Tái khẳng định tăng cường quan hệ
Ngày 24/1, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có 2 cuộc điện đàm riêng biệt với 2 người đồng cấp Hàn Quốc Suh Wook và người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, trong cuộc điện đàm diễn ra theo yêu cầu từ phía Washington, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ và Hàn Quốc tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh và nhất trí hợp tác chặt chẽ để phát triển mối quan hệ này; nhất trí rằng quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington quan trọng hơn bao giờ hết, đồng thời cam kết hợp tác nhằm cải thiện quan hệ cũng như giao tiếp cởi mở về những vấn đề có liên quan.
Hai bên cũng nhất trí sẽ gặp nhau trực tiếp trong tương lai gần để tổ chức các cuộc hội đàm sâu sắc hơn về các vấn đề chưa được giải quyết. Còn trong cuộc điện đàm còn lại, Mỹ và Nhật Bản nhất trí tăng cường quan hệ liên minh giữa hai nước.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hai Bộ trưởng đã nhất trí về tầm quan trọng của liên minh giữa hai nước trong khu vực và sự cần thiết hợp tác với nhiều đối tác khác, trong đó có cả các đối tác ngoài khu vực nhằm duy trì và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở.
Hai Bộ trưởng cũng đồng ý hành động hướng tới mục tiêu buộc Triều Tiên phải tự từ bỏ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo “một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Trong cuộc điện đàm, hai Bộ trưởng cũng thảo luận đến các vấn đề khác, trong đó có thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự giữa hai nước và mối đe dọa an ninh ngày càng tăng trong khu vực.
Trước đó 1 ngày, tân Tổng thống Joe Biden cam kết tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và Anh, cũng như với các đồng minh NATO. Cam kết trên được tân chủ nhân Nhà Trắng đưa ra trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Anh Boris Johnson sau lễ tuyên thệ nhậm chức.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm, Tổng thống Joe Biden đã thể hiện mong muốn tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa Washington và London cũng như phục hồi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của NATO đối với hoạt động phòng thủ chung và các giá trị chung của Mỹ.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã thể hiện mong muốn hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng Johnson trong bối cảnh Anh sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Cornwall và Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) trong năm nay.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về sự cần thiết của việc phối hợp trong các ưu tiên chính sách đối ngoại chung, bao gồm vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Iran và Nga.
Về phần mình, Thủ tướng Boris Johnson cho biết ông mong đợi được hợp tác với tân Tổng thống Mỹ để đạt được những mục tiêu chung, trong đó có nỗ lực khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu. Ông cũng nhiệt liệt hoan nghênh quyết định của Tổng thống Biden về việc đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của ông với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ sau khi ông lên nắm quyền. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý sẽ gặp nhau vào tháng tới khi Washington và Ottawa tìm cách thiết lập lại quan hệ sau bốn năm căng thẳng.
Từ trước đến nay, Canada luôn là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các tổng thống mới của Mỹ. Trước khi lên nắm quyền, ông Joe Biden đã nhiều lần khẳng định sẽ đưa Mỹ quay trở lại chủ nghĩa đa phương, cũng như tăng cường mối quan hệ với các đồng minh.
Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, tân Tổng thống Xứ cờ hoa đã ký các sắc lệnh hành pháp đảo ngược một loạt chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump.
Tân Tổng thống Mỹ đã lựa chọn lãnh đạo hai quốc gia láng giềng Canada và Mexico cho những cuộc điện đàm đầu tiên. Ảnh: Reuters. |
Công cụ ngoại giao
Trong những ngày đầu tại Nhà Trắng, tân Tổng thống Joe Biden đã phát huy triệt để công cụ ngoại giao điện đàm. Trong ngày 22/1, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Justin Trudeau, Tổng thống Joe Biden cũng điện đàm với người đồng cấp Mexico Andrés Manuel López Obrador.
Tổng thống Mexico sau đó cho biết ông đã có cuộc đối thoại “thân thiện và tôn trọng” với người đồng cấp Mỹ. Theo đó, hai nhà lãnh đạo này đã bàn luận về tình trạng nhập cư và dịch COVID-19 cùng nhiều vấn đề khác.
Trên thực tế, các thành viên chính quyền Tổng thống Joe Biden không kỳ vọng ông công du nước ngoài trong thời gian tới bởi dịch COVID-19. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Joe Biden mong muốn công du nước ngoài, nhưng theo bà sẽ cần thêm thời gian.
Bà Jen Psaki nói: “Ở thời điểm này tôi chưa thể cập nhật được chuyến công du sẽ diễn ra vào lúc nào”. Như vậy, ở giai đoạn này, các cuộc điện đàm vẫn là công cụ ngoại giao mà Tổng thống Biden ưu tiên.
Bà Psaki cho biết ông Biden sẽ điện đàm với các lãnh đạo châu Âu từ tuần tới. Trong năm 2021 này, Tổng thống Joe Biden có thể dự nhiều hội nghị thượng đỉnh ở nước ngoài. Vào tháng 6 là Hội nghị Thượng đỉnh G7 rồi đến mùa Thu là Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), dự kiến được tổ chức tại Rome (Italy).
Bước vào Nhà Trắng, với thâm niên trong chính trường, ông Joe Biden hiểu rõ cần phải hành xử như thế nào trong các hội thảo quốc tế, họp song phương và điện đàm. Ông hướng tới mục tiêu đưa Mỹ đóng vai trọng tài trật tự quốc tế và trong phát biểu tại lễ tuyên thệ 20/1, nhà lãnh đạo này đề cập đến “một lần nữa cam kết với thế giới”.
Tân Tổng thống Mỹ dường như đề cao mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo nước ngoài hơn là việc hiểu về họ qua ghi chép, đánh giá. Trong cuộc vận động tranh cử năm 2020, ông từng chia sẻ: “Tôi đã gặp nhiều lãnh đạo cấp cao trong 35 năm qua bởi đó là bản chất công việc của tôi”. “Bạn nên hiểu tâm hồn của nữ hoặc nam chính khách đó, hiểu họ là ai và đảm bảo rằng họ biết về bạn”, ông Joe Biden bổ sung.
Bản thân ông Joe Biden từng gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần. Ông cũng từng đồng hành cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong quãng đường hơn 16.000km, cùng dùng bữa tại Trung Quốc và cả Mỹ.
Nguồn: cand.com.vn