốt

Thấy gì từ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Mỹ? -0
Washington xác định Ấn Độ vừa là nhân tố thúc đẩy sức mạnh cứng vừa tăng sức mạnh mềm. Ảnh: Indianexpress.

Giới chuyên gia nhận định, rõ ràng để đi xa thì Mỹ không thể đi một mình. Do đó, tuyên bố về việc thắt chặt với các liên minh là điều dể hiểu. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho đồng minh đóng vai trò "then chốt" là Ấn Độ. 

Tài liệu nêu trên khẳng định: "Mỹ tiếp tục hỗ trợ sự trỗi dậy của Ấn Độ và vai trò dẫn dắt khu vực của New Delhi. Ấn Độ là đối tác cùng chí hướng và động lực trong Nhóm Bộ tứ (QUAD) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Australia. 

Với New Delhi, Washington đã xác định đây là nhân tố vừa thúc đẩy sức mạnh cứng vừa tăng sức mạnh mềm. Việc nhóm QUAD hỗ trợ Ấn Độ sản xuất vaccine COVID-19 hỗ trợ các nước phản ánh mục tiêu tăng tầm ảnh hưởng, mời gọi các đối tác khác vốn lo ngại QUAD là một tập hợp đối trọng Trung Quốc.

Tờ Politico cho rằng, việc đưa New Delhi trở thành lá cờ đầu cho thấy Washington đang thúc đẩy tiềm lực của ba nước còn lại trong QUAD thay vì chỉ một mình gánh vác như trước đây. Nhật Bản đã tăng cường hiện diện và phối hợp nhịp nhàng với Mỹ từ thời chính quyền tiền nhiệm. Australia cũng vừa thiết lập cơ chế an ninh AUKUS với Mỹ và Anh, mở đường cho tàu ngầm hạt nhân tới khu vực. 



Nguồn: cand.com.vn