Ngày 22-10, Saudi Arabia tuyên bố với thế giới rằng họ sẽ đạt phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2060, tương tự như mục tiêu mà chính phủ Trung Quốc đã đặt ra. Vương quốc này khó có thể sớm đạt được mục tiêu đó, nhưng kế hoạch tham vọng như vậy là một bước đi đúng hướng có tác động tích cực.
Đây là một nhiệm vụ “khổng lồ” với Saudi Arabia bởi vương quốc này là nước tiêu thụ dầu mỏ số 4 thế giới. Bên cạnh đó, họ còn là nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và dân số xếp thứ 41 thế giới.
Tham vọng “net-zero” (tức nền kinh tế đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải tạo ra và lượng khí thải được lấy ra khỏi bầu khí quyển) sẽ đòi hỏi một cuộc cải tổ toàn bộ nền kinh tế và xã hội Saudi Arabia trong vòng chưa đầy bốn thập niên trong khi đất nước này vốn chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Những thay đổi sâu rộng sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu thụ và chắc chắn đòi hỏi phải thu hồi một loạt các khoản trợ cấp nhiên liệu.
Tại sao cần phải "xanh"?
Hiện tại, nền kinh tế và hệ thống quản trị của Saudi Arabia phụ thuộc vào sự tồn tại của hai công nghệ vận tải quan trọng: động cơ đốt trong (ICE) và tuabin phản lực. Hai công nghệ đó duy trì sự độc quyền gần như hoàn toàn của dầu trên thị trường nhiên liệu vận tải.
Sự độc quyền đó càng gặp nhiều thách thức bởi các loại nhiên liệu và công nghệ thay thế - ví dụ như pin, nhiên liệu sinh học hay hydro, bởi vậy mô hình của Saudi Arabia càng trở nên kém an toàn hơn.
Những nước tham dự Hội nghị về Biến đổi Khí hậu ở Glasgow quan tâm đến việc thúc đẩy các phương tiện vận tải không sử dụng dầu. Một số nhà sản xuất xe đang loại bỏ dần động cơ xăng và diesel. Các loại thuế sắp tới đối với carbon và nhiên liệu sẽ khiến các phương tiện ICE ngày càng kém cạnh tranh hơn theo thời gian. Trong tương lai, thị trường hàng không cũng đang xem xét nhiên liệu sinh học, trong khi ngành tàu biển đang nghiêng về nguyên liệu amoniac.
Tóm lại, tương lai của dầu sẽ trở nên ít chắc chắn hơn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu dầu thế giới vào năm 2040 dao động từ 44 triệu thùng/ngày đến 104 triệu thùng/ngày.
Saudi Arabia cần chuẩn bị cho tình hình mới. Đa dạng hóa nền kinh tế là một trong những biện pháp cần làm. Tuy nhiên, họ cũng cần tham gia vào việc định hình - thay vì cản trở - cuộc đàm phán toàn cầu về hành động khí hậu.
Nhiệm vụ khó khăn
Saudi Arabia sử dụng dầu trong hầu hết mọi hoạt động, bao gồm cả sản xuất điện, điều mà hầu hết thế giới đã từ bỏ khi giá dầu tăng vọt vào những năm 1970.
Vương quốc này đã đốt cháy 3,5 triệu thùng dầu và khí đốt mỗi ngày vào năm 2020, theo dữ liệu của BP. Các hoạt động của họ bao gồm đốt trực tiếp dầu thô - vốn cực kỳ kém hiệu quả và đắt tiền - thành dầu diesel, dầu nhiên liệu nặng và khí ngưng tụ. Con số này nhiều hơn cả số dầu mà Nhật Bản hay Nga, Đức và Brazil sử dụng vào năm 2020.
Công ty Điện lực Saudi Arabia (SEC) hiện sử dụng hỗn hợp năng lượng gồm 99% nhiên liệu hóa thạch. Chính phủ nước này muốn sản xuất 50% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
Đối với các nhà sản xuất dầu và khí đốt ở Vùng Vịnh, họ phải chứng minh rằng hoạt động kinh doanh của họ là hợp lý, cần thiết cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sử dụng một nguồn năng lượng đáng tin cậy sạch hơn các sản phẩm từ dầu. Điều đó có nghĩa là Saudi Arabia sẽ tập trung vào khả năng sử dụng các công nghệ hiện có trong việc thu giữ và lưu trữ carbon để cung cấp thông tin và hỗ trợ tốt hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực.
Các công ty dầu mỏ quốc gia của Saudi Arabia và các nước lân cận đã bắt đầu cạnh tranh để trở thành các “nhà vận động” cho các sản phẩm năng lượng sạch hơn từ khí tự nhiên, năng lượng mặt trời đến hydro xanh. Họ có thể tận dụng kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí vào một loạt sản phẩm năng lượng sạch, và các quốc gia vùng Vịnh rất thích hợp để làm điều đó.
Saudi Arabia sẽ trở thành nơi thử nghiệm về cách tăng cường điện khí hóa, với các dự án năng lượng mặt trời khổng lồ và các mục tiêu sản xuất điện tái tạo. Nếu vương quốc này cũng có thể trở thành địa điểm sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời, họ có thể dẫn đầu thị trường trong cả việc xây dựng và vận hành điện mặt trời trên một vùng rộng lớn ở Trung Đông và châu Phi.
Và những lợi thế
Vương quốc Saudi Arabia đang nắm giữ nhiều lợi thế để giúp đơn giản hóa quá trình khử carbon. Đặc điểm địa chất và kinh nghiệm chuyên môn của Saudi Arabia khiến họ trở thành một trong những địa chỉ lý tưởng nhất cho việc thu giữ và lưu trữ carbon của bất kỳ quốc gia nào trên trái đất. Vương quốc này có đầy đủ kiến thức chuyên môn về đường ống và dầu mỏ, trong khi một phần lớn lượng khí thải của Vương quốc tập trung ở các cụm công nghiệp, điều khiến việc thu gom chúng tương đối dễ dàng.
Kho chứa dưới lòng đất, cùng với vùng đất trống có nhiều bức xạ mặt trời, cũng khiến Saudi Arabia trở thành môi trường lý tưởng để sản xuất hydro. Hydro có thể là nhiên liệu công nghiệp để phục vụ mục tiêu khử carbon của Saudi Arabia, hoặc một mặt hàng xuất khẩu sinh lợi để sử dụng trong công nghiệp hoặc giao thông vận tải.
Saudi Arabia cũng có nguồn tài chính dồi dào để đầu tư, đặc biệt hiện nay với giá dầu là 80 USD/thùng. Saudi Aramco, một trong những công ty dầu mỏ gạo cội nhất trên trái đất, cùng với các nhà đầu tư lỗi lạc tại Quỹ Đầu tư công, có thể dẫn đầu nỗ lực sản xuất hydro cùng với sự hợp tác từ một hoặc hai nhà sản xuất ô tô.
Vấn đề nhạy cảm nhất là Saudi Arabia sẽ tìm cách tiến tới mục tiêu “net-zero” trong khi vẫn là một nước xuất khẩu dầu lớn. Dầu sẽ không biến mất, nhưng giá trị của nó có thể giảm đi rất nhiều.
Saudi Arabia có một lợi thế cuối cùng - đó là vương quốc này được lãnh đạo bởi một bộ đôi “Quốc vương và Thái tử”, điều có thể thúc đẩy chính sách một cách liền mạch. Thái tử Mohammed bin Salman, người sẽ cai trị Vương quốc Saudi Arabia trong nửa thế kỷ tới, đang rất quan tâm đến việc chuẩn bị cơ sở cho sự cai trị lâu dài, bao gồm cả việc đưa vương quốc này đi theo một con đường năng lượng mới.