CÔNG AN BẠC LIÊU
Ai chia “miếng bánh” tài nguyên ở Afghanistan?
Cập nhật ngày: 31-08-2021, lượt xem: 59
“Cơn bão” Taliban đang làm chao đảo Afghanistan sau khi tiến vào chiếm giữ thủ đô Kabul hôm 15-8 vừa qua. Trong số những vấn đề nổi cộm và cấp bách mà cộng đồng quốc tế quan tâm hiện nay là việc Taliban đang “ngồi trên” nguồn trữ lượng khoáng sản quý hiếm vốn có vai trò quan trọng đối với ngành công nghệ cao trong thế kỷ 21.

Câu hỏi hiện nay là liệu Taliban sẽ có đủ năng lực để hưởng lợi “miếng bánh khoáng sản” này hay sẽ tạo cơ hội để các nước bên ngoài chia phần trong bối cảnh địa chính trị mới ở Afghanistan?

Đất nước của tài nguyên khoáng sản

Đầu năm 2021, tờ The Hill của Mỹ cho biết Afghanistan sở hữu trữ lượng khoáng sản quý hiếm trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD, bao gồm sắt, đồng, vàng, đất hiếm và quan trọng hơn cả là lithium. Theo ước tính của Mỹ, trữ lượng  lithium ở Afghanistan có thể “ngang ngửa” trữ lượng ở Bolivia, nước sở hữu mỏ     lithium lớn nhất thế giới.

Đất hiếm là một thành phần không thể thiếu trong các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, ôtô cho đến máy bay, vũ khí và vệ tinh. Trong khi đó, lithium là một kim loại hiếm đóng vai trò quan trọng trong chế tạo pin sạc và các công nghệ khác.

Đánh giá  nhu cầu nguồn cung toàn cầu về những kim loại quý hiếm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tháng 5-2021 cho rằng thế giới đang rất cần nguồn cung lithium, đồng, niken, coban và đất hiếm để góp phần “giải bài toán” đối phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Hiện nay, thế giới mới chỉ biết đến “ba gương mặt” sáng giá trong nguồn cung “mặt hàng” này là Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo và Australia, với tổng sản lượng khai thác lithium, coban và đất hiếm chiếm 75% tổng sản lượng khai thác toàn cầu.

Ai chia “Miếng bánh” tài nguyên ở Afghanistan? -0
 Afghanistan phải mất hàng chục năm nữa mới có thể khai thác được nguồn tài nguyên giàu có do thiếu cơ sở hạ tầng khai khoáng.

Nhận định trên tạp chí Khoa học hồi năm 2010, ông Said Mirzad thuộc Cục Khảo sát Địa chất Mỹ đánh giá: “Nếu tình hình Afghanistan ổn định được vài năm, tạo điều kiện triển khai các dự án phát triển và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thì nước này có thể trở thành một trong những nước giàu nhất trong khu vực Nam Á chỉ trong vòng một thập kỷ”.

Đồng quan điểm, ông Rod Schoonover, nhà khoa học và chuyên gia an ninh đồng thời là nhà sáng lập công ty Ecological Futures Group, cho rằng Afghanistan chắc chắn là một trong những quốc gia trong khu vực sở hữu trữ lượng kim loại quý nhiều nhất, đây cũng là những kim loại cần thiết cho những lĩnh vực kinh tế mới nổi của thế kỷ 21. Ông ví von: “Taliban hiện đang ngồi trên những loại khoáng sản chiến lược quan trọng nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, ai là “chủ nhân” của “miếng bánh khoáng sản” này khi tồn tại hàng loạt rào cản đối với giới đầu tư trong và ngoài nước, từ vấn đề môi trường pháp lý, sự ổn định chính trị xã hội sau khi Taliban kiểm soát đất nước. Trong khi đó, Taliban có đủ năng lực và sẵn sàng khai thác hay sẽ mời gọi các nước bên ngoài chia phần chiếc bánh này vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ngồi trên đống của cải

Trước đây, tình hình an ninh bất ổn tại Afghanistan, thiếu thốn cơ sở hạ tầng và hạn hán nghiêm trọng là những trở lực đối với các hoạt động khai thác khoáng sản. Một vài dự án khai thác vàng, đồng và sắt tại Afghanistan với quy mô nhỏ đã từng tồn tại. Tuy nhiên, việc khai thác     lithium và đất hiếm đòi hỏi nguồn đầu tư lớn hơn rất nhiều và công nghệ kỹ thuật hiện đại cũng như thời gian. IEA ước tính quá trình thăm dò phát hiện một trữ lượng mỏ đến khi khởi động khai thác và chế biến khoáng sản phải mất trung bình 16 năm. 

Ai chia “Miếng bánh” tài nguyên ở Afghanistan? -0
 Quặng đồng được phát hiện tại Aynak thuộc tỉnh Logar miền Đông Afghanistan tháng 3-2013.

Liệu Taliban có thể tạo ra sự thay đổi đối với ngành khai khoáng ở Afghanistan hay không ngay cả khi lực lượng này nắm quyền kiểm soát đất nước? Theo ông Schoonover, có khả năng Taliban sẽ sử dụng quyền lực mới của mình để triển khai các dự án khai khoáng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lĩnh vực này sẽ “phất lên như diều gặp gió” mà có thể sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn hơn nữa trong bối cảnh Taliban trước mắt sẽ dốc sức vào những vấn đề khác như an ninh và nhân đạo.

Ông Joseph Parkes, nhà phân tích an ninh khu vực châu Á tại Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, giải thích: “Quá trình để Taliban thành lập một chính phủ mới ở Afghanistan không hề bằng phẳng và sẽ phải mất nhiều năm nữa để một chính phủ mới hoạt động trơn tru và để có thể quản lý ngành khai khoáng vốn còn non trẻ ở nước này”.

Ngoài nghi ngại về năng lực, một số nhà phân tích đặt câu hỏi về sự sẵn sàng của Taliban “bắt tay” khai thác khi lực lượng này có nguồn thu lớn khác từ buôn bán ma túy. Ông Hans-Jakob Schindler, chuyên gia người Đức nghiên cứu biện pháp đối phó với chủ nghĩa cực đoan, nhận định: “Những tài nguyên này được phát hiện từ những năm 1990 song Taliban không có khả năng khai thác. Do đó, người ta vẫn hoài nghi về khả năng Taliban có thể phát triển kinh tế Afghanistan hoặc thậm chí hứng thú với việc đó”.

Việc thu hút vốn tư nhân và nước ngoài sẽ còn khó khăn hơn nữa vì họ không muốn ôm rủi ro trong bối cảnh hiện nay. Tình trạng cạnh tranh giữa các phe nhóm nội bộ Taliban sẽ gây khó khăn đối với bất kỳ công ty nào muốn thương lượng thỏa thuận khai khoáng. Trong khi câu hỏi về năng lực và sự sẵn sàng của Taliban khi tự khai thác chế biến khoáng sản vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ thì có một thực tế khác đang định hình. Đó là câu chuyện về các dự án khai khoáng phần nào được thúc đẩy bởi những yếu tố địa chính trị. 

Cơ hội “chia bánh”

Việc Mỹ rút quân cũng làm hồi sinh cuộc thảo luận về sự can dự kinh tế của các nước bên ngoài vào Afghanistan, trong đó nổi lên là bộ ba gồm Trung Quốc-Nga-Pakistan. Những “gương mặt” này vừa có mối liên kết từ trước với Taliban vừa có những toan tính riêng tại Afghanistan, trong đó có những dự định về khai thác tài nguyên khoáng sản.

Hồi cuối tháng 7-2021, một thủ lĩnh Taliban khi đến Thiên Tân đã nói với Ngoại trưởng Vương Nghị rằng Trung Quốc sẽ “đóng một vai trò lớn hơn trong công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế trong tương lai ở Afghanistan”. Đáp lại, Trung Quốc hôm 16-8 khẳng định nước này sẵn sàng cho “mối quan hệ thân thiện và hợp tác” với những nhà cầm quyền mới.

Ông Schoonover nhận định: “Là nước láng giềng ngay sát Afghanistan, Trung Quốc đang ấp ủ triển khai chương trình phát triển năng lượng xanh có quy mô đáng kể. Lithium và đất hiếm nằm trong tính toán những kế hoạch dài hạn của họ”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Military Times hồi giữa tháng 6-2021, Tướng Frank McKenzie, người giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, cho biết ông nghi ngờ Trung Quốc sẽ theo đuổi các lợi ích kinh tế ở Afghanistan sau khi Mỹ rời đi. Tướng McKenzie nói: “Tôi nghĩ họ muốn khai thác các mỏ khoáng sản lớn lộ thiên ở Afghanistan và những nơi khác”.

Ai chia “Miếng bánh” tài nguyên ở Afghanistan? -0
 Người dân Afghanistan khai thác đồng ở thành phố cổ MesAynak năm 2013.

Thời báo Hoàn Cầu hôm 18-9 thẳng thừng tuyên bố Mỹ không có tư cách can thiệp vào bất kỳ mối quan hệ hợp tác tiềm năng nào giữa Trung Quốc và Afghanistan, bao gồm cả đất hiếm. Đây là cách mà Bắc Kinh mượn lời một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản nước này để “phản pháo” trước cảnh báo của giới chuyên gia trên CNBC của Mỹ khi cho rằng Trung Quốc có thể "liên kết với Taliban để cố gắng khai thác nguồn tài nguyên đất hiếm của Afghanistan".

Tuy nhiên, do tình trạng bất ổn gia tăng và sự không chắc chắn về chính quyền mới ở Afghanistan, Trung Quốc hiện thận trọng với những tính toán của mình tại quốc gia Nam Á này. Trước đây, Bắc Kinh đã thiệt hại khi đầu tư vào một dự án khai thác đồng trị giá 3 tỷ USD ở Afghanistan, được khởi động vào năm 2007 song dự án sau đó đã bị trì hoãn vì gặp phải những khó khăn về cơ sở hạ tầng.

Song một động lực thúc đẩy Bắc Kinh chính là mong muốn củng cố khả năng kiểm soát các chuỗi cung ứng chiến lược, từ vi mạch đến pin sạc cho xe ôtô điện. Nhận định trên kênh truyền hình DW của Đức, ông Michael Tanchum, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu chính sách châu Âu và An ninh của Australia, đánh giá: “Taliban kiểm soát Afghanistan trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu về những kim loại quý hiếm nói trên đang đứt gãy và thiếu hụt nghiêm trọng, trong khi Trung Quốc lại cần những tài nguyên này”.

Mặc dù chưa rõ Taliban cuối cùng sẽ thành lập loại chính quyền nào, nhưng những khoáng sản này có thể thu hút sự chú ý của các nước khác ngoài Trung Quốc nếu Afghanistan vượt qua những trở ngại từ tình trạng mất an ninh kéo dài đến thiếu cơ sở hạ tầng để phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của mình. “Nga, Iran và Pakistan cũng để mắt đến những nguồn tài nguyên này”, nhận định trên trang mạng E&E News của ông Ahmad Shah Katawazai, từng là cố vấn cấp cao cho Ngoại trưởng Afghanistan cho đến khi Taliban chiếm Kabul hôm 15-8.

Trung Quốc và Nga vẫn đang duy trì quan hệ ngoại giao với Taliban và ông Schoonover cho rằng gần như chắc chắn Bắc Kinh và Moskva sẽ làm ăn với chế độ mới trên sân nhà của họ. Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn phát biểu trên kênh Youtube của Đại sứ Nga tại Kabul, Dmitry Zhirnov hôm 25-8 tuyên bố Taliban để ngỏ khả năng Moskva tham gia vào nền kinh tế của Afghanistan, trong đó có việc khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong số các quốc gia láng giềng với Afghanistan, Pakistan là nước can dự nhiều hơn cả và cũng có mối liên lạc với Taliban. “Cặp đôi” Trung Quốc-Pakistan có những mối liên hệ với Taliban. Về phần mình, Tehran cũng có mối quan hệ hợp tác năng lượng và quân sự với Nga và Trung Quốc. Iran cũng sẽ không “ngồi yên” khi các nước “cùng chí hướng” của mình sẽ triển khai các dự án khai thác trong tương lai.

Khi cả Pakistan và Trung Quốc đều trở thành những “nhân tố” đóng vai trò quan trọng ở một Afghanistan do Taliban cai trị, thì New Delhi sẽ “đứng ngồi không yên”. Trả lời hãng tin Reuters, ông Jayant Prasad, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Kabul, cho biết: “Lập trường của chúng tôi hiện nay là điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Chúng tôi phải chơi ván cờ lâu dài ở Afghanistan. Chúng tôi không có biên giới tiếp giáp với Afghanistan nhưng chúng tôi có lợi ích ở đó”.

Theo các nguồn tin ngoại giao ở Ấn Độ, với tư cách là một nền kinh tế lớn, New Delhi có thể có sức hấp dẫn đối với Taliban vốn đang kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào Afghanistan. Ấn Độ có các dự án phát triển ở hầu hết trong số 34 tỉnh lớn nhỏ của Afghanistan, trong đó có tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kabul vừa bị những tay súng Taliban chiếm giữ. Myra MacDonald, cựu phóng viên của Reuters, tác giả của 3 cuốn sách về Nam Á, nhận định: “Cuộc chơi vẫn chưa kết thúc đối với New Delhi”. Đã có những nhận định về một cuộc chơi lớn mới nhằm tranh giành vị trí trên “bàn cờ” mới ở Afghanistan.

Bà Shamaila Khan, Giám đốc phụ trách mảng nợ thị trường mới nổi tại công ty quản lý tài sản Alliance Bernstein có trụ sở ở Mỹ, cho rằng nếu bất kỳ nước nào muốn đại diện cho Taliban tiến hành các hoạt động khai khoáng ở Afghanistan thì cộng đồng quốc tế cần có biện pháp để đảm bảo rằng nước đó sẽ chỉ được phép tiến hành khi tuân thủ những điều khoản nghiêm ngặt của quốc tế.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác