Cuộc gặp thể thức "2+2" giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra tại thành phố Anchorage, bang Alaska. Đại diện cho phía Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương và Ngoại trưởng Vương Nghị. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
"Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực ngoại giao để định hình các liên minh ở châu Á và châu Âu nhằm chống lại Trung Quốc", Reuters bình luận. Thật vậy, ngay trước cuộc gặp "2+2" với phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có chuyến công du Đông Bắc Á, dự hội đàm với những đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của 2 quan chức cấp cao Mỹ này dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.
Yonhap đánh giá, chuyến đi được cho là nhằm làm rõ nỗ lực của Mỹ để tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác, hướng tới thúc đẩy một "trật tự tự do, cởi mở dựa trên luật lệ", bắt đầu từ phiên họp cấp lãnh đạo đầu tiên của nhóm Bộ tứ Kim cương (QUAD) hồi tuần trước.
|
Mỹ và Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu khác nhau trước thềm cuộc gặp. Ảnh: Reuters.
|
Trong cuộc gặp với những người đồng cấp Nhật Bản hôm 16/3, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã xác lập một tông giọng cứng rắn với Trung Quốc, thẳng thắn chỉ trích những hành vi của Trung Quốc mà phía Mỹ cho là "cưỡng ép" và "gây hấn".
Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định: "Chúng tôi sẽ phản đối khi cần thiết nếu Trung Quốc sử dụng các hành vi cưỡng ép và gây hấn để đạt được mục đích". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhắc đến "những hành vi làm suy giảm sự ổn định" của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ là "đảm bảo duy trì sự cạnh tranh với Trung Quốc hoặc bất kỳ bên nào muốn đe dọa đến chúng tôi hoặc đồng minh".
Trong khi đó, trang Yonhap nhận định, một loạt các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, chẳng hạn như vấn đề Tân Cương, sẽ trở thành chủ đề nổi bật trong cuộc hội đàm giữa quan chức cấp cao Mỹ và Hàn Quốc ngày 17/3, khi Mỹ tìm cách "tận dụng liên minh của mình với Seoul, Tokyo và các nước khác để củng cố vai trò lãnh đạo trước một Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng".
Theo Politico, điều này cho thấy, thay vì đảo ngược đối sách của người tiền nhiệm như trong nhiều lĩnh vực khác, chính quyền Joe Biden dường như không từ bỏ cách tiếp cận gây sức ép với Trung Quốc.
Về phần mình, trước thềm cuộc gặp, Bắc Kinh lại bày tỏ kỳ vọng vào thúc đẩy đối thoại nhiều cấp với Washington. Phát biểu trước báo giới ngày 11/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhận định, là hai quốc gia phát triển và đang phát triển lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc đều được lợi khi hợp tác và sẽ cùng gánh chịu tổn thất khi đối đầu.
Theo Thủ tướng Trung Quốc, hai nước cần đối thoại và trao đổi dựa trên nền tảng tôn trọng, bình đẳng, Trung Quốc kỳ vọng sẽ có đối thoại về nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp. Và ngay cả khi không thể tạo ra kết quả chóng vánh, quá trình giao thiệp vẫn giúp thúc đẩy lòng tin, xua tan nghi ngờ, giúp điều phối và quản lý khác biệt dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, Global Times trích lời.
Trước đó, một số quan chức Trung Quốc công khai khẳng định, Bắc Kinh không tìm kiếm đối đầu với Mỹ hay thiết lập ảnh hưởng toàn cầu; đồng thời đổ lỗi chính sách của chính quyền Donald Trump là nguyên nhân đẩy quan hệ Mỹ-Trung xuống ngưỡng thấp nhất trong nhiều thập kỉ trở lại đây.
Đáng chú ý, phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết: "Do theo đuổi các hệ thống xã hội khác nhau nên Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ có những khác biệt và bất đồng". Nhưng ông Vương Nghị cho rằng hai nước cần có sự cạnh tranh lành mạnh dựa trên cơ sở công bằng, nhằm mục đích tự cải thiện và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thay vì cạnh tranh theo kiểu "tổng bằng không".
Trên thực tế, cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung sắp tới không phải cuộc gặp được tổ chức nhằm đạt được các thỏa thuận. Theo BBC, đây là cuộc gặp dành cho "những trao đổi thẳng thẳn" thiết lập những quy tắc cơ bản và những lằn ranh đỏ trong quan hệ hai bên.
Còn theo Foreign Policy, những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, từ vấn đề Hong Kong (Trung Quốc), Tân Cương cho tới các hành vi "cưỡng ép kinh tế" của Bắc Kinh với các đồng minh của Washington và những cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ sẽ xuất hiện trong cuộc gặp lần này. Nhưng, một tuyên bố hay thỏa thuận mang tính đột phá, giúp tạo tiền đề tái định hình mối quan hệ hai bên sau quãng thời gian căng thẳng thương mại dài đằng đẵng là rất khó có thể xảy ra chỉ trong vài giờ đồng hồ thảo luận.
Nguồn: cand.com.vn