Ngày 19-12, chính trị gia theo chủ nghĩa cánh tả ở Chile Gabriel Boric (35 tuổi) đã giành được 56% phiếu ủng hộ để trở thành tổng thống trẻ nhất của Chile với lời hứa thiết lập một "nhà nước phúc lợi" ở một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới.
Hình mẫu của sự thay đổi
Cựu sinh viên từng lãnh đạo các cuộc biểu tình chống chính phủ đã đánh bại đối thủ bảo thủ Jose Antonio Kast (44% phiếu ủng hộ). Chính trị gia 35 tuổi này sẽ nhậm chức vào tháng 3-2022 với tư cách là một trong những tổng thống trẻ nhất thế giới. Giới quan sát nhận định, chiến thắng của Boric không chỉ mở đường cho một sự thay đổi thế hệ mà còn cho những thay đổi kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ đối với một trong những quốc gia giàu nhất Mỹ Latinh, một thị trường tài chính được yêu thích trên toàn cầu.
Tuy nhiên, với một chương trình nghị sự đầy tham vọng, ông Boric sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn bao gồm một quốc hội chia rẽ, suy giảm kinh tế nghiêm trọng, việc soạn thảo hiến pháp mới và mối đe dọa kéo dài của tình trạng bất ổn xã hội. Hiện tốc độ tăng trường kinh tế của Chile đang chậm lại từ mức cao kỷ lục gần 12% xuống mức gần 2%. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang nhanh chóng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng cao. Các công ty và cá nhân Chile đã chuyển nhiều tiền ra nước ngoài trong vài năm qua, gây sức ép lên tiền tệ trong nước... “Chúng tôi không thể tiếp tục để người nghèo phải trả giá cho sự bất bình đẳng của Chile”, Boric nói với hàng nghìn người cổ vũ trong một bài phát biểu sau “chiến thắng rực lửa”.
Trong chiến dịch tranh cử, Boric từng thề rằng “nếu Chile là nơi sinh của chủ nghĩa tân tự do thì đó cũng sẽ là mồ chôn của nó”. Ông muốn phá bỏ một số trụ cột của nền kinh tế Chile như quỹ hưu trí tư nhân, vốn hình thành nền tảng của thị trường vốn địa phương và ủng hộ việc đánh thuế cao hơn đối với cả người giàu, ngành công nghiệp khai thác quan trọng của quốc gia (Chile là nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới), đồng thời hứa sẽ kiểm soát nợ chính phủ. Hồi tháng 10, Boric từng gửi một thông điệp đến các nhà đầu tư, cố gạt bỏ nỗi sợ hãi của họ về việc "không thể kinh doanh hoặc để một quốc gia phát triển khi một xã hội đang bị rạn nứt nghiêm trọng, như ở Chile". Ông đã đã hứa sẽ giảm thời gian làm việc từ 45 xuống còn 40 giờ/tuần, để thúc đẩy "sự phát triển xanh" và tạo ra 500.000 việc làm cho phụ nữ; đồng thời tuyên bố sẽ cải cách hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe của Chile để thúc đẩy người nghèo tiếp cận. Chưa hết, Boric cũng lên tiếng ủng hộ cuộc nổi dậy chống chính phủ năm 2019 dẫn đến hàng chục người chết trong các cuộc đụng độ với cảnh sát và thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến quá trình viết lại hiến pháp thời độc tài...
Jennifer Pribble, GS khoa học chính trị tại Đại học Richmond bình luận, các đường phố trên khắp đất nước 19 triệu dân đã tràn ngập tiếng còi xe và biểu ngữ vẫy chào sự thay đổi trên chính trường lần này. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu khoảng 56%, cao hơn gần 10% so với vòng đầu tiên vào tháng 11 cho thấy những kỳ vọng của người dân Chile đối với tổng thống đắc cử. Theo GS Jennifer Pribble, khi tìm kiếm một loạt các thay đổi cấp tiến, Boric cần xây dựng một liên minh với những người theo chủ nghĩa trung tâm và cánh tả cứng rắn đã xung đột trong nhiều thập kỷ. Vì thế “ông ấy cần có kỹ năng đàm phán mạnh mẽ cùng tính thực dụng”, GS Jennifer Pribble nói.
Tầm nhìn thế kỷ
Hãng tin CNN cho hay, khi tranh cử, Boric đại diện cho liên minh gồm đảng Cộng sản ủng hộ một mô hình nhà nước phúc lợi hứa hẹn giải quyết tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng của đất nước. Tháng trước, trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông đã giành được gần 26% số phiếu bầu. Trong khi đó, Kast, một người bảo vệ trung thành cho chế độ độc tài Augusto Pinochet và thị trường tự do, giành được 28% phiếu bầu trong vòng đầu tiên.
Nhưng, vòng bỏ phiếu hôm 19-12 đã thay đổi tất cả. Đối với những người chỉ trích Boric thì ông tuy là người cấp tiến nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Song, những phẩm chất đó cũng đang thúc đẩy sự nổi tiếng của Boric trong giới trẻ Chile và nhiều người đã biết đến ông trong 2 năm bất ổn xã hội vừa qua. Hồi tháng 10-2019, Chile rung chuyển bởi các cuộc biểu tình lớn của hàng nghìn người đòi lương hưu tốt hơn, giáo dục tốt hơn và sự kết thúc của một hệ thống kinh tế mà họ tin rằng ủng hộ giới thượng lưu. Ông nhanh chóng trở thành đại diện có tiếng nói nhất của phong trào xã hội này và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của mình bằng cách bác bỏ di sản của liên minh trung tả đã thống trị từ năm 1990 đến năm 2010.
Các cuộc biểu tình này đã dẫn đến việc Tổng thống sắp mãn nhiệm Sebastian Pinera đồng ý tham gia một cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi hiến pháp, vốn được kế thừa từ chế độ độc tài đẫm máu của Augusto Pinochet. Năm ngoái, người dân Chile đã biểu quyết áp đảo về dự thảo một điều luật mới. Quá trình đó hiện đang được thực hiện, với hiến pháp mới sẽ được biểu quyết trong một cuộc điều trần mới vào giữa năm 2022. Cương lĩnh chính trị của Boric đã đi trên làn sóng đó, bao gồm các đề xuất về một hệ thống y tế công cộng hòa nhập hơn, xóa nợ cho sinh viên, tăng thuế đối với giới siêu giàu và sửa đổi hệ thống lương hưu tư nhân của nhà nước. Pablo Argote, một nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Columbia nhận định, Boric được cử tri từ 35 tuổi trở xuống ủng hộ và “ông ấy là hiện thân của những thay đổi tốt hơn các ứng cử viên khác. Trong chính trị, cường độ của sự ưa thích rất quan trọng. Thực tế cho thấy việc mọi người cảm thấy rất hào hứng với một ứng cử viên là vấn đề quan trọng và Boric có điều đó".
Lý trí tạo nên sức mạnh
Gabriel Boric sinh năm 1986 tại Punta Arenas là con trai của Luis Boric - một kỹ sư hóa học gốc Croatia và là nhân viên công vụ tại Empresa Nacional del Petróleo trong hơn 4 thập kỷ. Mẹ của ông là Maria Font mang dòng dõi Catalan. Boric học tại trường Anh quốc ở quê nhà, sau đó chuyển đến Santiago để theo học Trường Luật của Đại học Chile.
Trong một lần trả lời phỏng vấn Hãng AFP, cha của Boric nói rằng tổng thống mới đắc cử đã có đầu óc chính trị từ khi còn nhỏ, vẽ những thông điệp như "hãy thực tế, hãy làm điều không thể" và "lý trí tạo nên sức mạnh" trên bức tường trong phòng ngủ. Ông còn mô tả con trai mình là người "kiên định" và là người "biết cách lắng nghe". "Boric muốn tạo ra sự thay đổi thực sự trong xã hội, muốn xóa bỏ nhiều bất công mà chúng ta đang có và tin tưởng sâu sắc vào điều đó. Chính điều đó tạo cho Boric sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ mới - trở thành tổng thống", Luis Boric khẳng định.
Từ năm 1999-2000, Boric tham gia thành lập lại Liên đoàn Học sinh trung học của Punta Arenas. Khi ở trường đại học, ông tham gia tập thể chính trị Cánh tả tự trị (Izquierda Autónoma), ban đầu được gọi là Estudiantes Autónomos (Sinh viên tự trị). Ông còn từng là cố vấn cho Hiệp hội Sinh viên của Khoa Luật năm 2008 và trở thành Chủ tịch Hiệp hội vào năm 2009 khi dẫn đầu một cuộc biểu tình kéo dài 44 ngày chống lại Hiệu trưởng Roberto Nahum. Ông cũng đã đại diện cho sinh viên với tư cách là thượng nghị sĩ của trường đại học. Boric là ứng cử viên lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên đại học Chile (FECH) trong danh sách Creando Izquierda trong cuộc bầu cử từ ngày 5 đến 6-12-2011 và giành được 30,52% số phiếu ủng hộ. Thời gian là Chủ tịch của FECH, Boric đã tham gia cuộc biểu tình của sinh viên bắt đầu vào năm 2011 và trở thành một trong những người phát ngôn chính của Liên đoàn Sinh viên Chile. Năm 2012, ông được đưa vào danh sách 100 nhà lãnh đạo trẻ của Chile, do tạp chí Thứ bảy của tờ El Mercurio, phối hợp với Đại học Adolfo Ibánez xuất bản.
Năm 2013, Boric tranh cử quốc hội với tư cách là một ứng cử viên độc lập đại diện cho quận 60 (hiện tại là quận 28), bao gồm khu vực Magallanes và Nam Cực của Chile. Ông được bầu với 15.418 phiếu bầu (26,18%), con số cao nhất mà bất kỳ ứng cử viên nào trong khu vực nhận được. Các phương tiện truyền thông nêu bật thực tế là Boric được bầu bên ngoài một liên minh bầu cử, qua đó phá vỡ thành công hệ thống bầu cử song danh của Chile. Boric tuyên thệ nhậm chức thành viên của Hạ viện vào ngày 11-3-2014. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông là thành viên Ủy ban Nhân quyền và Người bản địa; Các vùng cực và Nam Cực của Chile; Ủy ban Lao động và An sinh xã hội. Năm 2017, Boric được bầu lại làm thành viên của Hạ viện cho vùng Magallanes với đa số phiếu ủng hộ.
Ông tuyên bố rằng những người theo chủ nghĩa trung tâm, những người trước đây đã nắm quyền trong nước, không đủ mạnh dạn để giải quyết những bất bình đẳng sâu sắc của đất nước. Và nhiệm vụ của ông là thay đổi tất cả. Michelle Bachelet, cựu tổng thống hai nhiệm kỳ của Chile và hiện là Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ với Boric bằng tuyên bố rằng ông sẽ đưa Chile vào "con đường tiến bộ cho tất cả mọi người, vì tự do, bình đẳng và nhân quyền lớn hơn”.