CÔNG AN BẠC LIÊU
Tăng cường gắn kết, kết nối hợp tác giữa các quốc gia
Cập nhật ngày: 28-11-2021, lượt xem: 60
ASEM đang ngày càng phát huy vai trò không thể thiếu giúp tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các quốc gia thành viên hai châu lục nhằm đối phó với thách thức chung hiện nay.

Tăng cường gắn kết

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) 13 với chủ đề “Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung” do Campuchia chủ trì theo hình thức trực tuyến đã kết thúc tối 26/11. Hội nghị đã thông qua 3 văn kiện chính là Tuyên bố Chủ tịch ASEM-13, Tuyên bố Phnom Penh về phục hồi kinh tế-xã hội hậu COVID-19, Chính sách thúc đẩy kết nối Á-Âu.

Các văn kiện này đã phản ánh đúng cam kết, tình đoàn kết và nỗ lực chung của tất cả các lãnh đạo đối tác ASEM nhằm tăng cường cơ chế đa phương vì một tương lai đối tác Á - Âu tốt đẹp, mạnh mẽ, toàn diện và linh hoạt hơn. Trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng và phức tạp với những yếu tố và xu hướng mới ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế, đặc biệt là sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, ASEM đang ngày càng phát huy vai trò không thể thiếu giúp tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các quốc gia thành viên hai châu lục nhằm đối phó với thách thức chung hiện nay.

Nhiều nước châu Âu và châu Á trong thời gian qua đã tích cực chia sẻ vaccine, tăng cường hợp tác trong việc phát triển sản xuất cũng như chuyển giao công nghệ vaccine và đây là những tín hiệu đáng mừng, góp phần tiếp thêm động lực cho cuộc chiến gian nan chống COVID-19, từ đó củng cố niềm tin vào tương lai phục hồi sau đại dịch. Trong 10 tháng đầu năm nay, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã xuất khẩu và cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 ra toàn thế giới, trong đó có nhiều nước châu Á. EU cũng vừa cam kết sẽ tặng thêm 500 triệu liệu vaccine cho các nước dễ bị tổn thương.

Trong hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEM đã thảo luận về các giải pháp ứng phó dịch bệnh, sớm phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng. Hội nghị đã đưa ra giải pháp cụ thể trong ứng phó dịch bệnh như tạo thuận lợi cho lưu thông các mặt hàng thiết yếu và tiếp cận vaccine kịp thời, chuyển giao công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất vaccine.

Bên cạnh các giải pháp kinh tế vĩ mô, duy trì chuỗi cung ứng bền vững, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các nhà lãnh đạo ASEM đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường kết nối Á - Âu, coi đây là một trọng tâm hợp tác của ASEM trong giai đoạn tới; nhất trí thúc đẩy kết nối toàn diện cả về hạ tầng, thể chế và con người.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có, sức ép phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng ngày càng cấp thiết, sự phối hợp chính sách và hành động của những cơ chế hợp tác đa phương quy mô lớn như ASEM được đánh giá là hết sức cần thiết. Thông điệp hợp tác cùng vượt qua thách thức đã được các nhà lãnh đạo nêu bật tại hội nghị.

Thủ tướng Vương quốc Campuchi Samdech Techo Hun Sen cho rằng trong 25 năm qua, ASEM đã chứng tỏ là nền tảng quan trọng sống còn, kết nối châu Á và châu Âu, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai châu lục. Hướng tới 25 năm sau, ông nhấn mạnh các đối tác ASEM cần nỗ lực gấp đôi cam kết của mình về một cơ chế đa phương hiệu quả, toàn diện và thích ứng linh hoạt trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, và cần là một ASEM có tầm nhìn, mạnh mẽ trong quản trị toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Campuchia kêu gọi thúc đẩy sâu rộng sự kết nối liên khu vực vì sự phát triển bền vững và tăng trưởng được chia sẻ: Tăng cường hệ thống đa phương hiệu quả dựa trên luật pháp: Sự cần thiết của việc thúc đẩy sáng tạo, kết nối số và cách mạng công nghiệp 4.0: Thúc đẩy tầm nhìn của ASEM và các nỗ lực tập thể nhằm giải quyết những vấn đề chung, trong đó có biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, tăng quyền cho phụ nữ và những thách thức liên quốc gia. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh trong 25 năm qua, ASEM đã giúp châu Âu giải quyết một số thách thức lớn và trong những năm tới, mối quan hệ hợp tác giữa hai châu lục sẽ còn quan trọng hơn nữa, đặc biệt trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Bà Ursula von der Leyen cũng kêu gọi xây dựng một thế giới bền vững, bình đẳng hơn và cần tăng cường chủ nghĩa đa phương vì châu Á và châu Âu được kết nối chặt chẽ và có tầm quan trọng rất lớn trên thế giới. Bà khẳng định Hội nghị cấp cao ASEM 13 là cơ hội để tăng cường hợp tác về các vấn đề quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh của cả hai khu vực. Bày tỏ tin tưởng chủ nghĩa đa phương là chìa khóa để vượt qua khủng hoảng toàn cầu, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh hợp tác đa phương cần hữu hình trên cơ sở chia sẻ lợi ích giữa các thành viên ASEM, thúc đẩy nguyên tắc bình đẳng, tin cậy, tôn trọng và cùng có lợi.

Ông Prayut Chan-o-cha cũng đề xuất nguyên tắc “5P” (người dân, đối tác, hòa bình, thịnh vượng và Trái Đất) phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2030 mà ASEM cần coi trọng. Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob bày tỏ mong muốn các quốc gia phát triển ủng hộ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, cũng như chuyển giao công nghệ cho các nước đối tác ASEM đang phát triển nhằm thúc đẩy quá trình phát triển xanh và bền vững.

Chia sẻ quan điểm này, Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu đã đưa ra 4 lĩnh vực quan trọng đối với hợp tác kinh tế quốc tế, đó là chuỗi cung ứng linh hoạt và đáng tin cậy, an ninh y tế, kỹ thuật số để phát triển và phục hồi xanh và bền vững; đồng thời tái khẳng định cam kết của Ấn Độ trong việc hướng tới tăng cường hợp tác đa phương.

Tăng cường gắn kết, kết nối hợp tác giữa các quốc gia -0
Thủ tướng Hun Sen phát biểu tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) 13.

Đóng góp nhiều ý nghĩa trong chặng đường phát triển

Là một thành viên tham gia sáng lập ASEM, trong 25 năm qua, Việt Nam luôn tích cực, năng động, và có nhiều đóng góp có nhiều ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM. Đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (2004), cùng 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (2001), công nghệ - thông tin (2006), ngoại giao (2009), giáo dục (2009), lao động (2012), và triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của ASEM.

Việc Nam cũng đã tham gia đề xuất, thúc đẩy 2 lần mở rộng thành viên ASEM (năm 2004 và 2009) và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM, như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”, “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (2004).

Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của diễn đàn, đề xuất 29 sáng kiến và đồng bảo trợ 31 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân, như văn hoá, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khoa học – công nghệ, du lịch, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, phát triển bao trùm, kinh tế số, nâng cao quyền năng phụ nữ…

Gần đây nhất, Việt Nam đã đề xuất và tổ chức thành công Đối thoại Chính sách cao cấp “Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á – Âu trong một thế giới đang biến đổi” nhân dịp 25 năm thành lập Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) (tháng 6/2021, hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến). Đối thoại là sáng kiến của Việt Nam nhằm kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996-2021), góp phần thúc đẩy trao đổi giữa các thành viên về định hướng và tầm nhìn hợp tác Á-Âu trong giai đoạn mới. Đối thoại là hoạt động hợp tác ASEM có quy mô lớn nhất từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát với sự tham dự, đóng góp tích cực của đại diện cao cấp nhiều nước và tổ chức quốc tế.

Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là Đối thoại ASEM về phát triển bền vững, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong – Danube, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực. Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong ASEM (Điều phối viên 2 nhiệm kỳ 1999-2000 và 2001- 2002, Phó Giám đốc Điều hành ASEF giai đoạn 2008 -2012). Hiện Việt Nam đang tích cực đang phát huy vai trò trong 5 Nhóm hợp tác chuyên ngành về quản lý nước, ứng phó thiên tai và đào tạo nghề, giáo dục và phát triền nguồn nhân lực và kết nối công nghệ.

Việc Việt Nam tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực tại Diễn đàn ASEM là bước triển khai tích cực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đề cao đóng góp của ASEM sau 25 năm hoạt động và vai trò hợp tác của ASEM trong giai đoạn tới; thể hiện coi trọng hợp tác ASEM, góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; tranh thủ sự ủng hộ của các thành viên và đề cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác