Trong năm qua, các vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước lớn tại Trung Quốc đã gây nhiều chú ý. Việc Trung Quốc rút lại hỗ trợ cho các công ty đang gặp khó khăn cho thấy Bắc Kinh hiện đã tin tưởng hơn vào khả năng của nền kinh tế trong việc hấp thụ những thất bại như vậy.
Một loạt vụ việc đáng chú ý
Nhà phát triển bất động sản China Fortune Land Development đã vỡ nợ một khoản trái phiếu trị giá 530 triệu USD cách đây 2 tuần. Đây là sự kiện mới nhất trong một chuỗi các cuộc khủng hoảng thanh khoản doanh nghiệp ở Trung Quốc báo hiệu một sự thay đổi chính sách khi Bắc Kinh dường như sẵn sàng để cho các công ty thất bại, thay vì cứu họ.
Tsinghua Unigroup, một công ty chủ chốt trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc, đã gây chấn động thị trường vào tháng 11 năm ngoái khi thông báo rằng họ vỡ nợ khoản trái phiếu tư nhân trong nước. Công ty này từng được quảng cáo là một nhà sản xuất chip bán dẫn "Made-in-China" khổng lồ và sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào hàng nhập khẩu Mỹ.
Trong cùng tháng đó, tập đoàn than Yongcheng Coal đã 2 lần vỡ nợ. Động thái bất ngờ này đã gửi đi một thông điệp: Các doanh nghiệp nhà nước không tránh khỏi sự thất bại. Công ty này từng tự hào có xếp hạng tín dụng AAA trước khi vỡ nợ.
Vụ vỡ nợ cuối năm 2020 của Huachen Automotive Group Holdings, công ty mẹ của đối tác liên doanh tại Trung Quốc của nhà sản xuất ô tô Đức BMW, đã cho thấy những rủi ro không rõ ràng, cơ chế định giá kém phát triển và sự ngây thơ của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc.
Nhà phát triển bất động sản China Fortune Land Development vỡ nợ - Sự kiện mới nhất trong chuỗi các khủng hoảng thanh khoản doanh nghiệp Trung Quốc. |
Các chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh không hành động là một phần trong nỗ lực khuyến khích các công ty giảm nợ. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng tín dụng cho các tập đoàn phi tài chính ở Trung Quốc là 163% so với tổng sản phẩm quốc nội. Con số này lớn hơn nhiều so với Nhật Bản là 114% và Mỹ là 83%.
Các quan chức Trung Quốc tỏ ra tự tin về sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19 nhưng đang ngày càng thận trọng với các khoản nợ của chính phủ và doanh nghiệp. Họ dường như từ chối chấp nhận chủ trương chính thống "các doanh nghiệp nhà nước quá lớn và không thể thất bại" và không cung cấp bất kỳ đảm bảo nào cho các công ty có thể đang tin tưởng vào các gói cứu trợ.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc hồi đầu tháng 3 rằng đất nước đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 6% vào năm 2021. Đây được coi là một mục tiêu có thể đạt được và khá khiêm tốn so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 8% cho cùng kỳ.
Khi các vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục diễn ra, giới quan sát lo lắng về các vụ vỡ nợ chéo có thể gây ra tác động lớn hơn dự đoán và làm chao đảo nền kinh tế nước này. Các nhà đầu tư và nhà kinh tế đang để mắt đến chiến dịch cắt giảm nợ của Bắc Kinh xem liệu chiến dịch này có thành công mà không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng hay không.
Chính sách hậu COVID-19
Đối với một số người, những vụ vỡ nợ như vậy cho thấy thị trường tín dụng đang phản ánh tình hình thực tế, sau khi COVID-19 làm tê liệt nền kinh tế và khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành chiến dịch cắt giảm nợ nần và các khoản đầu tư không hiệu quả. Andrew Collier, Giám đốc điều hành của Orient Capital Research, cho biết: “Đó thực sự là một thông điệp nhiều hơn bất cứ điều gì khác và trừ phi có mối đe dọa nào đó đối với sự ổn định tài chính hoặc kinh tế của Trung Quốc thì chính quyền trung ương vẫn vui lòng để các doanh nghiệp nhà nước phá sản. Rõ ràng, chính quyền trung ương không muốn can thiệp và về cơ bản phát đi tín hiệu với các chính quyền địa phương rằng họ hãy tự xử lý vấn đề”.
Trung Quốc ngày một sẵn sàng để các doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ. |
Michel Lowy, người sáng lập và Giám đốc điều hành của SC Lowy, một tập đoàn quản lý tài sản hàng đầu, cho biết: “Hầu hết các nhà đầu tư sành sỏi đều hiểu rằng có sự khác biệt lớn giữa việc cho doanh nghiệp nhà nước vay và cho nhà nước vay. Đây là một lời nhắc nhở nhanh chóng về sự khác biệt và thực tế là Trung Quốc không có ý định cứu trợ mọi doanh nghiệp nhà nước đã đưa ra các lựa chọn sai lầm”.
Tiansi Wang, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại Robeco ở Hong Kong, nhấn mạnh: “Đối với chúng tôi, với tư cách là những nhà đầu tư cơ bản, Trung Quốc không phải là một thị trường tốt để đánh cược”. Tuy nhiên, cô cho rằng các vụ vỡ nợ vẫn là một dấu hiệu tốt. Nếu không ai chịu thất bại, khi đó bạn không thể có công cụ đánh giá rủi ro.
Một phần của việc các công ty phá sản là bởi việc Trung Quốc cắt giảm kích thích. Là nền kinh tế lớn đầu tiên kiểm soát được COVID-19, Trung Quốc đang đi đầu trong việc giảm bớt các nỗ lực kích thích kinh tế do đại dịch thúc đẩy. Không giống như Mỹ và châu Âu, những quốc gia vẫn đang “bơm tiền” vào nền kinh tế của mình, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát tín dụng ở một số góc độ.
Sự thay đổi này đưa Trung Quốc lên vị trí tiên phong đối mặt với thách thức mà các nền kinh tế khác sẽ phải đối mặt trong những năm tới khi họ phục hồi hậu COVID-19: làm thế nào để rút lại các biện pháp kích thích mà không làm mất đi đà tăng trưởng hoặc gây ra bất ổn thị trường rộng lớn hơn.
Trong khi đó, tuần trước, Mỹ đã ban hành gói viện trợ kinh tế mới trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ sẽ thúc đẩy hoạt động mua nợ của khu vực đồng euro. Các cách tiếp cận khác nhau phản ánh cách Bắc Kinh coi đại dịch chỉ là sự gián đoạn tạm thời, trong khi các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang cố gắng phục hồi nền kinh tế của họ và ngăn chặn thiệt hại lâu dài do ảnh hưởng của đại dịch.
Các biện pháp khẩn cấp của Bắc Kinh năm ngoái bao gồm cắt giảm thuế để giúp các doanh nghiệp nhỏ và ra lệnh cho các ngân hàng gia hạn thêm các khoản vay. Tuy nhiên, các biện pháp tài khóa của Trung Quốc chiếm tỷ trọng GDP thấp hơn nhiều so với các biện pháp của Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ kiểm soát tốc độ phát hành tín dụng mới thay vì tăng lãi suất chính, điều này sẽ có nguy cơ thu hút dòng tiền đầu cơ có thể tạo ra bong bóng tài sản nguy hiểm. Ngân hàng trung ương đã cam kết duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, đồng thời tránh các biện pháp bơm kích thích ồ ạt.
Wang Tao, chuyên gia kinh tế tại UBS, dự đoán rằng khi Trung Quốc rút lại các biện pháp hỗ trợ, một số vấn đề đã được che đậy trong năm ngoái có thể bùng nổ hơn nữa trong năm nay. Ông dự đoán sẽ có thêm nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp hơn và tỷ lệ nợ xấu cao hơn.