Israel tìm cách chung sống với COVID-19. Ảnh: Reuters |
Từ ngày 12/7, Israel đã bắt đầu tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba do Pfizer chế tạo cho những người có nguy cơ cao như bệnh nhân ung thư cùng người được ghép tim, phổi và thận, với hi vọng biện pháp này có thể tăng cường miễn dịch, theo AFP.
"Nhiều bằng chứng cho thấy bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu không phát triển được đủ phản ứng kháng thể, ngay cả khi đã tiêm hai mũi vaccine (ngừa COVID-19)", tuyên bố của Bộ Y tế Israel lý giải nguyên nhân.
Israel là một trong những quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới với hơn 85% dân số trưởng thành được tiêm đầy đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer.
Cách đây 4 tuần, người Israel đổ xuống đường ăn mừng khi các biện pháp hạn chế vì COVID-19 được dỡ bỏ toàn bộ.
Nhưng chỉ sau ít ngày, số ca nhiễm tại quốc gia Trung Đông đã gia tăng đáng kể từ một con số lên khoảng 700-800 ca những ngày vừa qua, trong đó phần lớn được cho là người mắc biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, vốn được mô tả là nguy hiểm hơn và có tốc độ lây lan nhanh hơn.
Số ca nhiễm biến thể Delta tăng cao buộc tân Thủ tướng Naftali Bennett đã buộc phải tái áp dụng một số hạn chế COVID-19 và suy nghĩ lại chiến lược.
Theo cái mà ông Bennet là chính sách "áp đặt mềm", Chính phủ Israel muốn người dân học cách "sống chung với COVID-19", tức sẽ có những biện pháp hạn chế và yêu cầu người dân tiếp tục đeo khẩu trang, nhưng ít nhất sẽ không phải đóng cửa quốc gia thêm một lần nữa, vốn tổn hại nghiêm trọng với kinh tế.
Theo: cand.com.vn