Thách thức chờ đợi Tổng thống Joe Biden sau “tháng trăng mật”
Cập nhật ngày: 25-02-2021
 
Một tháng kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ghi dấu với nhiều quyết sách, đường hướng và kết quả rõ rệt. Nhưng các chuyên gia đánh giá các thách thức lớn hơn vẫn đang ở phía trước.
 

Những thách thức…
 

Hãng thông tấn Reuters (Anh) liệt kê rằng một tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã thay đổi nhiều chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump liên quan đến biến đối khí hậu, lệnh cấm nhập cảnh… trong khi đó, tỷ lệ phân phối vaccine phòng COVID-19 của Mỹ theo ngày đã tăng 55%. 
 

Hiện số ca tử vong vì COVID-19, tính tới 18h ngày 22/2 (giờ địa phương - sáng 23/2 giờ Việt Nam), đã chạm mốc 500.000 người. Đây là một con số đáng buồn, nhưng cũng chính là thời điểm nước Mỹ đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực đầu tiên trên con đường đương đầu với đại dịch đầy gian nan phía trước. Số ca nhiễm mới và số ca tử vong mỗi ngày đã giảm đáng kể.
 

Một lý do không thể không nhắc tới là nhờ hai loại vaccine các nhà khoa học đã kịp thời phát minh và Mỹ chính là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng rộng rãi cho người dân. 
 

Tuy nhiên, đây cũng chính là lúc không chỉ giới khoa học mà cả các quan chức và nhiều người dân đã nhận ra rằng, bất chấp nỗ lực của con người chạy đua với thời gian nhằm ứng phó với virus SARS-CoV-2, con virus nhỏ bé có khả năng hủy diệt ghê gớm này sẽ không vì thế biến mất hoàn toàn khỏi nước Mỹ, hay biến mất hẳn trên cả hành tinh, trong ngày một, ngày hai. 

 
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
 

Nhiều thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa đánh giá ngay cả khi hàng triệu người Mỹ được tiêm vaccine phòng COVID-19 và nền kinh tế phục hồi thì chiến lược khái quát của Nhà Trắng vẫn vấp phải nhiều khó khăn trong những tháng tới.
 

Thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã được đặt lên "bàn ngoại giao" dưới thời Tổng thống Biden. Triển vọng khôi phục JCPOA là khá sáng sủa. Tuy vậy, Iran vẫn tuyên bố có thể làm giàu urani lên mức 60%  trong trường hợp cần thiết và Tehran sẽ không bao giờ nhượng bộ trước áp lực của Mỹ đối với hoạt động phát triển hạt nhân. 
 

Mỹ cũng quay trở lại với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng trên thực tế, thế giới muốn quan sát xem Tổng thống Joe Biden sẽ có động thái nào đối với mục tiêu khí hậu, liệu ông có tăng cường hỗ trợ các nước nghèo vượt qua dịch COVID-19 và phát ngôn của nhà lãnh đạo này về khôi phục đoàn kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tồn tại đến thời điểm nào.
 

Tháng đầu tiên của Tổng thống Joe Biden cũng được cho là không có bê bối gây rối loạn bởi những thành viên nội các ông đề cử đều được thông qua. Chỉ duy nhất một vụ việc khiến báo chí chú ý là quan chức Nhà Trắng phải từ chức do đe dọa phóng viên. 
 

Tân chủ nhân Nhà Trắng đã tạo nhiều thay đổi dựa trên thẩm quyền của bản thân. Tuy nhiên, nhiều dự luật đang được thúc đẩy lại được coi là yếu tố mang rủi ro khiến đảng Dân chủ chia rẽ như việc giảm nhẹ nợ đại học, tăng thuế và kiềm chế ngành công nghiệp năng lượng. 
 

Rạn nứt có thể thấy rõ khi một số thành viên đảng Dân chủ, trong đó có hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez và thượng nghị sĩ Elizabeth Warren lên tiếng chỉ trích Tổng thống Biden khi nhà lãnh đạo này trong cuộc phỏng vấn ngày 16/2 với kênh CNN không đồng tình với các thành viên trong đảng muốn bỏ qua số nợ sinh viên trị giá 50.000 USD. 
 

Ngoài ra, vẫn tồn tại những tranh cãi về chính sách "khó uốn nắn" trong chính trị Mỹ trong thời gian dài như đối tượng nào có thể trở thành công dân, liệu chính phủ có trả tiền cho chăm sóc y tế, ai nên mang theo súng. Bên cạnh đó, Nhà Trắng hiện vẫn xem xét nhiều vấn đề hóc búa liên quan đến thương mại, Trung Quốc và công nghệ.
 

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho rằng bài kiểm tra đối với Tổng thống Joe Biden là liệu những thay đổi của ông có phù hợp với chính sách mang chủ trương cải thiện hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump. Dường như một tháng là chưa đủ để "đo đạc" được điều này.
 

Nhà chiến lược đảng Dân chủ Paul Shumaker đánh giá "chú voi" đang cải tổ sau nhiều năm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Paul Shumaker cũng đề cập: "Tổng thống Joe Biden đang tận hưởng 'trăng mật' nhưng mọi người đều hiểu rằng thời kỳ này sẽ đến hồi kết". 
 

Theo khảo sát của Reuters/Ipsos thực hiện vào giữa tháng 2, khoảng 56% người Mỹ được hỏi ủng hộ kết quả làm việc của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống, nhưng chỉ 20% thành viên đảng Cộng hòa tham gia khảo sát có chung quan điểm.
 

… và hai màn ra mắt thành công
 

Ông Joe Biden đã ra mắt thành công trên sân khấu chính trị quốc tế với tư cách Tổng thống Mỹ không chỉ một, mà hai lần trong ngày 19/2 vừa qua. Tại Hội nghị An ninh Munich (MSC), nhà lãnh đạo Mỹ mạnh mẽ tuyên bố "Nước Mỹ đã trở lại". Ông cũng rất hào phóng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 do Anh chủ trì, với cam kết chi 4 tỷ USD cho sáng kiến COVAX nhằm cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
 

Màn ra mắt của tân Tổng thống Mỹ khiến nhiều người so sánh với việc người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Donald Trump đã rời khỏi Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu G20 trực tuyến tại Riyadh tháng 11 năm ngoái, sau đó rất nhanh xuất hiện trên sân golf trong khu nghỉ dưỡng của gia đình. Không có những chuyện tương tự xảy ra hôm 19/2 vừa qua. Mọi người đều hài lòng với một Joe Biden "ảo" trong phòng họp, và Tổng thống Mỹ dường như chìm trong tình cảm "sum vầy". Cả hai hội nghị trực tuyến nói trên đã diễn ra thành công, cả về mặt công nghệ và sự kiện.
 

Tổng thống Mỹ Joe Biden vốn hiểu rất rõ về Hội nghị An ninh Munich ngoại tuyến. Trong nhiều năm dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông từng chạy trốn những hành lang chật chội và đông đúc của địa điểm tổ chức hội nghị, khách sạn Bayerischer Hof xây dựng từ thế kỷ XIX, và chắc chắn đã tận dụng các phòng họp cực lớn ở nơi đây để phục vụ hoạt động ngoại giao của Mỹ. 
 

Nếu so sánh với MSC ngoại tuyến thì sự kiện "ảo" năm nay có vẻ buồn tẻ. Tuy vậy không khí đó chắc chắn không xuất hiện trong phần phát biểu của Tổng thống Joe Biden, một bài phát biểu thẳng thắn, đòi hỏi và cũng xứng đáng nhận được chú ý. Và cốt lõi, thông điệp của ông rất đơn giản: "Tôi không phải là Donald Trump!".



Nguồn: cand.com.vn