Chủ đề năng lượng giữa Nga và châu Âu lại một lần nữa nổi lên khi giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt 170% kể từ đầu năm nay và dường như khó có thể kìm hãm đà tăng vào lúc này. Tại châu Âu, mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Nga - nhà cung cấp khí đốt chính cho khu vực. Châu Âu cáo buộc Nga lợi dụng tình thế và thao túng giá cả. Moscow đáp trả đầy thuyết phục.
Trước hết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giá khí đốt tại châu Âu phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Đầu tiên, tình hình này là chung cho toàn thế giới. Hiện tượng tăng giá này là do có liên quan đến tình hình cung - cầu và nguồn dự trữ tại nhiều nước trên thế giới, trong khi nguồn năng lượng tái tạo lại không được bổ sung như mọi khi do thời tiết không thuận lợi.
Sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới đột ngột khởi động mạnh mẽ trở lại, thúc đẩy tăng trưởng dẫn đến tình trạng tăng mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn trong năm nay so với năm 2020.
Trong khi đó, một số nguồn cung ứng lại gặp khó khăn. Ví dụ, tại Mỹ, quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, sản lượng bị giảm, chưa thể hồi phục sau trận bão Ida tràn qua vịnh Mexico. Sau cùng là nguồn dự trữ tại châu Âu tương đối thấp do phải trải qua mùa đông 2020-2021 khá dài và lạnh. Nguồn dự trữ này phải được lấp lại vào lúc mùa đông đang đến. Tuy nhiên, trong tình hình này, châu Âu đặc biệt bị tác động nhiều nhất.
Châu Âu trong cơn khát năng lượng, nghi ngờ Nga kìm hãm nguồn cung ứng khí đốt làm kịch phát tăng giá khí đốt trên thị trường. Thông qua các phương tiện truyền thông, châu Âu cho rằng mục tiêu của Nga là nhằm gây áp lực chính trị với Liên minh châu Âu trong nhiều vấn đề, như việc thúc ép hoàn tất nhanh hơn hệ thống ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nối liền Nga với Đức; ép châu Âu nới lỏng các quy định về thủ tục ký hợp đồng; hay như đề nghị Bruxelles “không nên xem Nga như là một đối thủ”.
Thậm chí, một số nhà nghiên cứu châu Âu còn đưa ra giả thiết, Moscow rất có thể đang tìm cách lợi dụng thế mạnh hiện nay để có được những nhượng bộ về một số quy định ràng buộc, chẳng hạn như gói khí hậu - năng lượng hiện đang được thảo luận tại Bruxelles; hay Nga cũng có thể thử tìm cách đặt lại lên bàn thương lượng vấn đề nới lỏng lệnh cấm vận kinh tế mà EU áp đặt cho Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
Một nhóm nghị sĩ châu Âu còn yêu cầu Ủy ban châu Âu điều tra vai trò của Tập đoàn Gazprom của Nga trong đợt tăng giá khí đốt hiện nay. Những cáo buộc trên không thể thiếu phần “tiếp sức” của truyền thông và một số chính trị gia chống Nga tại Mỹ.
Trước những chỉ trích này, Điện Kremlin, qua lời phát ngôn viên Dmitry Peskov phủ nhận mọi vai trò của Nga liên quan đến các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng năng lượng lần này, cho rằng đó là do tình hình thị trường thế giới cầu vượt cung và nguồn dự trữ thấp. Tổng thống Nga Vladimir Putin còn đi xa hơn khi chỉ trích các nước châu Âu đã có những tính toán sai lầm khi giảm bớt một phần trong hợp đồng dài hạn về khí đốt tự nhiên và ưu tiên mua nhiên liệu trên thị trường ngắn hạn (giao ngay) mà giá cả đã tăng vọt trong thời gian gần đây.
“Toàn bộ chính sách của họ là rút khỏi các hợp đồng dài hạn và chính sách đó hóa ra là sai lầm”, ông Putin nói trong cuộc họp với các quan chức ngành năng lượng Nga ngày 6-10.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga cho biết các chính trị gia phương Tây đã tính toán sai khi lựa chọn nguồn năng lượng thay thế. Họ đang trông chờ vào năng lượng gió nhưng gió “đã ngưng thổi trong vài tháng do thời tiết”. Sau đó, họ gắn hy vọng vào thị trường khí đốt giao ngay nhưng “thị trường giao ngay đã chuyển sang nơi giá cao hơn (ở đây là châu Á)”. “Họ đã mắc sai lầm [...]. Và họ không thể nhận ra điều đó. Vì là chính trị gia, họ có nguy cơ bị thất cử vì những sai lầm đó. Vì vậy, tốt hơn là nên tìm một ai đó để đổ tội. Đó là Nga”, ông Dmitry Peskov giải thích trên kênh Rossiya TV.
Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Jennifer Granholm, lên tiếng về việc “thao túng” giá khí đốt, khi ám chỉ Nga đã tự ý giảm xuất khẩu sang châu Âu và hứa sẽ “kiểm tra rất nghiêm túc” nghi vấn này. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã kêu gọi Moscow tăng cường cung cấp khí đốt cho EU để giảm bớt áp lực về giá cả. Cơ quan này tin rằng Nga có thể làm nhiều hơn nữa để tăng lượng khí đốt tới châu Âu và đảm bảo rằng các kho dự trữ được lấp đầy đủ chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.
Đáp trả những lời này, phát biểu tại Tuần lễ Năng lượng Nga tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin vạch rõ việc Mỹ đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu như thế nào. Theo ông, Mỹ đã giảm cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), trong khi lại cáo buộc Nga tham gia vào việc làm tăng giá khí đốt ở châu Âu. “Nguồn cung cấp, ví dụ như LNG của Mỹ, đã di chuyển từ châu Âu sang châu Á khi giá cả thay đổi. Trên tổng lượng cung cấp LNG giảm trên thị trường châu Âu, tức là hơn 14 tỷ mét khối khí, khoảng một nửa là do các nhà khai thác Mỹ”, Tổng thống Nga nói.
Ông Putin nhắc lại, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Mỹ và các nước khác giảm, Nga lại tăng cường cung cấp cho châu Âu, đáp ứng mọi yêu cầu của các đối tác. “Vậy ai đang sử dụng những công cụ năng lượng này cho mục đích riêng của họ? Đó là lỗi của chúng tôi hay của người khác?”, nguyên thủ nước Nga nói tiếp. “Giờ là thời buổi thông tin mở, bạn chỉ cần xem trên Internet là có tất cả. Và bạn đưa ra cáo buộc chống lại Nga sử dụng các nguồn năng lượng làm vũ khí. Điều này hoàn toàn vô nghĩa”, ông Putin nhấn mạnh.
Sau khi đưa ra nhiều bình luận về tình hình giá khí đốt tăng mạnh tại châu Âu và khẳng định Moscow không có lỗi, ngày 13-10, Tổng thống Putin đề xuất tăng xuất khẩu khí đốt cho châu Âu. Từ vài ngày qua, tập đoàn khổng lồ của Nga, Gazprom huy động rất nhiều nguồn dự trữ để bình ổn thị trường. Nhưng, điều mà ông chủ Điện Kremlin mong muốn trước hết là các nước châu Âu phải “rút ra một bài học”.
Theo ông, EU là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này và liên minh này đã không biết cách tự bảo vệ mình khỏi sự tăng giá bằng cách ký các hợp đồng dài hạn với Moscow. Các nước châu Âu đã phạm sai lầm khi “dựa vào bàn tay vô hình của thị trường”. Ông nói: “Không nên đặt vấn đề của mình lên vai người khác, như một số đối tác của chúng tôi đang cố gắng làm”.