1. Thoạt đầu, khi phát hiện tàu khu trục HMS Defender đang di chuyển trong vùng biển mà phía Nga xác nhận là lãnh thổ của họ, một trong hai tàu tuần duyên thuộc Lực lượng Biên phòng Nga lên tiếng cảnh báo qua hệ thống thu phát VHF: “Delta 36, tôi là tuần duyên Nga. Xin vui lòng đổi hướng đi, tránh xa biên giới Nga vì bạn đã xâm phạm lãnh thổ Nga. Bạn nghe tôi rõ không?”.
Và thay vì chuyển hướng để chiếc HMS Defender rẽ sang bên phải theo yêu cầu của Biên phòng Nga, thuyền trưởng HMS Defender là Vincent Owen cho tàu giữ nguyên hải trình đồng thời trả lời phía Nga rằng tàu của ông vẫn tuân thủ luật pháp quốc tế - nghĩa là HMS Defender đang đi trên “hành lang tự do”.
Khi thấy chiếc HMS Defender không thực hiện yêu cầu, một trong hai tàu tuần duyên Nga tiến hành bắn cảnh cáo. Những phát đạn 30mm nổ tung tóe trên mặt nước ở phía mạn phải của tàu Anh trong lúc các thủy thủ Anh vội vã mặc quần áo chống cháy.
Một thủy thủ kể lại: “Khoảng 30 sĩ quan chăm chú nhìn vào màn hình vô tuyến. Dường như ai cũng bất ngờ trong lúc trên màn hình, nhiều chấm đỏ (tượng trưng cho đối phương) liên tục nhấp nháy…”.
|
Tàu HMD Degender của Anh trên đường đi qua bán đảo Crimea. |
Vài phút sau đó, tiếng gầm chói tai của máy bay phản lực Nga lướt qua chiếc HMS Defenfer khiến không khí càng thêm căng thẳng, nhất là khi các thủy thủ tàu Anh nạp vào ống phóng loại tên lửa đối không Sea Viper.
Qua radio, thuyền trưởng Vincent Owen hỏi một nữ sĩ quan phụ trách tác chiến trên không: “Bây giờ chúng ta có bao nhiêu máy bay Nga?”. Sĩ quan này đáp: “Có lẽ là 14, gồm máy bay tuần tra hàng hải và phản lực cường kích Su-24”.
Giây lát, lại có thêm máy bay Nga xuất hiện. Lần này là chiếc tiêm kích Su-30 bay qua tàu HMS Defender ở khoảng cách gần đến nỗi những thủy thủ trên boong có thể thấy rõ phi công ngồi ở ghế sau đang nghiêng đầu nhìn xuống họ.
Một lần nữa, hệ thống thu phát VHF trên tàu HMS Defender lại vang lên lời cảnh báo từ phía Nga: “Delta 36, đừng vượt qua biên giới. Nếu không chúng tôi sẽ phản ứng.Tàu của bạn đang đi vào lãnh thổ liên bang Nga. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu bạn bị thiệt hại. Chúng tôi đang thực hiện một cuộc tập trận quân sự ở khu vực này”.
Không lâu sau lần cảnh báo thứ hai, một chiếc Su-24 thả 4 quả bom phân mảnh OFAB-250 nặng 250 kg ngay trước đường đi của chiếc HMS Defender, dấu hiệu dứt khoát của người Nga.
Và mặc dù tàu HMS Defender được trang bị súng phòng không cỡ nòng 4,5 inch với tầm bắn 12 km, hai hệ thống đại bác tầm gần Phalanx cùng 48 ống phóng tên lửa phòng không Sea Viper nhưng trước vụ xung đột quân sự có thể xảy ra, thuyền trưởng Vincent Owen ra lệnh cho tàu rời khỏi lãnh hải Crimea với tốc độ hơn 30 hải lý/giờ dưới sự theo dõi của một phản lực Su-24 và một máy bay trinh sát không người lái cho đến khi HMS Defender ra hải phận quốc tế. Sự cố kéo dài khoảng 40 phút và kết thúc mà không có bất kỳ thương vong hay thiệt hại nào.
Hạ thủy năm 2009, HMS Defender là chiếc thứ 5 trong số các tàu khu trục lớp 45 của Hải quân Hoàng gia Anh. Nó cũng là một trong những tàu chiến tân tiến nhất từng được đóng. Vai trò của HMS Defender là tăng cường khả năng phòng không cho tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Vương quốc Anh.
2. Biển Đen, nơi có bán đảo Crimea là ngã tư chiến lược giữa châu Âu, Trung Đông và châu Á, vốn đã bị nhiều quốc gia tranh giành trong nhiều thế kỷ. Vùng biển này là tuyến đường giao thương quan trọng, chạy ngang qua 5 nước láng giềng liền kề với Nga. Dưới đáy biển có nhiều đường ống dẫn dầu, khí đốt và một số tuyến cáp quang phục vụ cả về kinh tế lẫn quốc phòng.
Năm 1954, Crimea được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô là Nikita Khrushchev tặng cho Ukraine như một món quà, đánh dấu kỷ niệm 300 năm ngày Ukraine sáp nhập nước Nga Sa hoàng đồng thời cũng để bảo đảm sự ủng hộ của Ukraine đối với Khrushchev.
Khi đó Ukraine là một phần của Liên bang Xôviết cho đến năm 1991, lúc Liên Xô sụp đổ thì Ukraine tuyên bố là một quốc gia độc lập. Việc tiếp cận bán đảo Crimea trở thành con bài mặc cả giữa hai nước: Ukraine công nhận quyền của Nga đối với cảng Sevastopol để đổi lấy việc xóa nợ cũng như đồng ý để Nga nắm quyền kiểm soát một phần Hạm đội Biển Đen.
Tuy nhiên vào năm 2014, chính phủ Ukraine do Tổng thống Viktor Yanukovych lãnh đạo, thân Moscow, bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy mà mục đích của phe nổi dậy là muốn đưa Ukraine xích lại gần châu Âu.
Nhằm tránh bị mất cảng Sevastopol, Tổng thống Nga Putin cho quân vào Crimea để giành quyền kiểm soát rồi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả cho thấy đa số ủng hộ khu vực này trở thành một phần của Nga mặc dù cuộc trưng cầu dân ý đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng quốc tế.
Từ đó đến nay, Nga vẫn coi Crimea là lãnh thổ của mình và Hạm đội Biển Đen vẫn là một trong những lực lượng lớn nhất của Hải quân Nga, bao gồm 47 tàu chiến, 7 tàu ngầm và 25.000 lính thủy đánh bộ.
Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi chiếc HMS Defender của Anh bị máy bay và tàu chiến Nga bắn cảnh cáo vì đã xâm phạm lãnh thổ nước này.
Ngay sau sự cố, các nguồn tin quân sự Nga lập tức xác nhận vụ việc xảy ra cách mũi Fiolent 5km trên vùng biển Crimea: “Hải quân Nga đã phát đi cảnh báo, rằng vũ khí sẽ được sử dụng nếu tàu HMS Defender cố tình xâm phạm biên giới của Liên bang Nga, nhưng nó không đáp ứng”.
Riêng việc Nga tuyên bố máy bay Su-24 đã ném 4 quả bom nhằm ngăn cản hướng đi của tàu HMS Defender thì phía Anh cho rằng đây chỉ là động thái tuyên truyền bởi lẽ thuyền trưởng Vincent Owen cùng thủy thủ đoàn khẳng định không hề có việc ném bom vì họ không nghe thấy tiếng nổ, cũng như các bộ cảm biến công nghệ cao trên tàu HMS Defender cũng không thu được tín hiệu tạo ra bởi sự chấn động hoặc sóng xung kích xảy ra sau vụ nổ.
Thuyền trưởng Vincent Owen nói: “'Đó là lần tôi đến gần tàu Nga nhất trong sự nghiệp 21 năm của mình. Tôi cho rằng tiếng súng xuất phát từ một trong những tàu tuần duyên Nga nhưng chúng tôi tự tin khi thực hiện quyền của mình để duy trì việc qua lại trên vùng biển được quốc tế công nhận”.
|
Hai tàu tuần duyên Biên phòng Nga kèm sát chiếc HMS Defender. |
Sự cố xảy ra giữa tàu HMS Defender và lực lượng tuần dương Nga khơi mào cho những tranh cãi về mặt ngoại giao, trong đó quan hệ giữa London và Moscow có vẻ như rơi vào khủng hoảng. Các quan chức Anh dự kiến sẽ thảo luận về vụ việc với các đồng minh NATO để thống nhất một phản ứng phối hợp nếu những hành động của Nga xảy ra trong tương lai như đã xảy ra với tàu HMS Defender.
Tại cuộc gặp các nghị sĩ trong quốc hội Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói “HMS Defender đang thực hiện quá cảnh thường lệ từ Odesa tới Georgia qua Biển Đen bằng cách sử dụng hành lang phân cách giao thông được quốc tế công nhận miễn là điều đó không gây phương hại đến hòa bình hoặc an ninh của những quốc gia ven biển”. Đáp lại, Đại sứ quán Nga tại London viết trên trang web: “HMS Defender đã xâm phạm biên giới Nga. Đây không hẳn là một vụ quá cảnh thông thường”.
Trước đó, ông Wallace và Hội đồng An ninh quốc gia Anh đã chấp thuận cho tàu HMS Defender lên đường đến Crimea trong một nhiệm vụ được gọi là “tự do hàng hải”, và vụ đụng độ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Putin đột ngột chấm dứt hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ sau 3 giờ hội đàm mà không đạt được thỏa thuận nào về Crimea hoặc các vấn đề an ninh khác.
Và cũng không phải ngẫu nhiên khi vụ đụng độ giữa tàu HMS Defender với Biên phòng Nga xảy ra chỉ vài ngày trước khi bắt đầu cuộc tập trận hải quân lớn mang tên Sea Breeze do Mỹ dẫn đầu nhằm tăng cường sự hiện diện của NATO tại khu vực, trong đó lực lượng chính tham gia tập trận là Ucraine!
Cũng trước đó, ngày 19-6, Anh đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Ukraine tại một buổi lễ diễn ra ngay trên tàu HMS Defender rồi tiếp theo là cuộc tập trận giữa các lực lượng đặc biệt Ukraine và tàu chiến Anh trong bối cảnh độ tin cậy của việc phòng thủ quân sự phương Tây ở khu vực này rất thấp.
Trải qua nhiều thập kỷ, sự đóng góp của một số quốc gia NATO luôn nằm dưới mức chi tiêu đã khiến dự trữ đạn dược và phụ tùng thay thế các thiết bị quân sự thiếu thốn một cách đáng sợ, trong lúc các kế hoạch bảo vệ châu Âu chủ yếu chỉ tồn tại trên giấy.
|
Một chiếc Su-30 lướt sát tàu HMS Defender. |
3. Sau khi sự cố xảy ra, Nữ hoàng Anh đã gửi thông điệp với lời chúc tốt đẹp nhất và một chuyến đi an toàn đến thủy thủ đoàn trên tàu HMS Defender trong lúc Nga phản ứng một cách giận dữ, gọi hành động của tàu chiến HMS Defender là khiêu khích trắng trợn, đồng thời triệu tập tùy viên quốc phòng Anh ở Moscow để phản đối.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Nga ở London cũng cáo buộc Hải quân Hoàng gia Anh đã có hành động khiêu khích khi cố tình xâm phạm lãnh thổ Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết: “Sự bất khả xâm phạm của biên giới Nga là tuyệt đối. Nó sẽ được bảo vệ bằng mọi cách: Ngoại giao, chính trị và quân sự nếu cần”.
Ông đồng thời cảnh báo: “Những ai đang cố gắng kiểm tra sức mạnh của chúng tôi thì điều đó có nghĩa là họ cũng đang chấp nhận rủi ro cao…”. Khi được hỏi nước Nga sẽ làm gì để ngăn chặn những cuộc xâm nhập như vậy trong tương lai, ông Ryabkov trả lời “sẵn sàng khai hỏa nếu cảnh báo không tác dụng”.
Riêng ông Andrei Kelin, đại sứ Nga tại Anh trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Channel 4 News đã cho biết HMS Defender “không phản hồi một số cảnh báo, ít nhất các cảnh báo được đưa ra 10 phút một lần”.
Ông mô tả tàu HMS Defender đã “đi sâu khoảng 3km tính từ đường lãnh hải của Nga. Ông cũng phủ nhận Điện Kremlin đã thực hiện hành động “gây hấn trần trụi” và nói rằng Nga có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình: “Tàu chiến Anh không chỉ ở Biển Đen, vùng biển tiếp giáp với Nga, mà còn trong lãnh hải của Liên bang Nga”.
Về phía Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với các phóng viên hôm thứ năm, ngày 23-6 khi đến thăm một doanh trại quân đội, rằng ông phủ nhận quan hệ Anh - Nga hiện đang ở mức thấp trong lịch sử.
Theo các chuyên gia phân tích chính trị, sự cố tàu HMS Defender thực chất chỉ là đòn “nắn gân” nhau. Nếu bên này tỏ ra nhượng bộ hoặc yếu thế thì bên kia sẽ lấn tới. Rất khó để xảy ra những xung đột quân sự trong tương lai gần vì điều đó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mà cả Anh lẫn Nga đều cố tránh…
Nguồn cand.com.vn