Động thái “đáng ghi nhận”
Từng là một trong những nguyên nhân làm leo thang căng thẳng mối quan hệ Mỹ - Trung vốn không "xuôi chèo mát mái" trong nhiều năm qua, mới đây, hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đã được Chính phủ Mỹ đưa ra khỏi "danh sách đen" mà Washington từng cáo buộc có liên quan đến chính quyền và các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Động thái này cũng đồng nghĩa với việc dỡ bỏ lệnh cấm các công ty Mỹ đầu tư vào Xiaomi.
Cụ thể, quyết định trên được đưa ra sau thông báo của một tòa án Mỹ hôm 12/5, cho biết Xiaomi và Washington đã nhất trí cùng giải quyết tranh cãi pháp lý. Các luật sư của Chính phủ Mỹ cũng nhấn mạnh, họ sẽ không kháng cáo phán quyết này và nêu rõ rằng những bên liên quan đang đàm phán về các điều khoản chi tiết để đưa ra một đề xuất chung trước ngày 20/5.
Lầu Năm Góc đưa Xiaomi ra khỏi “danh sách đen” được cho là tín hiệu tích cực giúp hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung Quốc. Nguồn: AP |
Ngay sau thông báo này, cổ phiếu của Xiaomi đã tăng 11,3% trên thị trường chứng khoán Mỹ và tăng hơn 6% trên sàn giao dịch chứng khoán Hongkong (Trung Quốc), trong khi giá cổ phiếu của hãng đã giảm khoảng 20% kể từ hồi tháng 1. Hiện tại, đại diện của Lầu Năm Góc và Xiaomi chưa đưa ra bất cứ bình luận nào. Về phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh hy vọng: "Mỹ sẽ tạo một môi trường doanh nghiệp công bằng, bình đẳng và không phân biệt cho hoạt động bình thường của các công ty Trung Quốc".
Nhận định về vấn đề trên, tờ South China Morning Post ngày 13/5 dẫn lời các chuyên gia phân tích chính trị thế giới cho hay, thỏa thuận “đáng ghi nhận” này đánh dấu một chiến thắng hiếm hoi cho hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới với Chính phủ Mỹ, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh thường xuyên xảy ra xung đột về thương mại và bản quyền. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ “nới tay” cho các hãng công nghệ Trung Quốc nói chung.
Điển hình là việc Tổng thống Joe Biden hôm 12/5 tuyên bố tiếp tục gia hạn lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của hãng Trung Quốc Huawei. Được biết, hãng Xiaomi được thành lập năm 2010, chuyên sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng và các sản phẩm thông minh sử dụng trong nhà.
Trong những ngày cuối cùng tại nhiệm hồi đầu tháng 1 vừa qua, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã liệt Xiaomi và tám công ty khác của Trung Quốc vào danh sách đen, đồng thời yêu cầu tất cả các nhà đầu tư Mỹ rút vốn khỏi những công ty này trước ngày 11/11. Ngay sau đó, Xiaomi đã đâm đơn kiện Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính Mỹ vì cho rằng quyết định này trái luật.
Tia hy vọng mới
Nêu lên quan điểm theo góc nhìn khái quát hơn, giáo sư Doug Fuller, người theo dõi lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc tại Đại học Hongkong cho rằng, Xiaomi được Mỹ đưa ra khỏi "danh sách đen" có thể là yếu tố để chính quyền của Tổng thống Joe Biden điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc, vốn được xem là cứng rắn dưới thời ông Donald Trump.
Giáo sư Doug Fuller viện dẫn, việc ông Biden bổ nhiệm nhà ngoại giao R. Nicholas Burns, người từng phục vụ trong cả chính quyền Dân chủ và Cộng hoà, làm đại sứ mới tại Bắc Kinh là câu trả lời rõ ràng nhất. Đồng tình với giáo sư Doug Fuller, tờ The Wall Street Journal dẫn lời một số nhà quan sát nhấn mạnh, việc bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu giữ vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc có thể là một dấu hiệu "xanh" cho mối quan hệ đang "đỏ".
Tiến sĩ David Dollar, đại diện Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh dưới thời ông Obama nhận định: “Đây có thể là dấu hiệu tích cực với Trung Quốc. Điều này cho thấy Tổng thống Biden coi trọng mối quan hệ song phương. Ông Burns không chỉ là một chính trị gia mà còn là người có kinh nghiệm hoạch định chính sách”.
Được biết, ông Nicholas Burns (65 tuổi) từng là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp trong nhiệm kỳ Tổng thống Bill Clinton. Dưới thời Tổng thống Bush, ông là Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đóng góp lớn vào việc định hình phản ứng của NATO sau vụ khủng bố 11/9. Sau đó, ông đảm nhận cương vị Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính trị trước khi tạm rời ngành ngoại giao.
Tờ Bloomberg nhận định, thế giới thời kỳ hậu dịch bệnh cần cơ chế phối hợp mới, các nước lớn có thể suy nghĩ và hành động không biên giới, khôi phục chủ nghĩa đa phương để thúc đẩy đổi mới và tiến bộ của quản trị toàn cầu. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là hai trụ cột ứng phó thách thức chung và duy trì trật tự thế giới.
Vì vậy, việc thiết lập các nguyên tắc cạnh tranh giữa hai nước, đồng thời tăng cường đối thoại để xây dựng lại lòng tin chính trị và mở rộng hợp tác là hướng đi của tương lai. Tuy nhiên, cách tiếp cận phù hợp là không làm mọi thứ vội vàng, bởi đôi khi đốt cháy giai đoạn sẽ dẫn đến thiệt hại nhiều hơn. Để cải thiện mối quan hệ sóng gió Mỹ - Trung Quốc, hai bên đều cần bắt đầu từ những bước đi nhỏ nhưng tích cực.
Nguồn: cand.com.vn