CÔNG AN BẠC LIÊU
Liban bế tắc trong việc thành lập chính phủ mới
Cập nhật ngày: 26-03-2021, lượt xem: 90
Tổng thống Liban Aoun đã kêu gọi Thủ tướng al-Hariri khẩn trương thành lập chính phủ mới để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào về việc thành lập nội các mới của Liban sau cuộc họp ngày 22-3 giữa Tổng thống Michel Aoun và Thủ tướng được chỉ định Saad al-Hariri.

Phát biểu sau cuộc gặp, Thủ tướng được chỉ định al-Hariri cho biết Tổng thống Aoun đã nhấn mạnh tới ưu thế đa số chắc chắn trong chính phủ đối với các đồng minh chính trị của mình.
 

Trước đó, đêm 17-3, Tổng thống Aoun đã kêu gọi Thủ tướng al-Hariri khẩn trương thành lập chính phủ mới để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh tế, xã hội. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Aoun cho biết ông đã mời Thủ tướng Hariri tới Phủ Tổng thống để thảo luận việc thành lập chính phủ mới. 
 

Tại cuộc gặp, ông Aoun hối thúc ông Hariri lựa chọn hoặc phải lập tức thành lập chính phủ mới hoặc từ chức để giao lại nhiệm vụ đó cho những người có khả năng. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Thủ tướng Hariri cho biết ông đã đệ trình danh sách nội các cho Tổng thống Aoun từ vài tuần trước. Ông Hariri khẳng định chính phủ mới của ông là chính phủ đoàn kết, có khả năng đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay và phát triển vững mạnh. Ông al-Hariri cũng tuyên bố nếu không đồng ý với nội các mà ông sắp xếp, Tổng thống Aoun có thể kêu gọi tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn.

 
Tổng thống Liban Michel Aoun và Thủ tướng Saad Hariri không tìm được tiếng nói chung trong việc lập Chính phủ.

Tháng 10-2020, Tổng thống Aoun đã chỉ định ông al-Hariri làm thủ tướng để thành lập chính phủ mới sau khi một loạt các quan chức cấp cao đã quyết định từ chức trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và vụ nổ kinh hoàng ngày 4-8-2020 tại thủ đô Beirut đã khiến hơn 190 người thiệt mạng và ít nhất 6.500 người bị thương. Ngay sau vụ nổ, Thủ tướng Hasan Diab đã nộp đơn xin từ chức và người kế nhiệm ông Mustapha Adib cũng đã từ chức sau một thời gian ngắn ngủi ngồi ghế thủ tướng do không thể đạt đồng thuận về thành phần chính phủ mới.
 

Việc ông Adib từ chức đã giáng một đòn mạnh vào kế hoạch giải quyết khủng hoảng do Pháp đưa ra. Theo lộ trình của Pháp, chính phủ mới ở Liban sẽ thực hiện các bước để giải quyết nạn tham nhũng và tiến hành những cải cách cần thiết nhằm kích hoạt gói viện trợ quốc tế hàng tỷ USD nhằm khôi phục nền kinh tế vốn đang phải gánh nợ. 
 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ông sẽ không từ bỏ sáng kiến về việc cứu Liban khỏi sự sụp đổ, đồng thời tiếp tục gây sức ép lên quốc gia Trung Đông này nhằm thay đổi tình hình. Khi đó, Tổng thống Liban Michel Aoun cảnh báo nước này sẽ "lâm nguy" nếu chính phủ mới không được thành lập nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng làm tê liệt các ngân hàng, dẫn đến đồng bảng của Liban "rơi tự do" và khiến nhiều người dân lâm vào cảnh nghèo đói.

 
Vụ nổ ở cảng Beirut ngày 4-8-2020 khiến kinh tế Liban thêm kiệt quệ.

Trong tuyên bố nhậm chức tháng 10-2020, Thủ tướng Hariri cam kết thành lập một chính phủ kỹ trị theo sáng kiến của Pháp nhằm đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng. Ông cho biết sẽ thành lập một nội các bao gồm các chuyên gia với nhiệm vụ cải cách kinh tế, tài chính và hành chính, đúng như lộ trình trong sáng kiến của Pháp. Thủ tướng Liban nhấn mạnh sẽ nhanh chóng thành lập chính phủ bởi thời gian đang cạn dần và đây là "cơ hội cuối cùng". Tuy nhiên, lời hứa ấy cho tới lúc này vẫn chưa thành hiện thực.
 

Liban với dân số hơn 6 triệu người, trong đó có hơn 50% thuộc diện nghèo, quốc gia này đang vật lộn với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến tranh năm 1975-1990. Liban lâm vào khủng hoảng kinh tế kể từ năm 2019, nhiều người đã bị mất  việc làm, đồng nội tệ giảm 85% giá trị và làm tăng nguy cơ nạn đói trên diện rộng.
 

Khủng hoảng chồng chất khiến Liban gần như kiệt quệ, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Thất nghiệp, nghèo đói đều tăng cao, còn lạm phát thì tăng kịch trần. Lebanon còn gánh thêm tình trạng người tị nạn chiến tranh từ Syria chạy sang tá túc khiến cho tình hình càng trở nên không có lối thoát. Hàng triệu người đã phải rời bỏ quê hương đi tìm sinh kế ở châu Âu hay bất cứ nơi nào khác có thể. 
 

Những vấn đề của Liban càng thêm phức tạp sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut vào tháng 8-2020. Đại dịch COVID-19 bùng phát càng khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng khi các cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa và người dân bị giảm thu nhập. Theo WB, Liban đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng phức tạp và chưa từng có tiền lệ. Năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liban giảm 19,2%, lạm phát ở mức 3 con số trong khi tỷ lệ người nghèo và cùng cực cũng sẽ tăng lần lượt 45% và 22%.
 

Ngày 12-3, hàng nghìn người đã tuần hành ở trung tâm thủ đô Beirut của Liban với yêu cầu thành lập một chính phủ độc lập mới nhằm đưa quốc gia Trung Đông này thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng sâu sắc của đất nước này.
 

Để trợ giúp phần nào cho Liban khắc phục hậu quả sau vụ nổ, nhiều chính phủ châu Âu và các nước Arab đã viện trợ khẩn cấp cho Liban. Tuy nhiên, số tiền tài trợ này chỉ như “muối bỏ biển”. 


Nguồn cand.com.vn

Các tin khác