Hơn một năm từ thời điểm những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận lần lượt tại các nước, đại dịch COVID-19 đến nay liên tiếp tạo ra những cột mốc đáng sợ mới với nhân loại.
Theo số liệu của Worldometers tính đến 20h ngày 28/1 (giờ Hà Nội), dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,185 triệu người trên toàn thế giới, trong tổng số 101,5 triệu ca nhiễm được ghi nhận.
Số liệu cũng chỉ ra, khoảng 73,4 triệu người nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh, nhưng gần 26 triệu người khác vẫn đang vật lộn với virus, tạo ra áp lực chưa từng có cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều quốc gia. Thế giới hiện cũng đối mặt với sự lây lan của những chủng mới của virus SARS-CoV-2, được đánh giá là có tốc độ lây lan nhanh hơn, hoặc thậm chí có khả năng làm suy yếu hiệu quả miễn dịch của vaccine.
Trong báo cáo thường kỳ phát đi ngày 27/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo, biến chủng dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2, được định danh là VOC 202012/01 hoặc B.1.1.7, được phát hiện lần đầu tiên ở Anh hồi tháng 10/2020, hiện đã lây lan ra 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng thêm 10 quốc gia so sau một tuần.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước cảnh báo, các nghiên cứu của chuyên gia nước này mới đây đã chỉ ra rằng chủng virus mới này có thể gây chết người nhiều hơn, nhưng WHO đã trấn an rằng, “kết quả đó là sơ bộ và cần có thêm phân tích để chứng thực thêm những phát hiện của Anh”.
|
Người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới được đề nghị tránh đi lại nhằm ngăn đà lây lan của COVID-19. Ảnh: Getty Images. |
Cũng theo WHO, biến chủng 501Y.V2, xuất hiện lần đầu tiên ở Nam Phi cuối năm ngoái, đã được ghi nhận ở 31 quốc gia. Một biến chủng khác được tìm thấy lần đầu ở Brazil, cũng được xác nhận đã lây lan ra ít nhất 8 nước.
Đáng chú ý, giới chuyên gia cảnh báo biến chủng 501Y.V2 có khả năng lây nhiễm với cả những người từng nhiễm các chủng virus SARS-CoV-2 được phát hiện trước đó, dấy lên lo ngại hiệu quả của vaccine, vốn được phát triển dựa trên các chủng virus cũ.
Chuyên gia vi sinh vật học Marc Hamilton đánh giá, để bào chế lại một loại vaccine ngừa chủng mới của SARS-CoV-2, các nhà khoa học sẽ chỉ mất khoảng 6 tuần, song quá trình phê duyệt rồi đưa nó vào sản xuất đại trà và phân phối lại mất nhiều tháng, quãng thời gian đáng kể có thể khiến tình hình vượt tầm kiểm soát.
Để đối phó với các biến chủng virus mới đáng lo ngại, song song với nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phân phối và tiêm vaccine, các quốc gia đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế mới khắt khe hơn nhằm kiểm soát tình hình. Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 26/1 đã khẩn thiết đề nghị khối áp đặt áp đặt thêm các hạn chế đi lại nhưng vẫn bảo đảm hàng hóa và người lao động qua lại biên giới Liên minh châu Âu (EU).
Đối với hành khách đến từ các nước ngoài khối, EC khuyến nghị áp dụng các biện pháp chặt chẽ và thống nhất toàn khối như xét nghiệm sàng lọc bắt buộc kết hợp với yêu cầu tự cách ly hoặc thậm chí cách ly bắt buộc.
Ở cấp độ quốc gia, Bỉ từ ngày 27/1 thậm chí đóng cửa các biên giới trên không, trên bộ và trên biển đến ngày 1/3. Hành khách không thể đi và đến Bỉ trừ một số trường hợp, bao gồm kinh doanh, ngoại giao, nhân đạo, học tập... Tây Ban Nha, quốc gia từng là điểm nóng dịch bệnh toàn cầu hồi năm ngoái, bắt buộc người đến từ 65 quốc gia có nguy cơ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính dưới 72 giờ khi nhập cảnh. Biện pháp này được áp dụng tại mọi sân bay và bến cảng.
Quốc gia láng giềng Bồ Đào Nha cũng lệnh đóng cửa các trường học trong 15 ngày kể từ ngày 22-1, vài ngày sau khi giới chức nước này ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Tại Hà Lan, tuần qua đánh dấu lần đầu tiên nước này áp đặt lệnh giới nghiêm suốt đêm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Những quy định khắt khe khiến nhiều thành phố của Hà Lan rơi vào cảnh bạo loạn, khi đám đông biểu tình đập phá, xông vào các tòa nhà để phản đối, buộc cảnh sát phải dùng vòi rồng, hơi cay để trấn áp và bắt hàng trăm người. Theo TheWeek, các sĩ quan cảnh sát thậm chí mô tả loạt vụ bạo động là thứ tồi tệ nhất họ từng trải qua trong suốt 40 năm.
Cùng thời điểm, Ireland đã quyết định kéo dài thời gian phong tỏa lần thứ ba cho đến ngày 5-3. Lần đầu tiên nước này áp dụng biện pháp cách ly. Hôm 26-1, Thủ tướng Micheal Martin kêu gọi: “Hãy ở nhà, đừng đi đâu cả!”.
Bên kia Đại Tây Dương, Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, nơi ghi nhận hơn 26 triệu ca bệnh và hơn 440.000 ca tử vong, chính quyền mới nhậm chức của tân Tổng thống Joe Biden cũng ban bố các quy định phòng dịch nghiêm ngặt mới.
Theo ông Tom Frieden, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, sự xuất hiện của biến chủng mới với khả năng lây lan mạnh đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn về nâng cấp biện pháp phòng ngừa, mà một việc làm cụ thể là yêu cầu người dân đeo khẩu trang chất lượng cao, thay vì chỉ có các quy định về địa điểm bắt buộc đeo khẩu trang.
Một số người đề nghị đeo hai khẩu trang để tăng cường hiệu quả phòng ngừa. Tiến sĩ Anthony S. Fauci, người đứng đầu Nhóm đặc trách chống COVID-19 tại Nhà Trắng, đánh giá cao việc đeo hai lớp khẩu trang bởi cho rằng nó rõ ràng mang lại hiệu quả cao hơn việc đeo một lớp.
Trong khi đó, từ WHO, các chuyên gia của cơ quan này gần đây tiếp tục cảnh báo các nước không được chủ quan vì việc cấp phép và xây dựng mạng lưới phân phối vaccine chỉ là bước đầu trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch. Các chuyên gia của WHO đề nghị người dân các nước tiếp tục tuân thủ giãn cách xã hội và các biện pháp phòng dịch vì đó là cách tốt nhất tự bảo vệ mình.
Theo: cand.com.vn