Ngày 17-3, trả lời “Yes” đối với câu hỏi của George Stephanopoulos, nhà báo nổi tiếng của kênh ABC của Mỹ, trong một chương trình phát sóng trực tiếp về trường hợp nhà đối lập chính trị người Nga Alexei Navalny và áp đặt trách nhiệm lên ông Putin, Tổng thống Mỹ Biden đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
Alexei Navalny đã bị bắt giam khi trở về Nga sau 5 tháng dưỡng bệnh ở Đức và Washington đang yêu cầu trả tự do cho người này. Tân Tổng thống Mỹ còn bồi thêm rằng “Bạn sẽ sớm thấy cái giá mà ông ấy (Putin) sẽ phải trả”.
Ông Donald Trump trước đây đã 2 lần tránh né trả lời câu hỏi này và khẳng định là không có bằng chứng về cáo buộc trên nhắm vào ông Putin. Moscow biết ông Joe Biden có quan điểm đối với Nga cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, công luận vẫn bất ngờ về tuyên bố vừa qua của nguyên thủ Mỹ.
Trong phản ứng đầu tiên, Chủ tịch Hạ viện Nga đã tố cáo phát biểu của lãnh đạo Mỹ là không phù hợp. “Ông Putin là tổng thống của chúng tôi và một cuộc tấn công vào ông ấy là một cuộc tấn công vào đất nước của chúng tôi. Với những tuyên bố của mình, ông Biden đã xúc phạm các công dân của đất nước chúng tôi”, ông Vyacheslav Volodin viết trên tài khoản Telegram của mình.
|
Ông Joe Biden và ông Vladimir Putin trong một lần gặp.
|
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu hồi đại sứ tại Mỹ để phân tích triển vọng quan hệ với Washington 2 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, đã đến lúc cần đánh giá những kết quả ban đầu của nội các ông Joe Biden.
“Chính quyền mới của Mỹ đã cầm quyền được gần 2 tháng, cột mốc 100 ngày mang tính biểu tượng không còn xa và đó là lý do chính đáng để đánh giá xem đội ngũ của ông Joe Biden đang làm tốt hay không. Đối với chúng tôi, điều chính yếu là tìm cách cải thiện mối quan hệ Nga-Mỹ mà Washington đã đưa đến bế tắc trong những năm gần đây. Chúng tôi muốn ngăn chặn sự suy thoái không thể đảo ngược của họ, nếu người Mỹ nhận thức được những rủi ro liên quan”, bà Zakharova nói thêm.
Trong những năm gần đây, tình trạng quan hệ Mỹ-Nga ngày càng xấu đi. Chính quyền Mỹ đã lần lượt đóng cửa các lãnh sự quán Nga tại San Francisco và Seattle vào tháng 9-2017 và tháng 4-2018. Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga. Vào tháng 12-2020, Mỹ công bố quyết định đóng cửa 2 lãnh sự quán cuối cùng của họ ở Nga. Vào ngày 11-3-2021, Tổng lãnh sự Nga tại Houston đã than thở về sự chậm trễ quá mức trong việc cấp thị thực Mỹ cho các nhà ngoại giao Nga và việc từ chối gia hạn giấy phép cư trú của những người đã lưu trú tại Mỹ.
Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã ước tính rằng mối quan hệ Mỹ-Nga sẽ không thể xấu đi vì chúng đã quá xấu trong một thời gian dài. Ông kể lại rằng đã có nhiều bất đồng trong các nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama và Donald Trump. Theo người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, sự xấu đi này trong quan hệ song phương có thể được giải thích là do Nga tăng cường sức mạnh. Theo quan điểm của ông, nước Nga của những năm 1990, nước có thể bị điều hành bởi sự yếu kém về kinh tế và chính trị, hiện giờ đã hoàn toàn khác.
Tình hình không có dấu hiệu được cải thiện sau báo cáo của Bộ Tư pháp và An ninh nội địa Mỹ đầu tuần này nêu đích danh Nga và Trung Quốc hay Iran đe dọa các mạng lưới của nhiều tổ chức chính trị, của các ứng viên và đảng phái chính trị Mỹ. Cơ quan tình báo Mỹ đang điều tra về một loạt vụ tấn công nhắm vào quyền lợi của Mỹ được cho là có lệnh của Moscow. Trong số này có cả những cáo buộc Nga đã tài trợ cho một số quân Taliban để sát hại lính Mỹ can thiệp tại Afghanistan.
Ngay cả trong lĩnh vực y tế, vào lúc thế giới vẫn đảo điên vì đại dịch COVID-19, Nga bị Mỹ tố cáo đã “giật dây” một chiến dịch loan tin “thất thiệt” về hai loại vaccine được sử dụng rộng rãi để tiêm chủng cho hàng chục triệu người dân Mỹ. Nhìn từ phía Moscow, từ nhiều tuần qua, chính quyền Nga liên tục chỉ trích các mạng xã hội Twitter, Facebook hay mạng YouTube của Mỹ đã vô trách nhiệm, để cho những thông tin sai lệch được phổ biến rộng rãi làm phương hại đến “xã hội và đời sống chính trị của nước Nga”.
Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov cho rằng các nhà cung cấp mạng nước ngoài hoạt động tại Nga cần “tuân thủ luật pháp” của quốc gia sở tại. Theo giới quan sát, cuộc đọ sức trên mạng này thực ra nhằm kiểm duyệt thông tin ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny, đang thi hành án tù giam.
Xét trên những căng thẳng mới nhất, giới phân tích vẫn tỏ ra thận trọng và không cho rằng Nga và Mỹ sẽ đoạn tuyệt toàn bộ quan hệ ngoại giao. Giới quan sát nhận thấy rằng chính quyền Mỹ mặc dù “cứng miệng” nhưng thực ra không tương xứng trong hành động.
Trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại đầu tháng 2-2021, bên cạnh những lời lẽ cứng rắn gửi đến Moscow, tân Tổng thống Biden đã không quên nhắc nhở rằng Washington sẵn sàng làm việc với phía Nga vì lợi ích chung của hai nước. Tiêu biểu nhất là quyết định của chính quyền ông Biden ngày 3-2-2021 gia hạn thêm 5 năm hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới New START. Đó là chưa kể ảnh hưởng của Moscow trong tiến trình cứu vãn hòa bình tại Afghanistan, mà Washington muốn nhanh chóng kết thúc.
Tới đây, giới phân tích cho rằng có thể qua lời lẽ cứng rắn có thể là Tổng thống Biden sử dụng lại đòn của người tiền nhiệm là ông Trump trên những hồ sơ khác, đó là màn gây sức ép tối đa với đối phương trước khi thông báo một sự thay đổi ngoạn mục. Bởi vì thực tế cả hai ông Joe Biden và Vladimir Putin đều không có ý định quay lưng lại với nhau và họ ý thức được là Nga - Mỹ cần đối thoại, ít nhất là ở mức độ tối thiểu.
Nguồn: cand.com.vn