“Nóng” trở lại tình hình miền Đông Ukraine
Cập nhật ngày: 4-04-2021
 
Thời gian gần đây, căng thẳng ở miền Đông Ukraine liên tục leo thang với các cuộc đụng độ giữa Quân đội Ukraine và lực lượng đối lập.
 

Đánh giá tình hình ở khu vực này rất đáng quan ngại, Nga đã tăng cường sự hiện diện quân sự gần biên giới Ukraine với lý do đảm bảo an ninh đất nước và khẳng định không đe dọa bất kỳ ai. Tuy nhiên, Kiev và các nước phương Tây lại cho rằng Moscow có ý đồ khác.

Hôm 2/4, trong cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi nhậm chức với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden đảm bảo rằng, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev giữ gìn “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ và Anh cũng bày tỏ quan ngại về động thái của Nga, nêu ra quan điểm ủng hộ của nước này đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. 

Trước đó, từ ngày 31/3 đến 1/4, bốn quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, gồm cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley liên tục có các cuộc điện đàm với những đồng cấp Ukraine. Trong trao đổi, phía Mỹ khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như “khát vọng” của Kiev về gia nhập liên minh châu Âu - Đại Tây Dương; đồng thời, phản đối can thiệp của Nga ở Donbass. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 1/4 cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây ở Ukraine, chỉ trích hành vi khiêu khích, gây hấn của Nga đối với miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng cho rằng, hành vi quân sự của Nga gần biên giới mang tính chất đe dọa. Điểm qua nội dung cuộc điện đàm với người đồng cấp Joe Biden, ông khẳng định Ukraine “nhận được sự ủng hộ lâu dài và đầy đủ của các đối tác quốc tế, trong đó có châu Âu và Mỹ” đồng thời nhấn mạnh Kiev “sẽ không bao giờ bị bỏ lại một mình trước sự gây hấn của Nga”.

Tình hình tại miền Đông Ukraine bất ngờ “nóng” trở lại.

Trước những tuyên bố trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, đây là “động thái bất lợi”. Theo bà, tất cả nên hướng tới một mục tiêu chung - đạt được hòa bình ở miền Đông Ukraine. Bà nhấn mạnh: “Washington, với nguồn cung cấp vũ khí, những lời lẽ hung hăng và khiêu khích, khuyến khích chế độ Kiev coi thường các thỏa thuận Minsk. Hành vi như vậy của Mỹ là trái với các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. 

Chia sẻ quan điểm này, Phó chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga về SNG, ông Konstantin Zatulin coi tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine về sự hỗ trợ của Mỹ trong tình hình xung quanh Donetsk và Lugansk là nguy hiểm và dẫn đến vòng xoáy leo thang căng thẳng trong khu vực. Ông cũng chỉ rõ rằng, Mỹ đang thúc đẩy Nga phải bảo vệ Donetsk và Lugansk và do đó bị lôi kéo vào một vòng trừng phạt mới. 

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình 1tv hôm 1/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc lại lời cảnh báo của Tổng thống Vladimir Putin mới đây, mà ông cho rằng, vẫn còn nguyên giá trị. 

Ông nói: “Đánh giá về thông tin vừa được các phương tiện truyền thông đăng tải, có thể thấy Quân đội Ukraine hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bất kỳ hành động nào dẫn tới kích động chiến tranh. Tôi rất hy vọng rằng họ sẽ không bị các chính trị gia trong nước, phương Tây xúi giục có những hành động như vậy. Như Tổng thống Nga đã nói, bất kỳ ai khơi mào cuộc chiến mới tại Donbass đều sẽ dẫn tới sự hủy hoại Ukraine”. Nga hy vọng rằng phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, sẽ không kích động các chính trị gia Ukraine khơi mào một cuộc xung đột nóng bỏng ở Donbass.

Trong diễn biến liên quan, ngày 2/4 phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung để đảm bảo an ninh quốc gia trong trường hợp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai quân tới Ukraine: “Những kịch bản triển khai quân của NATO tới Ukraine sẽ chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng gần khu vực biên giới của Nga. Và điều này sẽ buộc chúng tôi phải triển khai thêm các biện pháp an ninh”. 

Ông nhấn mạnh, “việc coi Nga là kẻ thù là không thể chấp nhận được và không phù hợp”, đồng thời khẳng định, Moscow không đe dọa và chưa bao giờ đe dọa bất kỳ bên nào. Đánh giá về tình hình tại khu vực Donbass ở miền Đông, ông Dmitry Peskov bày tỏ quan ngại về các diễn biến mới tại đây, với nhiều hành động khiêu khích của các lực lượng vũ trang. 

Tuyên bố trên của người phát ngôn Điện Kremlin được đưa ra sau khi cùng ngày, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Roman Masoves tuyên bố các nước NATO có biên giới với Nga cần tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trước đó, ngày 1/4, quan chức này có cuộc gặp với người đứng đầu Văn phòng NATO tại Thủ đô Kiev, Alexander Vinnikov, trong đó ông nêu đề nghị của Ukraine, đó là tiếp tục tiến hành tập trận chung với NATO và liên minh tuần tra không phận Ukraine.

Tình hình tại Donbass trở nên căng thẳng ngày 26/3 khi tại khu vực thôn Suma 4 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và Kiev cáo buộc lực lượng Cảnh sát Cộng hòa Donesk tự xưng có liên quan, điều lực lượng này bác bỏ. Sau đó, Cảnh sát Cộng hòa Donesk tự xưng thông báo các binh sĩ Ukraine đã vấp phải mìn.

Nga chỉ trích lệnh trừng phạt của Ukraine mang động cơ chính trị

Hội đồng An ninh và quốc phòng Ukraine đã áp đặt các lệnh trừng phạt 11 thực thể và Văn phòng Cơ quan Liên bang phụ trách Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG), kiều bào Nga ở nước ngoài và hợp tác nhân đạo quốc tế (Rossotrudnichestvo), đặt tại Thủ đô Kiev của nước này. Lệnh trừng phạt này bao gồm quy định cấm hoạt động. Ngoài 11 thực thể trên, các lệnh trừng phạt còn nhằm vào 57 doanh nghiệp khác có những mối liên hệ với các công dân Ukraine. Trong một phản ứng đầu tiên, ông Leonid Kalashnikov, Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia (Hạ viện) Nga về các vấn đề SNG, hội nhập Á-Âu và quan hệ với kiều bào, nêu rõ trên thực tế, hoạt động của Rossotrudnichestvo tại Ukraine đã bị hạn chế từ trước đó. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt nhằm vào văn phòng này là một cử chỉ phô trương và mang động cơ chính trị. Theo ông, các biện pháp trừng phạt là “một bước đi chính thức và chính trị hơn” nhằm chứng minh rằng giới chức Ukraine coi các chương trình của Rossotrudnichestvo là không cần thiết và không liên quan.

Rossotrudnichestvo mở văn phòng tại Ukraine từ năm 2007. Cơ quan này hoạt động theo thỏa thuận về các trung tâm văn hóa và thông tin được Chính phủ Ukraine và Nga phê duyệt. Theo thỏa thuận này, Trung tâm Văn hóa quốc gia của Ukraine hoạt động tại Moskva. Các lĩnh vực hoạt động chính của Rossotrudnichestvo hỗ trợ dạy tiếng Nga và quảng bá văn hóa Nga, cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ các hội đồng hương và các tổ chức cựu chiến binh tại Ukraine.   


Theo: cand.com.vn