Giải pháp toàn diện nhằm chống lại Omicron không nằm ở việc đóng cửa biên giới
Cập nhật ngày: 2-12-2021
 
Trước sự xuất hiện của biến chủng COVID-19 Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại việc nhiều quốc gia tiếp tục áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt có thể không công bằng, không ngăn được sự lây lan quốc tế, đồng thời tạo ra gánh nặng đối với cuộc sống. WHO kêu gọi các nước áp dụng các biện pháp hợp lý để chống lại biến thể này.
 

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, biến chủng Omicron rất có thể sẽ giúp thế giới chấm dứt “cơn ác mộng Delta” và sớm thoát khỏi đại dịch.

8-1.jpg -0
Omicron - biến thể “đáng quan ngại” có thể là cơ hội để thoát khỏi đại dịch COVID-19. Nguồn: Reuters.

Biện pháp áp đặt phải tương xứng

The Guardian ngày 1/12 dẫn lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhamon Ghebreyesus nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tương xứng, hợp lý. Phản ứng toàn cầu phải bình tĩnh, có sự phối hợp một cách hệ thống và chặt chẽ trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron".

Khuyến cáo này được ông Tedros đưa ra sau khi ít nhất 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai hạn chế đi lại với công dân từ các nước miền Nam châu Phi, nơi ghi nhận khoảng 90% số ca nhiễm mới liên quan đến biến thể Omicron. Đặc biệt, Israel và Nhật Bản đã tuyên bố cấm nhập cảnh với người nước ngoài. Theo ông Tedros, việc các nước muốn bảo vệ công dân của mình trước một biến thể mà chưa hiểu đầy đủ về nó là điều hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, ông lo ngại việc phong tỏa đi lại có thể không công bằng và cản trở nỗ lực giám sát tình hình y tế toàn cầu.

"Các lệnh cấm đi lại đại trà sẽ không ngăn chặn được sự lây lan quốc tế, trong khi chỉ tạo ra gánh nặng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, những lệnh cấm này cũng tác động tiêu cực đến các nỗ lực y tế toàn cầu trong thời gian xảy ra đại dịch khi làm nhụt chí các quốc gia trong việc báo cáo và chia sẻ dữ liệu dịch tễ và trình tự gene”, ông Tedros nêu rõ.

Theo truyền thông quốc tế, tính đến ngày 1/12, Omicron đã có mặt tại 16 quốc gia, vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục, tập trung chủ yếu ở Johannesburg, thành phố lớn nhất Nam Phi và Pretoria, thủ đô hành chính nước này. Rõ ràng, dù đã nhanh chóng triển khai nhiều chính sách quyết liệt, từ hạn chế nhập cảnh với quốc gia bùng phát dịch tới đóng cửa biên giới hoàn toàn, nhiều chính phủ đã không thể ngăn cản sự xuất hiện của Omicron trên lãnh thổ và không loại trừ nguy cơ biến thể mới của SARS-CoV-2 đến từ công dân không thuộc danh sách quốc gia bị hạn chế nhập cảnh. Ủng hộ mạnh mẽ những khuyến cáo đưa ra từ WHO, nhiều hãng hàng không cho rằng, những hạn chế đi lại liên quan đến tính khẩn cấp của biến chủng Omicron có nguy cơ thổi bay sự phục hồi của ngành, khiến nó đi chệch hướng.

Theo Chủ tịch hãng hàng không Emirates Tim Clark, nếu các quốc gia liên tiếp đóng cửa biên giới thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh với mùa du lịch cao điểm tháng 12, gây ra "những cú sốc đáng kể" trong ngành thương mại hàng không toàn cầu. Trong bối cảnh đó, đóng cửa biên giới, ngăn chặn sự lây lan của Omicron trong cộng đồng cần là bước đầu tiên, nhưng không nên là cuối cùng. Các chính phủ cần tăng cường phòng chống dịch, mở rộng xét nghiệm và nguồn lực về y tế công cộng, chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tái khẳng định, cách duy nhất để thế giới thoát khỏi đại dịch, tình trạng bất công và khủng hoảng nhân đạo là thông qua một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Các quốc gia cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt giới tính, độ tuổi hay màu da. Trong khi nhiều quốc gia đã mở rộng đối tượng tiêm chủng sang trẻ em từ 12-17 tuổi, tốc độ tiêm chủng tại một số nước khác lại đang có dấu hiệu chậm lại, phần vì khan hiếm vaccine ngừa COVID-19, phần vì tâm lý bài vaccine trong một bộ phận người dân còn lớn.

Ông Antonio Guterres cho biết, Liên hợp quốc đang hỗ trợ chiến lược tiêm chủng cho WHO với mục tiêu 40% dân số thế giới vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022.

“Trong nguy có cơ”

Biến chủng Omicron được phát hiện từ giữa tháng 11 ở khu vực phía Nam châu Phi. Omicron gây lo ngại vì chứa số lượng đột biến nhiều chưa từng thấy ở bất cứ biến chủng nào của SARS-CoV-2. Theo kết quả giải trình tự gen, Omicron có 53 đột biến, trong đó 32 đột biến gắn trên protein gai, gấp đôi lượng đột biến ở Delta. Protein gai là cấu trúc giúp virus bám chắc hơn và xâm nhập vào tế bào người. Điều này làm dấy lên lo ngại Omicron có thể né miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine COVID-19. Nhưng trái ngược với những quan ngại về tốc độ lây lan của biến chủng Omicron và dựa vào những dữ liệu ban đầu từ Nam Phi, nhà virus học hàng đầu của Bỉ Marc van Ranst nhận định, nếu Omicron có khả năng lây lan cao hơn, nhưng độc lực thấp hơn Delta, nó có thể thay thế Delta trở thành biến chủng trội toàn cầu và đó sẽ là một tín hiệu tốt với cuộc chiến chống lại COVID-19.

Đồng quan điểm với ông Marc van Ranst, Giáo sư Karl Lauterbach, nhà dịch tễ người Đức cho rằng, việc Omicron có nhiều đột biến chưa từng có nghĩa là nó có thể "được tối ưu hóa" để lây lan, nhưng có thể ít gây ra bệnh nặng hơn. Đây vốn là cách mà hầu hết các virus về đường hô hấp diễn tiến. Khi đó, Omicron sẽ là một tín hiệu tích cực nếu nó chỉ gây triệu chứng nhẹ. Thực tế, chưa có trường hợp nào tử vong được báo cáo liên quan tới Omicron. Hơn nữa, giới chức y tế Nam Phi, trong đó có Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi Angelique Coetzee, khẳng định phần lớn các ca nhiễm chưa tiêm chủng và có triệu chứng nhẹ như đau đầu, chóng mặt, đau mỏi cơ, không ai bị mất vị giác hay khứu giác.

Trong một diễn biến có liên quan, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ cấp phép cho các loại vaccine được điều chỉnh đặc biệt để đối phó với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong 3-4 tháng, nếu cần thiết. Theo Giám đốc Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) Emer Cooke, giới khoa học dự kiến sẽ mất khoảng 2-3 tuần nữa để giải mã chi tiết Omicron.