Quan hệ Nga - Mỹ lại đứng trước “phép thử lớn”
Cập nhật ngày: 14-01-2022
 
Liên quan đến vấn đề Ukraine, ngày 13/1, Thượng nghị sĩ Nga Alexey Pushkov cảnh báo, việc Mỹ có khả năng đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân Tổng thống Vladimir Putin có thể dẫn đến việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa Moscow và Washington.
 

Trước tình hình này, nhiều nước châu Âu cũng bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách cắt nguồn cung khí đối sang "lục địa già".

Tờ Gazeta.ru ngày 13/1 đã đăng tải bài phỏng vấn với thượng nghị sĩ Alexey Pushkov về những diễn biến mới nhất trong quan hệ Nga – Mỹ liên quan đến vấn đề Ukraine. Theo đó, nghị sĩ Pushkov cho rằng, việc Mỹ có khả năng áp dụng các biện pháp hạn chế đối với lãnh đạo Nga sẽ dẫn đến những hậu quả "hết sức hủy diệt".

Ông Pushkov nêu rõ: “Nếu một đạo luật hay biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Putin được thông qua và thậm chí được áp dụng thì nó sẽ là ranh giới cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Nga đã trầm trọng đến mức tối đa, thậm chí có thể bị cắt đứt hoàn toàn”. Ông Pushkov coi mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là một công cụ cho phép Nhà Trắng có "quyền tự do gây sức ép đối với điện Kremlin" và rất có thể tình hình Donbass sẽ trở nên tồi tệ.

Hôm 12/1, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đã đề xuất dự luật “Đạo luật Bảo vệ chủ quyền của Ukraine” nhằm cảnh báo những hệ quả nghiêm trọng nếu Nga xâm lược Ukraine, bao gồm lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Putin cũng như các ngân hàng của Nga. Dự luật được giới thiệu bởi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, thượng nghị sĩ Bob Menendez và được 25 nghị sĩ Quốc hội đồng bảo trợ.

8.jpg -0
Vấn đề Ukraine khiến quan hệ Nga – Mỹ đứng trước nguy cơ “không thể hàn gắn”. Nguồn: TFIG.

Dự luật này cùng với dự luật thứ nhất có tên “Đạo luật Đảm bảo quyền tự trị của Ukraine bằng cách tăng cường Đạo luật Quốc phòng (GUARD) do các nghị sĩ đảng Cộng hòa giới thiệu hôm 10/1, thể hiện quan điểm cứng rắn của lưỡng đảng đối với Nga. Ngoài ra, thông qua đó, Quốc hội Mỹ cũng muốn kêu gọi chính phủ và Bộ Quốc phòng cần tăng cường hơn nữa khả năng quốc phòng cho Ukraine, tiếp tục cung cấp và hỗ trợ an ninh cho Kiev trước mắt cũng như lâu dài. Mỹ sẽ hỗ trợ cho Ukraine 500 triệu USD trong năm tài khóa 2022 nếu Nga tấn công Kiev, cáo buộc mà Moscow luôn bác bỏ, cho là vô căn cứ.

Giới chuyên gia phân tích chính trị thế giới nhận định, nếu các dự luật được thông qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải xác định xem liệu chính phủ Nga có cố tình thúc đẩy các hành động thù địch nhằm vào Ukraine hay không và liệu Moscow có nhằm mục đích tiếp quản quyền lãnh đạo đối với Kiev hay không. Nhưng theo Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov, Moscow phản đối xung đột. Lựa chọn của nước này là xây dựng mối quan hệ thực tế và bình đẳng giữa Nga và Mỹ.

Ông Anatoly Antonov khẳng định: “Đã đến lúc các chính trị gia ở Washington từ bỏ những lời đe dọa. Chiến lược này sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho người dân Mỹ. Chúng tôi đã trình bày các sáng kiến của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Hôm 10/1, chúng tôi đã giải thích tại Geneva và hôm 12/1 các sáng kiến cũng được nêu ra trong khung làm việc của Hội đồng Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels. Yêu cầu từ phía chúng tôi là NATO phải chấm dứt nỗ lực mở rộng về phía Đông, không kết nạp thêm các thành viên là các nước thuộc Liên Xô cũ”.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko kêu gọi Ukraine thực hiện Thỏa thuận Minsk về giải pháp hòa bình ở miền Đông nước này để giảm leo thang căng thẳng. Ông Grushko nêu rõ: "Lập trường của chúng tôi hoàn toàn dễ hiểu là có thể giảm leo thang căng thẳng. Trước hết, chính quyền Kiev phải thực hiện hoàn toàn và vô điều kiện Thỏa thuận Minsk. Nếu các thỏa thuận Minsk được thực hiện sẽ không có bất kỳ mối đe dọa đến an ninh hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine".

Hơn nữa, nhà ngoại giao Nga tái khẳng định, NATO có thể giúp giảm leo thang căng thẳng bằng cách ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine và triệu hồi các cố vấn quân sự của khối. Theo Sputnik, vào năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ James Baker đã cam kết với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng NATO sẽ không mở rộng "một inch" nào về phía Đông xa hơn biên giới Đức. Do đó, việc NATO đảo ngược lời hứa và kết nạp 3 nước vùng Baltic cùng 4 nước thuộc Nam Tư cũ đã khiến Nga cảm thấy bị phản bội.

Dự luật nêu trên cũng yêu cầu chính quyền ông Biden phải xem xét việc tiếp tục trừng phạt hay dỡ bỏ trừng phạt đối với dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” theo đề xuất của thượng nghị sĩ Ted Cruz. Theo Euronews, trong khi các thành viên Tây Âu thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn cam kết sẽ phản ứng mạnh mẽ thì một số nước cũng bày tỏ lo ngại với Mỹ về nguy cơ nền kinh tế của họ sẽ phải chịu tổn thất nếu mạnh tay với Nga. Những nước này lo ngại Nga có thể đáp trả các lệnh trừng phạt trên, thậm chí cắt nguồn cung khí đốt sang châu lục này giữa bối cảnh giá năng lượng cao kỷ lục.

Được biết, Mỹ và các đối tác châu Âu sẽ có một cuộc gặp khác với phái đoàn Nga ở Vienna tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu và chủ đề thảo luận cũng sẽ bao gồm Ukraine. Dù phía Mỹ không đặt nhiều kỳ vọng về đột phá tại cuộc gặp này nhưng cho rằng đây là bước đi cần thiết để hướng tới các hoạt động ngoại giao trong thời gian tới.

Theo: cand.com.vn