Mỹ cân nhắc trừng phạt Belarus sau vụ ép máy bay hạ cánh
Cập nhật ngày: 26-05-2021
 
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/5 tiết lộ rằng chính quyền của ông đang cân khắc khả năng áp các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Belarus liên quan đến vụ ép máy bay hạ cánh.
 
Ảnh minh họa Reuters. 
 

Trước khi lên máy bay đi đến Maine, Tổng thống Joe Biden trả lời câu hỏi câu hỏi của phóng viên về vấn đề trừng phạt Belarus liên quan đến vụ ép máy bay Ryanair hạ cánh rằng một số lựa chọn “đang được cân nhắc”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông không muốn “suy đoán cho đến khi mọi thứ hoàn thành”.
 

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong cuộc họp báo ngày 24/5 rằng chính quyền Biden đã liên hệ với các đối tác châu Âu về vụ việc, cụ thể là Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc và NATO.
 

Sự việc hôm 23/5 được cho là có điểm tương đồng với vụ việc năm 2013, trong đó máy bay của cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales buộc phải hạ cánh khẩn cấp vì có thông tin rằng máy bay đang chở Edward Snowden, người được coi là “tội đồ” của ngành tình báo Mỹ. Trong cuộc họp báo, khi được hỏi về mối tương đồng giữa hai vụ việc, bà Psaki đã từ chối trả lời.
 

Hội đồng châu Âu đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào cuối ngày 24/5 và kết luận rằng tất cả các hãng hàng không có trụ sở trong EU bị cấm bay qua không phận của Belarus và các hãng hàng không Belarus, chẳng hạn như hãng hàng không Belavia thuộc sở hữu nhà nước, sẽ bị cấm bay qua không phận hoặc sử dụng các sân bay của EU.
 

Theo dữ liệu của phần mềm theo dõi chuyến bay, nhiều hãng hàng không đã lựa chọn “né” không phận của Belarus. Một số hãng hàng không, bao gồm Austrian Airlines, Air France, Finnair và Singapore Airlines đã thông báo với khách hàng rằng các chuyến bay theo lịch trình của họ sẽ tránh không phận Belarus.
 

Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ phản đối sau khi chuyến bay FR4978 của Ryanair có hành trình đến Lithuania bị buộc hạ cánh xuống Minsk, Belarus, sau khi có báo cáo về mối đe dọa đánh bom. Mặc dù lời đe dọa sau đó được cho là không xác thực, nhà chức trách Belarus đã bắt giữ hai cá nhân là Roman Protasevich và Sofia Sapega.
 

Protasevich là một trong những người đồng sáng lập kênh Telegram Nexta, kênh này được coi là cực đoan vì những cáo buộc được sử dụng để thúc đẩy tình trạng bất ổn quốc gia ở quốc gia Đông Âu sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 8/2020, khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tái đắc cử.
 

Protasevich đã xuất hiện trong một video được chia sẻ trên ứng dụng Telegram hôm 24/5, nói rằng anh ta khỏe mạnh và đang hợp tác với các nhà điều tra.



Nguồn: cand.com.vn