CÔNG AN BẠC LIÊU
Trấn an đồng minh
Cập nhật ngày: 9-02-2022, lượt xem: 50
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến công du Mỹ lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Thông điệp rõ ràng mà ông mang theo là Đức sẵn sàng đứng cùng chiến tuyến với liên minh phương Tây trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào.

Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Mỹ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, đó là quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine đang bước vào những giai đoạn có thể nói là mang tính chất quyết định và bầu không khí căng thẳng này đang bao trùm các vấn đề khác trong quan hệ song phương Mỹ - Đức.

Trọng tâm thảo luận giữa ông Olaf Scholz với Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden cũng là về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay với Nga và việc hai nước thể hiện quan điểm trong vấn đề này ra sao sẽ có tác động rất lớn đến quan hệ giữa Mỹ và Đức trong tương lai.

Đối với ông Olaf Scholz thì đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Đức với Tổng thống Mỹ nên việc đầu tiên đó là phải làm quen với nhau, trao đổi với nhau về những ưu tiên của cả hai phía. Chính quyền Đức đương nhiên muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ chiến lược truyền thống quan trọng với Mỹ, đặc biệt là thúc đẩy xu hướng cải thiện quan hệ rất rõ sau khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ thay ông Donald  Trump.

Trấn an đồng minh -0
Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Olaf Scholz tại cuộc gặp ở Nhà Trắng hôm 7/2.

Trong vòng 1 năm qua, chính quyền của ông Joe Biden đã có những động thái rất tích cực với Đức, thậm chí luôn tán dương Đức là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong Liên minh châu Âu. Điều này khác hẳn thời ông Donald Trump, khi cựu Tổng thống Mỹ công khai chỉ trích Đức về rất nhiều vấn đề, từ việc đóng góp ngân sách quân sự cho NATO cho đến đe dọa chiến tranh thương mại với Đức. Do đó, ưu tiên lớn nhất của ông Olaf Scholz là duy trì và thúc đẩy động lực tích cực trong quan hệ Mỹ-Đức.

Một nhiệm vụ rất quan trọng khác của ông Olaf Scholz là xây dựng vị thế cá nhân bởi trong đánh giá của chính giới và học giả Mỹ, ông Olaf Scholz hiện tại vẫn chỉ được xem là người kế nhiệm bà Angela Merkel. Bản tính cá nhân kín đáo, ít xuất hiện trước truyền thông khiến ông Olaf Scholz chưa được đánh giá cao, chưa được xem là lãnh đạo hàng đầu của EU, tương ứng với vị thế nền kinh tế số 1 châu Âu của nước Đức, như bà Angela Merkel trước kia, đặc biệt trong bối cảnh an ninh căng thẳng tại châu Âu hiện nay. Vì thế, đây cũng sẽ là một thách thức mà ông Olaf Scholz cần nhanh chóng vượt qua.

Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa hai nhà lãnh đạo, đây cũng là câu hỏi bị xoáy nhiều nhất và trong khi Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ đình chỉ hoàn toàn việc triển khai dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” thì ông Olaf Scholz vẫn tránh đề cập trực tiếp đến dự án này, chỉ khẳng định “Mỹ và Đức đoàn kết và sẽ cùng hành động”. Việc chính phủ Đức và cá nhân ông Olaf Scholz miễn cưỡng khi đề cập đến việc đe dọa hủy bỏ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là điều dễ hiểu bởi đây là dự án có giá trị lớn và mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Đức, nước vốn nhập khẩu trên một nửa tổng số khí đốt từ Nga.

Tại châu Âu, Đức chính là nước có nguy cơ tổn thất kinh tế lớn nhất nếu phương Tây trừng phạt Nga nên chính phủ Đức buộc phải đàm phán, thương lượng với các đồng minh phương Tây về việc chia sẻ gánh nặng. Ngoài ra, giống như Pháp, Đức có quan điểm ôn hòa hơn với Nga so với nhiều nước phương Tây khác. Các chính quyền Đức vẫn cho rằng cần tìm giải pháp chính trị lâu dài cho an ninh châu Âu thông qua đối thoại với Nga chứ không phải gia tăng đối đầu. Đây là tư duy chiến lược mà Đức không sớm từ bỏ dù chịu sức ép từ nhiều đồng minh phương Tây.

Đức là một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu và khác với chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách củng cố và tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác, trong đó có Đức.

Tổng thống Joe Biden từng hủy bỏ kế hoạch của người tiền nhiệm nhằm rút toàn bộ binh sỹ Mỹ khỏi Đức, mời cựu Thủ tướng Angela Merkel tới Nhà Trắng và từ bỏ trừng phạt đối với dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, dự án mà cả Mỹ và các đồng minh NATO khác đều lo ngại sẽ trở thành một công cụ mạnh mẽ của Nga. Tất cả các động thái này đều cho thấy Mỹ rất coi trọng vai trò của Đức tại châu Âu và muốn hàn gắn quan hệ với nước này sau 4 năm “lạnh nhạt” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Đức hiện đang là chủ tịch của nhóm G7 và chương trình nghị sự của Đức chính là những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden, bao gồm hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19, giải quyết mối đe dọa biến đổi khí hậu, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc tế dựa trên các giá trị dân chủ chung.

Nhà Trắng đã ra thông báo nhấn mạnh rằng, Tổng thống Joe Biden coi chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz là một cơ hội tốt để làm sâu rộng quan hệ giữa hai nước và việc Thủ tướng Olaf Scholz thăm Mỹ chỉ sau hai tháng nhậm chức đã cho thấy tầm quan trọng mà Mỹ dành cho mối quan hệ song phương với Đức và ngược lại. Cuộc gặp này cũng là cơ hội để Tổng thống Biden xây dựng quan hệ cá nhân với Thủ tướng Olaf Scholz cũng như để hai bên thảo luận những bất đồng và trao đổi về các vấn đề toàn cầu mà cả hai nước đều đang phải đối mặt hiện nay.

Với thông điệp nước Mỹ đã trở lại, Tổng thống Joe Biden đang muốn tái khẳng định vị thế và vai trò số 1 của Mỹ trên trường quốc tế và để làm được điều này thì không thể thiếu sự hỗ trợ và hợp tác của các đồng minh trong đó có Đức với vai trò rất lớn ở châu Âu và NATO nói riêng. Chính vì vậy, quan hệ và hợp tác Mỹ - Đức sẽ tiếp tục được gia tăng dưới thời tân Thủ tướng Olaf Scholz và điều đó sẽ phần nào đó được thể hiện qua nội dung chuyến thăm Mỹ lần này. 


Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác