Báo cáo mới công bố của Lầu Năm Góc hôm 3-11 cảnh báo, Trung Quốc đã tăng tốc sản xuất vũ khí hạt nhân, mở rộng chương trình tên lửa và Washington lo ngại sẽ có một cuộc Chiến tranh Lạnh lần 2.
Tranh cãi mới
Hôm 4-11, tức chỉ một ngày sau khi báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố, giới chức Trung Quốc đã có phản hồi trong các bình luận được chia sẻ với tờ Newsweek. Theo đó, Bắc Kinh cáo buộc chính Washington đang đưa thế giới đến gần hơn với chiến tranh hạt nhân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Trung Quốc luôn tuân thủ chiến lược hạt nhân tự vệ của mình; tuân thủ chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu vào bất kỳ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng thời cam kết dứt khoát không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các khu vực không có vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc chưa từng tham gia vào bất kỳ hình thức chạy đua vũ trang hạt nhân nào, cũng như chưa từng triển khai vũ khí hạt nhân ra nước ngoài”. Đồng thời, ông Uông Văn Bân lập luận rằng, điều tương tự có thể xảy ra với Mỹ và chỉ ra rằng kho vũ khí lớn hơn nhiều của Mỹ đang chứa khoảng 5.550 đầu đạn.
Hiện, ngân sách quân sự của Mỹ vẫn cao hơn Trung Quốc và Washington “đã chi hàng nghìn tỷ USD để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân và mở rộng phạm vi các cuộc tấn công hạt nhân”, ông Bân nói thêm.
Theo tin từ hãng CNN, hôm 3-11, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố “Báo cáo thường niên về sự phát triển quân sự và an ninh của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, bao gồm một loạt đánh giá về Trung Quốc và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc - lực lượng vũ trang được cho là lớn nhất thế giới. Trong số những phát hiện về khả năng hiện đại hóa và tiềm lực quân sự của Trung Quốc, đáng chú ý là Lầu Năm Góc nhận xét rằng Bắc Kinh đang “đẩy nhanh việc mở rộng quy mô lớn các lực lượng hạt nhân”, tìm cách “hiện đại hóa” và “đa dạng hóa”.
Báo cáo lưu ý rằng số lượng đầu đạn hiện tại của Trung Quốc được cho là “ở mức thấp hơn 200 đầu đạn” nhưng con số này dự kiến sẽ tăng lên. Báo cáo cũng đề cập đến các nền tảng quân sự chiến lược trên bộ, trên không và trên biển mà Trung Quốc đang phát triển. “Tốc độ mở rộng hạt nhân ngày càng nhanh của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có thể cho phép nước này có tới 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027.
Trung Quốc có thể có ít nhất 1.000 đầu đạn vào năm 2030, vượt quá tốc độ và kích thước mà Bộ Quốc phòng dự kiến trong báo cáo năm 2020”, báo cáo có đoạn viết. Chưa hết, “số lượng đầu đạn trên các tên lửa đạn đạo trên đất liền của Trung Quốc cũng được đánh giá là sẽ tăng lên con số 200 trong vòng 5 năm tới và có khả năng đe dọa an ninh Mỹ.
Nỗi lo về bộ ba tên lửa hạt nhân
Trên thực tế, Trung Quốc cũng đã tập trung vào một “lực lượng hạt nhân tinh gọn và hiệu quả” nhưng sự xây dựng hiện tại của họ lớn hơn so với dự đoán của Mỹ và vượt xa những gì họ từng có trong lịch sử. Việc đầu tư vào lực lượng hạt nhân đã cho phép Trung Quốc thiết lập bộ ba tên lửa đạn đạo phóng từ trên không, cũng như tên lửa phóng từ trên mặt nước và trên biển, tương tự như bộ ba tên lửa của Mỹ. Hồi đầu tuần, Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) cũng công bố một báo cáo về việc xây dựng nhanh chóng 3 cánh đồng bị nghi ngờ là silo ở miền Tây Trung Quốc. Các tác giả của báo cáo FAS, Matt Korda và Hans M. Kristensen, viết rằng, các cánh đồng silo vẫn còn nhiều năm nữa mới đi vào hoạt động nhưng cuối cùng chúng có khả năng phóng tên lửa hạt nhân tầm xa.
Trước đó, vào tháng 3, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) từng dẫn báo cáo được FAS công bố cho biết, 16 cơ sở, còn được biết đến là hầm silo phóng tên lửa mới được Trung Quốc xây dựng tại vùng Ô Hải thuộc khu vực Nội Mông, được thiết kế để phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 và DF-31AG có tầm bắn 10.000-14.000km. Các tên lửa này đủ khả năng chạm tới Mỹ. Hãng Reuters khi đó đã bình luận, dù Bắc Kinh có tăng số lượng hầm silo chứa tên lửa thì nước này vẫn thua xa Nga và Mỹ về khả năng tấn công hạt nhân. Mỹ hiện có khoảng 450 hầm silo, 400 hầm trong số đó được trang bị nhiều loại tên lửa. Còn Nga có khoảng 130 hầm silo đang hoạt động, so với 18-20 hầm phóng của Trung Quốc.
Trọng tâm của quá trình phát triển vũ khí hạt nhân là các khả năng siêu thanh thế hệ tiếp theo, bao gồm khả năng che chắn các phương tiện bay siêu thanh có thể né tránh tốt hơn các hệ thống phòng thủ hiện có. Cả Mỹ và Nga đều đã công khai bắt đầu thử nghiệm các nền tảng như vậy và các báo cáo gần đây trên Financial Times cho thấy Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 2 cuộc thử nghiệm trong năm nay. Và dù báo cáo của Lầu Năm Góc không mô tả vụ thử tên lửa siêu thanh gần đây của Trung Quốc hồi mùa hè nhưng giới chức quốc phòng Mỹ cũng nhiều lần nói đến vấn đề này. Chẳng hạn, tại Diễn đàn An ninh Aspen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley cho biết công nghệ siêu thanh chỉ là một lĩnh vực mà Trung Quốc đang đạt được những bước tiến đáng kể nhưng nó là một phần của bức tranh rộng lớn hơn liên quan đến khả năng quân sự đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, mà theo ông là “sự thay đổi cơ bản” trong chiến tranh vốn đang định hình lại các yếu tố của trật tự quốc tế.
Năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai DF-17, một tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng phóng phương tiện lướt siêu thanh. Trong khi đó, Phó Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân John Hyten nói với các phóng viên tại một hội nghị bàn tròn rằng, “tốc độ di chuyển và quỹ đạo của Trung Quốc sẽ vượt qua Nga và Mỹ nếu chúng ta không làm điều gì đó để thay đổi”.