Nhưng điều cần biết về "flurona", đồng nhiễm cúm mùa và COVID-19
Cập nhật ngày: 6-01-2022
 
Hôm 4/1, Bộ Y tế Israel đã công bố ca nhiễm flurona đầu tiên trên thế giới. Trường hợp này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như nguy cơ quá tải hệ thống y tế toàn cầu.
 

"Flurona" là thuật ngữ ám chỉ việc một người nhiễm cùng lúc cả virus cúm và COVID-19. Theo CNN, trường hợp mắc flurona đầu tiên trên thế giới là một phụ nữ mang thai người Israel, ngoài 30 tuổi và chưa tiêm vaccine. 

Arnon Wiznitzer, người phụ trách bộ phận chăm sóc phụ nữ tại bệnh viện Beilinson cho biết: "Đây là sản phụ đầu tiên được chẩn đoán nhiễm đồng thời cả virus cúm và virus SARS-CoV-2. Chúng tôi đã điều trị cho cô ấy bằng một loại thuốc kết hợp nhằm vào cả hai loại virus. Bệnh nhân đã được xuất viện hôm 30/12/2021 trong tình trạng sức khỏe tốt. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai mắc phải flurona". 

Nhưng điều cần biết về
Flurona được cho là sẽ trở nên phổ biến vào mùa Đông. Ảnh: Newsweek.

Theo ông Nadav Davidovitch, Giám đốc Trường Y tế Công cộng tại Đại học Ben-Gurion (Israel), đối với những người không có bệnh nền và đã được tiêm vaccine phòng ngừa cả cúm và COVID-19, họ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu đồng nhiễm hai loại virus. Ngược lại, tỉ lệ tử vong của những người có bệnh nên và chưa được tiêm phòng khi đồng nhiễm sẽ rất cao. 

Ông Davidovitch cũng thêm rằng, hiện chưa có đủ dữ liệu để khẳng định tỷ lệ nhập viện đối với những người bị mắc cả cúm và COVID-19 cao hay thấp hơn so với những người chỉ nhiễm một trong hai loại virus.

Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang phải vật lộn với sự bùng phát của biến chủng Omicron, ông Davidovitch lo ngại việc đồng nhiễm cả hai loại virus có thể gây ảnh hưởng đến các hệ thống y tế, đặc biệt trong những tháng mùa đông.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm mùa và COVID-19 đều là bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhau như ho, sổ mũi, đau họng, sốt, nhức đầu và mệt mỏi. Hai bệnh đều lây qua các giọt bắn được phát tán khi người nhiễm virus ho, hắt hơi hoặc hít thở.

Do đó, WHO khuyến cáo mọi người nên thực hiện các biện pháp giúp bảo vệ hiệu quả như đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh tay, mở cửa sổ để đảm bảo thông gió và phải cách ly nếu nhiễm bệnh, đặc biệt là đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính. 

Theo: cand.com.vn