Với lợi thế giá thành thấp và không cần bảo quản ở nhiệt độ âm sâu, vaccine ngừa COVID-19 của Cuba là niềm hy vọng cho các nước thu nhập thấp.
Theo số liệu thống kê chính thức của Our World in Data, tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 86% dân số Cuba đã được tiêm phòng đầy đủ 3 liều vaccine ngừa COVID-19. Cuba đã bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em từ 2 tuổi cách đây vài tháng. Các cơ quan y tế nước này đang nỗ lực tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ dân số trong tháng 1/2022 để ngăn ngừa sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Omicron.
Quốc đảo Caribe này đã đạt được cột mốc quan trọng đó bằng cách sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của riêng mình, ngay cả khi đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng từ lệnh cấm vận thương mại kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ. Qua đó, trở thành quốc gia duy nhất ở Mỹ Latin và Caribe phát triển vaccine nội địa.
Bà Helen Yaffe, một chuyên gia về Cuba tại Đại học Glasgow, Scotland nhận định: “Đây là một kỳ tích. Những người từng nghiên cứu về công nghệ sinh học có lẽ không bất ngờ về điều đó. Thành công không đến một cách ngẫu nhiên. Điều này là thành quả của một chính sách đúng hướng tập trung vào quá trình đầu tư nghiêm túc cả trong lĩnh vực y tế công cộng lẫn khoa học của Cuba”.
Vị chuyên gia đồng thời đánh giá: “Sẽ có rất nhiều quốc gia và người dân ở Nam bán cầu đặt kỳ vọng vào vaccine Cuba và mong muốn được tiêm loại vaccine này”. Trong khi đó, ông John Kirk, Giáo sư nghiên cứu về các nước Mỹ Latin ở Đại học Dalhousie ở Canada, nhận định: “Sự thành công của một đất nước nhỏ bé trong việc sản xuất vaccine và tiêm phòng cho 90% dân số là điều phi thường”.
Công nghệ sinh học của Cuba đã phát triển thành công 5 loại vaccine khác nhau, trong đó có vaccine Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, tất cả đều có khả năng bảo vệ lên tới 90% khi được tiêm 3 mũi. Và không giống các tập đoàn dược phẩm lớn của Mỹ như Pfizer và Moderna, sử dụng công nghệ mRNA, tất cả vaccine của Cuba đều là vaccine “tiểu đơn vị protein”, chứa các protein đặc trưng được tách ra từ các virus gây bệnh. Điều này giúp ích cho các nước có thu nhập thấp bởi các vaccine này có giá thành khá rẻ, có thể được sản xuất ở quy mô lớn và không cần được bảo quản tại tủ đông âm sâu.
Nhiều quan chức y tế trên thế giới đã coi vaccine của Cuba như một niềm hy vọng cho nam bán cầu trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực này vẫn còn thấp. Tuy nhiên, để hy vọng này thành hiện thực, vaccine của Cuba cần được sự phê duyệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Phát biểu với báo chí, ông Vicente Verez, người đứng đầu Viện vaccine Finlay của Cuba, cho biết WHO hiện đang đánh giá các cơ sở sản xuất của Cuba. Theo kế hoạch Cuba sẽ gửi các dữ liệu và tài liệu cần thiết cho WHO trong quý đầu năm 2022. Sự chấp thuận của WHO sẽ là một bước đi quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên toàn thế giới. Trước đó, Cuba đã hai lần có cuộc họp trực tuyến với WHO để bắt đầu quy trình xin cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Khi được hỏi về ý nghĩa của vaccine Cuba đối với các nước có thu nhập thấp, bà Helen Yaffe nói: “Nhiều quốc gia và người dân ở phía nam bán cầu sẽ coi vaccine Cuba là hy vọng tốt nhất giúp họ tiêm chủng cho toàn bộ dân số vào năm 2025. Trên thực tế, điều này tác động đến tất cả chúng ta bởi biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Khi số lượng người mắc COVID-19 ngày càng nhiều, chắc chắn sẽ có nhiều biến chủng mới xuất hiện và sau đó chúng có thể tấn công những nước tiên tiến đã bao phủ vaccine trên diện rộng”.
Còn Giáo sư John Kirk thì cho rằng, sự phê chuẩn của WHO đối với vaccine ngừa COVID-19 do Cuba sản xuất sẽ có “ý nghĩa lớn lao” đối với các nước đang phát triển. “Điều quan trọng là vaccine của Cuba không đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ cực thấp như vaccine của Pfizer hay Morderna, vì thế rất thích hợp cho những quốc gia ở châu Phi – vốn có cơ sở hạ tầng hạn chế trong việc bảo quản vaccine”, chuyên gia John Kirk nhấn mạnh. Ông đồng thời chỉ ra rằng, không giống như các quốc gia hay công ty dược phẩm khác vốn chú trọng việc kinh doanh, Cuba đã đề xuất chuyển giao công nghệ để chia sẻ quá trình sản xuất vaccine với những nước có thu nhập thấp. Ông nhấn mạnh: “Mục đích chính của Cuba không phải là để kinh doanh vaccine mà là để bảo vệ sức khỏe cho toàn cầu. Việc chế tạo thành công vaccine sẽ giúp quốc gia này có thêm thu nhập nhưng chắc chắn sẽ không phải là những khoản lợi nhuận khổng lồ như các công ty đa quốc gia khác kiếm được”.
Nhiều chuyên gia y tế từ lâu đã đánh giá cao nền y học của Cuba. Phát biểu với báo chí vào tháng 2/2021 – thời điểm Cuba đang bắt tay điều chế vaccine, chuyên gia Helen Yaffe đã cho rằng, nước này sẽ sản xuất thành công và sẽ nhanh chóng đưa vaccine nội địa vào sử dụng.
Tướng Máximo Gómez, một người giữ vị trí quan trọng trong các cuộc chiến giành độc lập thế kỷ XIX tại Cuba từng nói rằng, người dân Cuba có thể làm được nhiều thứ, vượt xa các dự đoán ban đầu. Khi 1,5 thế kỷ trôi qua, câu nói trên đã trở thành sự thật. Quốc gia này từng phải nỗ lực hết sức để vượt lên nhiều khó khăn trong dịch bệnh và hiện tại, chương trình tiêm chủng đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trên cả nước. Cuba được đánh giá là một trong các quốc gia đi đầu trong chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu. Trong số các quốc gia có dân số hơn 1 triệu dân trên thế giới, chỉ có Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là có thành tích tiêm chủng cao hơn Cuba. “Cuba chỉ có 11 triệu dân và mức thu nhập được đánh giá hạn chế nhưng lại trở thành cường quốc công nghệ sinh học. Điều đó có thể khó hiểu đối với những người làm việc ở hãng dược Pfizer nhưng lại hoàn toàn dễ hiểu với người dân Cuba”, Giáo sư John Kirk đánh giá.
Trước đây, cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro từng bày tỏ mong muốn đưa Cuba trở thành quốc gia phát triển mạnh về khoa học, trong đó tập trung vào công nghệ sinh học trong nước. Và nỗ lực đã được đền đáp. Cuba trở thành quốc gia nhỏ nhất trên thế giới phát triển và sản xuất thành công vaccine COVID-19. Ngay sau đó, các nhân viên y tế và người dân đã nhanh chóng triển khai tiêm chủng, thậm chí là tiêm cả cho trẻ nhỏ (tất cả đều là chương trình tiêm chủng tự nguyện). Trong thử nghiệm lâm sàng do Cuba tiến hành vào mùa xuân năm ngoái, cả hai loại vaccine đều có hiệu quả trên 90%. Việc triển khai thành công loại vaccine này đã giúp nước này tránh được các làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng từ mùa hè năm ngoái đến hiện tại. Vaccine Abdala của Cuba có hiệu quả phòng bệnh tới 92% sau 3 mũi. Ngoài ra, cơ quan y tế Cuba cho biết ứng cử viên vaccine đầy tiềm năng Soberana 2 cũng có hiệu quả 91% khi kết hợp với mũi tăng cường Soberana Plus.