Việc người đứng đầu Nhà Trắng chỉ định Đặc phái viên về Triều Tiên cũng là một dấu hiệu cho thấy Washington sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, con đường phía trước bao gồm không ít trở ngại cả cũ và mới.
Thách thức cũ và mới
Trước hết, thách thức lớn nhất mà chính quyền Tổng thống Joe Biden phải đối mặt là việc chấp nhận nguyên trạng hiện nay. Điều đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển quy mô, sự đa dạng và khả năng sát thương của các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Không ai nghi ngờ về việc Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa bất chấp các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra trong những năm qua.
Bằng chứng là Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm và trình diễn các tên lửa đạn đạo mới, công bố sắp hoàn thiện một tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo mới và các hình ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động tiếp tục diễn ra xung quanh các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Ngoài ra, tại Đại hội VIII Đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề ra các kế hoạch nâng cao năng lực sử dụng các hệ thống vũ khí thông thường, máy bay không người lái và vệ tinh do thám quân sự.
Khi các chương trình vũ khí của Triều Tiên ngày càng phát triển, đặc biệt về năng lực tấn công tầm xa, điều này làm tăng khả năng răn đe của Bình Nhưỡng đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực và làm suy giảm niềm tin và năng lực răn đe mở rộng của Washington.
Khả năng Triều Tiên đe dọa lãnh thổ đất liền của Mỹ càng gia tăng, càng có nhiều câu hỏi được đặt ra về những lựa chọn của Washington trong trường hợp các thành phố của Mỹ, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản bị đe dọa.
Mối quan ngại ngày càng tăng này đã dẫn đến các cuộc tranh luận nghiêm túc tại Hàn Quốc về việc khi nào và liệu Seoul có cần trang bị vũ khí hạt nhân để đối phó với Bình Nhưỡng hay không. Xu hướng này sẽ tiếp diễn cho đến khi mục tiêu phi hạt nhân hóa có được tiến bộ đáng kể.
Hơn nữa, Triều Tiên càng mở rộng và đạt được nhiều tiến bộ trong các chương trình hạt nhân, nước này càng có nhiều lợi thế trong các cuộc đàm phán trong tương lai.
Tất cả những vấn đề này cần được chủ động giải quyết ngay từ bây giờ cho dù khó khăn đến đâu, để góp phần thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực, đồng thời củng cố các liên minh của Mỹ.
Một trong những thách thức đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Joe Biden phải đối mặt là làm thế nào để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tin tức cho thấy Bình Nhưỡng không mấy mặn mà với đề nghị thương lượng của Washington vì vẫn tồn tại những rào cản lớn để nối lại đàm phán bên phía Triều Tiên.
Kể từ sau thất bại tại Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội năm 2019, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhiều lần bày tỏ rằng ông không còn nhiều niềm tin vào việc có thể thay đổi bản chất quan hệ Mỹ - Triều.
Trên thực tế, nếu không có bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden nghiêm túc muốn thay đổi mối quan hệ, chứ không chỉ tìm kiếm nhượng bộ về chương trình hạt nhân, lời mời nối lại đàm phát sẽ ít có sức hấp dẫn đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Chính sách ngoại giao đột phá, không theo quy luật dưới thời ông Donald Trump đã tạo những cơ hội mới thú vị, đặc biệt là khả năng tiếp cận trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Nhưng việc không thể biến cách tiếp cận đột phá này thành những kết quả cụ thể có thể khiến triển vọng nối lại đàm phán trở nên xa vời hơn trước. Điều này không có nghĩa là triển vọng cho các cuộc đàm phán trong tương lai đã chấm hết.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn có phát biểu tích cực về tiến trình đàm phán tại Đại hội Đảng VIII. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà lãnh đạo Triều Tiên vội vàng quay trở lại bàn đàm phán. Thay vào đó, về cơ bản, ông mô tả cánh cửa ngoại giao không đóng lại, nhưng để nhiệm vụ mở cánh cửa đó cho Mỹ và Hàn Quốc.
Trong trường hợp Mỹ và Triều Tiên có thể nối lại tiến trình đàm phán, những thách thức mới đang chờ ở phía trước. Trước hết, từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội, Triều Tiên đã thay hầu hết các nhà lãnh đạo cấp cao từng tham gia đàm phán với Mỹ trước đây, đặc biệt là ở Bộ Ngoại giao nước này.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Triều Tiên không tiến hành các cuộc đàm phán với chính quyền Mỹ ở cấp chuyên gia, nhưng khi xét đến các tuyên bố công khai và thành phần phái đoàn tham dự các hội nghị thượng đỉnh, Bộ này vẫn cho thấy ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình đàm phán.
Không rõ liệu cơ quan này có bảo lưu được ảnh hưởng của mình trong trường hợp Washington và Bình Nhưỡng nối lại đàm phán hay không. Nhưng bất kể với vai trò gì hoặc tham mưu như thế nào về đàm phán với Mỹ, cách tiếp cận của Bộ Ngoại giao Triều Tiên có thể sẽ cứng rắn hơn nhiều so với trước đây.
Một diễn biến quan trọng khác phát sinh trong 3 năm qua có khả năng đặt ra thách thức lớn cho các cuộc đàm phán trong tương lai là việc chính ông Kim Jong-un tham gia các cuộc đàm phán.
Khả năng tiếp cận với nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể tạo ra kênh giúp đưa ra quyết định nhanh và có thể táo bạo hơn, nhưng nó cũng hạn chế phạm vi và quyền hạn của các nhà đàm phán cấp chuyên gia của Bình Nhưỡng.
Chẳng hạn, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội, thay vì quy trình thông thường là đàm phán các chi tiết của một thỏa thuận dự kiến ở cấp chuyên gia và sử dụng hội nghị thượng đỉnh để chính thức ký kết thỏa thuận, các nhà đàm phán Triều Tiên đã bảo lưu nội dung đàm phán về vấn đề hạt nhân để nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói chuyện trực tiếp với ông Donald Trump.
Con đường đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán bao gồm không ít trở ngại cả cũ và mới. |
Hướng tới tương lai
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, Triều Tiên sẽ tiếp tục nâng cao năng lực các chương trình vũ khí. Bình Nhưỡng vẫn cho rằng, các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình là điều cần thiết để chống lại “chính sách thù địch của Mỹ”.
Mặc dù thuật ngữ này bao hàm một số bất đồng về chính trị, kinh tế và quân sự thuộc về bản chất mối quan hệ của Mỹ và Triều Tiên, nhưng cánh của mở ra con đường tiến tới phi hạt nhân hóa vẫn để ngỏ, với điều kiện các khía cạnh khác của mối quan hệ cũng có đạt được những tiến bộ nhất định.
Đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, những tiến bộ không ngừng về năng lực hạt nhân của Triều Tiên đòi hỏi họ phải chủ động giải quyết vấn đề này, ngay cả khi con đường phía trước không hề dễ dàng.
Mặc dù sẽ không có câu trả lời dễ dàng hay các cuộc đàm phán thảnh thơi, nhưng việc khoanh tay đứng nhìn sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, vì trong 5 năm qua, Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển vũ khí và trong tương lai còn có thể phát triển hơn nữa.
Đứng trước những thách thức trên, chính quyền Tổng thống Joe Biden nên chú ý tới một số khuyến nghị khi hoàn tất quá trình xem xét chính sách, như Tái khẳng định Tuyên bố chung Singapore, loại bỏ những căng thẳng không cần thiết, điều chỉnh kỳ vọng, ủng hộ Hàn Quốc nối lại quan hệ với Triều Tiên…
Nếu Bình Nhưỡng nối lại hoạt động thử nghiệm tên lửa hoặc có các hành động làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ngoại giao có thể tạm thời bị gạt sang 1 bên. Tuy nhiên, đó cũng là lời nhắc nhở rằng để mặc tình hình hiện nay thì không gian chính sách sẽ càng bị thu hẹp.
Mặc dù có quan điểm ủng hộ, thậm chí áp lực thực hiện cách tiếp cận “được ăn cả, ngã về không” đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng chính sách này chắc chắn sẽ thất bại.
Thay vào đó, một cách tiếp cận dài hạn, theo từng bước, mang lại tiến bộ dần dần được xác định trong Tuyên bố chung Singapore mở ra cơ hội tốt nhất để thực sự bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa và cải thiện tình hình an ninh cho Mỹ và các đồng minh.
Nguồn: cand.com.vn