Siêu tên lửa Sarmat được nạp vào silo phóng. Ảnh: TASS |
"Các vụ phóng thử đầu tiên sẽ được tiến hành trong năm nay. Chúng được lên kế hoạch vào quý 3/2021", TASS ngày 24/6 dẫn nguồn tin quốc phòng Nga thông báo, cho biết thêm các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước, tức cấp cuối cùng, sẽ diễn ra đầu năm 2022.
Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng nói rằng việc hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, cần thiết để đưa mẫu ICBM vào sản xuất hàng loạt, đã hoàn tất.
RS-28 Sarmat là hệ thống ICBM hiện đại nhất của Nga, được triển khai trong các hầm phóng silo mặt đất. Tên lửa nặng 208 tấn, tầm bắn 18.000km, đủ sức cõng đầu đạn nặng 10 tấn. Với tốc độ và hành trình bay phức tạp, Sarmat có khả năng chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
Theo truyền thông Nga, tên lửa Sarmat có thể mang theo nhiều loại đầu đạn hạt nhân khác nhau hoặc thiết bị lướt Avangard – mẫu vũ khí siêu vượt âm có tốc độ Mach 27, tức gấp 27 lần vận tốc âm thanh, nhanh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Cách đây không lâu, các quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận nước này đi sau Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm và chưa đủ khả năng đánh chặn hiệu quả các mẫu khí tài này.
Trước bối cảnh Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump dọa rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân START 3, Nga năm 2019 khẳng đã giới thiệu cho phía Mỹ tổ hợp tên lửa Avangard và nay sẵn sàng để quan chức quân sự Washington thị sát tên lửa Sarmat.
Nguồn cand.com.vn