Cuộc gặp mang tính hoà giải sắp tới giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được kỳ vọng là cơ hội để đôi bên chấm dứt đợt căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng gần đây liên quan tới việc Australia huỷ hợp đồng tàu ngầm với Pháp, tiếp nhận công nghệ tàu ngầm năng lượng hạt nhân tân tiến từ Mỹ và Anh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 6/10 (giờ Việt Nam) xác nhận, ông sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Rome (Italia) bên lề G20 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10, nhằm hàn gắn mối quan hệ đồng minh truyền thống sau khi Washington khiến Paris mất hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Canberra.
Phát biểu khi đến dự tiệc tối của Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Slovenia, Tổng thống Emmanuel Macron nêu rõ: "Chúng tôi sẽ gặp mặt bên lề G20. Tôi nghĩ đây là cơ hội để hai bên nhìn nhận một cách thiện chí và cùng trả lời cho câu hỏi sẽ hàn gắn lại như thế nào và bằng cách nào. Đó là sự thật và là những điều chúng tôi phải cùng nhau giải quyết".
Theo ông Macron, dù vụ việc khiến Pháp hoài nghi về cái gọi là tình đồng minh truyền thống nhưng nước này luôn cố gắng nhìn nhận mọi việc một cách tổng quan nhất có thể. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh: "Chúng ta phải xem xét cách châu Âu nên giải quyết những thách thức trong khu vực, các cuộc khủng hoảng đang tồn tại, vấn đề an ninh và tiếp tục hợp tác có thiện chí với các đối tác và đồng minh lịch sử".
Tuyên bố của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken vừa có chuyến thăm Paris hồi đầu tuần và đạt được nhiều kết quả khả quan trong các cuộc gặp gỡ chính thức với giới chức Pháp.
The Guardian dẫn lời các học giả nhận định, nếu ban đầu chính quyền Mỹ khá lóng ngóng khi không thể lường trước phản ứng giận dữ của Pháp thì vụ việc giờ đây đã được hạ nhiệt phần nào nhờ vào tài ngoại giao khéo léo của ông Biden sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp. Chỉ trong vài tuần, từ khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng, Nhà Trắng đã có được những tuyên bố thiện chí hơn từ phía Điện Elyseé. Tuy nhiên, chuyên gia về chính sách đối ngoại Herve Lemahieu của Viện Lowy cho rằng, Pháp và các đồng minh châu Âu của nước này sẽ không dễ dàng "cho qua".
Việc thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này cần phải có thời gian và đòi hỏi có những hành động cụ thể của cả hai bên. "Cuộc gặp sẽ giúp hàn gắn lại tình đồng minh truyền thống Pháp - Mỹ. Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp trong nhiều vấn đề quốc tế cùng có lợi ích, bao gồm hợp tác trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tại châu Phi cũng như tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những hoài nghi sẽ không thể biến mất ngay lập tức. Pháp hay EU đều có những "dấu hỏi" về khả năng bị đồng minh gạt ra ngoài những kế hoạch then chốt trong tương lai. Pháp nói riêng và châu Âu nói chung vẫn cần một sự "rõ ràng" hơn từ Mỹ, nhất là các cam kết sau một loạt sự kiện gần đây từ việc rút quân của Mỹ tại Afghanistan đến việc hình thành liên minh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia mà không có sự trao đổi với châu Âu", chuyên gia Herve Lemahieu nói.
Ở một góc nhìn bao quát hơn, ông Benjamin Haddad, Giám đốc phụ trách châu Âu của viện tư vấn Atlantic Council chuyên về quan hệ Mỹ - châu Âu cho hay, cuộc gặp bên lề G20 ngoài việc Mỹ hiểu ra rằng cuộc khủng hoảng tàu ngầm gây sốc với Paris chủ yếu không phải về mặt thương mại mà vấn đề chính là sự tan vỡ niềm tin thì châu Âu cũng cần rút ra bài học "lục địa già cần phải rõ ràng với chính mình trong bối cảnh địa chính trị thế giới ngày càng phức tạp. Dự kiến, Tổng thống Pháp Macron sẽ có cuộc điện đàm tiếp theo với người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào giữa tháng này, trước khi hai nhà lãnh đạo gặp trực tiếp tại Rome vào cuối tháng 10.
Trong một diễn biến có liên quan, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, trong cuộc gặp kéo dài khoảng 40 phút hôm 5/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đều đồng thuận về những cơ hội giúp tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác giữa Paris và Washington dù "vẫn còn nhiều việc phải làm". Phía Pháp đánh giá, chuyến thăm Paris của ông Blinken sẽ đóng góp vào việc khôi phục lòng tin.
Quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tranh cãi liên quan thỏa thuận an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ AUKUS. Thỏa thuận mới được ký kết này đã dẫn tới việc Canberra rút khỏi hợp đồng mua tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD ký với một công ty của Pháp. Paris đã phản ứng khá gay gắt với thỏa thuận AUKUS, cho rằng đây là "sự bội tín" của Mỹ.
Hôm 30/9 vừa qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã tổ chức cuộc họp với Đại sứ Pháp tại Mỹ Philippe Etienne để thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin. Đại sứ Etienne đã quay lại Mỹ sau hai tuần được triệu hồi về nước tham vấn và sau cuộc điện đàm của Tổng thống Macron với người đồng cấp Mỹ Biden hôm 22/9, trong đó, ông Biden thừa nhận Washington nên liên lạc hiệu quả hơn với đồng minh truyền thống của họ tại châu Âu.
Nguồn cand.com.vn