Vững vàng và lạc quan vượt qua khó khăn
Cập nhật ngày: 9-08-2021
 
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 54 (AMM-54) và các hội nghị liên quan, được tổ chức trực tuyến đúng dịp 54 năm thành lập ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2021), đã tiếp tục khẳng định vai trò và giá trị của tổ chức gồm 10 quốc gia thành viên này sau hơn nửa thế kỷ phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
 

Những kết quả thực chất đạt được tại AMM-54 và các hội nghị liên quan một lần nữa chứng minh rằng sự đoàn kết, nhất trí đã làm nên sức mạnh và khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN, để tổ chức khu vực gồm 10 thành viên này tiếp tục vượt qua những thách thức, vững bước trên con đường xây dựng Cộng đồng thịnh vượng.

Diễn ra trong bối cảnh Đông Nam Á đang là "điểm nóng" của đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến thể siêu lây nhiễm Delta, các hội nghị trong khuôn khổ AMM-54 dành nhiều thời gian thảo luận về nỗ lực chống dịch song song với phục hồi kinh tế, trên cơ sở tiếp tục thực thi Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN và Kế hoạch thực hiện, được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 12/2020). Đây được coi như một chiến lược hợp nhất để ASEAN vươn lên kiên cường hơn và mạnh mẽ hơn từ đại dịch COVID-19.

Vững vàng và lạc quan vượt qua khó khăn -0
Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến. 

Quỹ ứng phó ASEAN về COVID-19, một trong những sáng kiến quan trọng của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các nước thành viên và các đối tác. Các đối tác đối thoại, đặc biệt là Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nga đã đồng ý tăng hỗ trợ cho ASEAN trong ứng phó với đại dịch COVID, đồng thời đưa ra các cam kết, sáng kiến cụ thể hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu phát triển và tiếp cận vaccine phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả và đồng đều.

Thông cáo chung của AMM-54 cho biết mức cam kết của các nước thành viên và đối tác bên ngoài cho Quỹ ứng phó ASEAN về COVID-19 đã lên đến 20,5 triệu USD. ASEAN đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD để mua vaccine cho các nước thành viên. Bên cạnh đó, các ngoại trưởng ASEAN cũng đề ra Kế hoạch hành động và Chiến lược khu vực về An ninh và Tự cường về vaccine của ASEAN 2021-2025, trong đó kêu gọi các nước thành viên và các đối tác tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine, cung cấp khả năng tiếp cận công bằng đối với thuốc điều trị COVID-19, cũng như chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp sức khỏe cộng đồng khác trong tương lai.

Đề cập vấn đề Biển Đông, các bên đều khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 nhằm tránh làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng tại Biển Đông.

Các bộ trưởng cũng nêu bật sự cần thiết duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Vấn đề Myanmar cũng là nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của AMM-54. Việc ASEAN bổ nhiệm Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei, ông Erywan Yusof, làm đặc phái viên của khối tại Myanmar được xem là điểm nhấn quan trọng tại hội nghị lần này. Theo thông cáo báo chí của AMM-54, vai trò của đặc phái viên ASEAN tại Myanmar sẽ là gây dựng lòng tin và uy tín giữa các bên, đồng thời cung cấp một lịch trình rõ ràng nhằm thực thi Đồng thuận 5 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này. Myanmar đã đồng ý với quyết định này và cam kết sẽ tạo điều kiện để đặc phái viên thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với việc đạt được thỏa thuận giao cho Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo, quản lý thiên tai của ASEAN (AHA) nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, quyết định bổ nhiệm đặc phái viên khẳng định cam kết của ASEAN trong hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên ở Myanmar và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia thành viên này. Bước tiến của ASEAN trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và bày tỏ ủng hộ.

Tại các diễn đàn này, các đối tác đối thoại của ASEAN đều khẳng định cam kết tăng cường hợp tác với ASEAN, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dấu ấn lớn nhất về mặt đối ngoại tại hội nghị lần này là việc ASEAN trao quy chế Đối tác đối thoại đầy đủ cho Vương quốc Anh. Đây là kết quả của quá trình tham vấn trong ASEAN và giữa ASEAN với Vương quốc Anh từ năm 2020, thể hiện tính tích cực và rộng mở trong quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Vương quốc Anh đã trở thành Đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Nga, Australia, New Zealand và Liên minh châu Âu (EU). Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã bày tỏ tự hào khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên được ASEAN trao tư cách Đối tác đối thoại trong 25 năm qua, đồng thời khẳng định mong muốn mở rộng thương mại, củng cố hợp tác an ninh và phối hợp hành động vì thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Kết quả các hội nghị trong khuôn khổ AMM-54 một lần nữa cho thấy ASEAN vẫn vững vàng và lạc quan trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, bất chấp những tác động tiêu cực từ những thách thức mới như đại dịch COVID-19 hoành hành, tình hình bất ổn tại Myanmar hay sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các nước lớn trong khu vực. Những kết quả đạt được trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN rất đáng khích lệ, với trụ cột chính trị - an ninh đã hoàn tất 96% các dòng hành động, trụ cột kinh tế hoàn tất 88% và trụ cột văn hóa - xã hội hoàn tất 72%.

Sự tham gia của Việt Nam góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN

Việt Nam tham dự AMM-54 và các hội nghị liên quan sau khi đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đang là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Ngay từ đầu năm 2021, Việt Nam đã tích cực tham gia tất cả các tiến trình của ASEAN và tiếp tục khẳng định dấu ấn tại hội nghị lần này.

Các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam trong năm Chủ tịch 2020 tiếp tục được duy trì và phát triển trong chương trình nghị sự của hội nghị năm nay, đặc biệt là trong vấn đề gắn kết hợp tác tiểu vùng với các chương trình hợp tác của ASEAN. Các sáng kiến lập ra quỹ phòng, chống COVID-19 của ASEAN, hay kho dự trữ vật tư y tế cho các nước đang gặp khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh đã được hoàn tất và tiếp tục hoàn thiện.

Những sáng kiến này của Việt Nam đã trở thành tài sản chung và đi vào lịch sử của ASEAN. Những ý kiến, đề xuất của Việt Nam tại AMM-54 được đánh là phù hợp, chủ động, thiết thực và nhận được sự ủng hộ của các nước. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết vướng mắc, khó khăn, bế tắc do có các quan điểm khác nhau trong hội nghị.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng quan chức cấp cao (SOM) ASEAN Việt Nam cho biết, chính Việt Nam đã đưa ra các đề xuất và vận động các nước đi đến thỏa thuận về Myanmar và sự đồng thuận để Anh trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN, đẩy mạnh việc tăng cường hợp tác của ASEAN với các nước đối tác. Với vị thế ngày càng được khẳng định trong ASEAN, đặc biệt sau nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020, sự tham gia của Việt Nam góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của mái nhà chung ASEAN, thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng cũng như hiện thực hóa các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2021 dưới chủ đề "Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng".



Nguồn cand.com.vn