Reuters ngày 24/7 dẫn tin từ Bộ Y tế Indonesia thông báo, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 49.071 người trong vòng 24 giờ, lên hơn 3 triệu trường hợp. Trong khi đó, số người chết cũng tăng thêm 1.566 người, lên hơn 80.000 trường hợp.
Theo đó, đây là ngày ghi nhận các trường hợp tử vong vì COVID-19 cao nhất trong tại Indonesia, kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nước này. Số người chết lập kỷ lục 4 lần liên tiếp trong tuần qua, đưa Indonesia trở thành tâm dịch tại châu Á.
Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày cao nhất thế giới. Ảnh: EPA. |
COVID-19 cho đến nay đã lây lan đến toàn bộ 34 tỉnh. Nhằm giảm bớt tác động của đại dịch, chính phủ Indonesia mỗi ngày đều kêu gọi người dân chủng ngừa vaccine, phần lớn do Sinovac của Trung Quốc cung cấp. Tuy nhiên, Indonesia hiện chỉ có 6% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Nguyên do được đưa ra là vì các rào cản hậu cần, nguồn cung hạn chế hay do chính sự chần chừ của người dân trong việc chủng ngừa.
Được biết, chính phủ Indonesia vẫn có kế hoạch nới lỏng các hạn chế từ ngày 26/7 nếu tình hình được kiểm soát. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc Indonesia nới lỏng quá sớm có thể cho phép biến thể Delta tiếp tục lan rộng tới các khu vực xa xôi - những nơi chưa được trang bị đầy đủ để ứng phó với đại dịch. Hơn nữa, Indonesia cũng đối mặt với nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn Delta.
Ông Dicky Budiman, một chuyên gia dịch tễ Indonesia nghiên cứu về các biến chủng của SARS-CoV-2 tại Đại học Griffith của Australia, nhận định: "Biến chủng mới luôn xuất hiện ở các khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, nếu 5% xét nghiệm cho kết quả dương tính, nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Ở Indonesia, tỷ lệ này đã vượt 10% khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là hơn 30%. Do vậy, rất có khả năng xuất hiện một biến chủng mới hoặc siêu biến chủng ở Indonesia".
Indonesia có nguy cơ trở thành "lồng ấp biến chủng". Ảnh: Shutterstock. |
Càng nhiều ca nhiễm trong cộng đồng thì nguy cơ xuất hiện biến chủng mới càng cao. Tuy nhiên, việc xác định liệu biến chủng nguy hiểm xuất hiện khi nào và ở đâu nằm ngoài khả năng hiện nay của các nhà khoa học. Indonesia nên nhìn lại bài học ở Ấn Độ", Robert Bollinger, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, cảnh báo.