CÔNG AN BẠC LIÊU
Qatar cùng 6 quốc gia láng giềng ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ
Cập nhật ngày: 13-01-2021, lượt xem: 45
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 41 của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) hồi tuần trước đã trở thành "sự kiện của hòa giải" khi chứng kiến Qatar và 6 quốc gia láng giềng ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.

Trước đó chỉ một ngày, Saudi Arabia đã đóng vai trò nước tiên phong khi thông báo mở cửa tất cả biên giới với Qatar, chính thức khép lại cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ kéo dài suốt 3 năm rưỡi qua tại khu vực. Sự ấm lên của quan hệ giữa Saudi Arabia và Qatar được coi là sự thay đổi chính sách lớn của khối Arab do Saudi Arabia lãnh đạo.
 

Đánh giá về thỏa thuận đạt được giữa Qatar và 6 quốc gia láng giềng vùng Vịnh, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud đã gọi đây là thỏa thuận của sự đoàn kết và ổn định. "Với nỗ lực chung của các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và các nhà lãnh đạo Ai Cập, mọi khác biệt đã được giải quyết và các mối quan hệ ngoại giao sẽ được khôi phục hoàn toàn. Tất cả những điều này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa các nước liên quan và cũng là một nhân tố quan trọng, đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực", ông nói.

Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 41 các nước GCC họp tại thành phố Al-Ula, Saudi Arabia.

Đánh giá về tác động của thỏa thuận, chuyên gia thị trường chứng khoán Qatar Ameed Kan'aan nhận định: "Không chỉ về ngoại giao, các lĩnh vực ngân hàng, vận tải, hậu cần và thương mại thực phẩm đều sẽ hoạt động bình thường trở lại. Toàn bộ hệ thống kinh tế sẽ quay trở lại và đó là lý do tại sao tất cả đều chung tâm lý lạc quan. Một nền kinh tế vùng Vịnh thống nhất là vì lợi ích của thị trường tiền tệ, của các công ty thương mại cũng như các cá nhân trong việc di chuyển và giao dịch".
 

Trước đó cùng ngày, trong một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cao được truyền thông Saudi Arabia phát đi, Thái tử Mohammed Bin Salman đã dành cho Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani cái ôm nồng ấm tại lễ đón diễn ra ở sân bay quốc tế ở Thủ đô Riyadh.
 

Sự chào đón nồng nhiệt báo hiệu việc chấm dứt xung khắc kéo dài giữa Qatar và Saudi Arabia, trong một động thái được các nhà phân tích coi là chủ yếu nhằm tạo ra một khối khu vực để chống lại đối thủ "không đội trời chung" Iran. Mutahar Al-Sofari - một nhà phân tích chính trị Yemen - đánh giá, thỏa thuận hòa giải có thể được mô tả như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.
 

Theo giới chuyên gia, khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Qatar là một trong những nỗ lực mới nhất của Mỹ. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã hoan nghênh việc mở lại biên giới giữa Qatar và Saudi Arabia - sự kiện diễn ra ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.
 

Có lo ngại rằng mối quan hệ thân thiết của Qatar với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã làm suy yếu an ninh khu vực. Ai Cập và UAE coi sự ủng hộ của Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo là mối đe dọa an ninh và coi nhóm này là một tổ chức khủng bố. Saudi Arabia và Bahrain chủ yếu lo ngại về mối quan hệ chặt chẽ của Qatar với kẻ thù trong khu vực là Iran.
 

Có nhiều động cơ cho sự hòa giải giữa Saudi Arabia và Qatar, bao gồm nỗ lực không ngừng của người Kuwait để giải quyết cuộc khủng hoảng, thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng mà không đạt được bất kỳ thay đổi nào trong quan điểm của Qatar, cũng như áp lực của Mỹ, đặc biệt là từ Tổng thống Donald Trump. Việc giảm leo thang là "bước đầu tiên" để bình thường hóa quan hệ với Israel. Nhà phân tích chính trị Qatar Jaber Al-Harami cho biết, những thách thức và rủi ro lớn ảnh hưởng đến khu vực đã thúc đẩy các bước thiết thực hướng tới hòa giải vùng Vịnh.
 

Trong khi quyết định của Saudi Arabia chấm dứt lệnh cấm vận đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề vùng Vịnh, con đường hướng tới hòa giải hoàn toàn vẫn chưa hề sáng lạn. Rạn nứt giữa UAE và Qatar đã trở nên sâu sắc nhất, trong đó UAE và Qatar có bất đồng tư tưởng gay gắt. Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đã viết trên Tweeter rằng, đất nước của ông rất muốn khôi phục sự thống nhất vùng Vịnh, tuy nhiên, cảnh báo, "chúng tôi còn nhiều việc phải làm và chúng tôi đang đi đúng hướng"…
 

Bên cạnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh GCC cũng chứng kiến một số mâu thuẫn giữa Qatar và UAE, Ai Cập và Bahrain. Các quốc gia phong tỏa đã đưa ra một danh sách các yêu cầu đối với Qatar, bao gồm việc đóng cửa mạng tin tức hàng đầu Al-Jazeera và chấm dứt sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar, nơi cũng có căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Qatar đã bác bỏ hoàn toàn các yêu cầu và bác bỏ rằng sự ủng hộ của họ đối với các nhóm Hồi giáo thể hiện sự ủng hộ đối với những kẻ cực đoan bạo lực. Các phương tiện truyền thông liên kết với nhà nước ở UAE và Qatar đã tung ra các cuộc tấn công qua lại đầy ác ý.
 

Qatar cũng ám chỉ UAE đứng sau vụ hack hãng thông tấn nhà nước của họ vào năm 2017, trong khi Đại sứ có ảnh hưởng của UAE tại Washington đã nhìn thấy email của mình sau đó bị tấn công và nội dung bị rò rỉ.
 

Trong một dấu hiệu cho thấy các hành động thù địch tiếp tục âm ỉ, Qatar đã phản đối trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng trước rằng, các máy bay chiến đấu của Bahrain đã "vi phạm" không phận Qatar vào đầu tháng 12. Bahrain, trong khi đó, đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Qatar tự ý bắt giữ hàng chục tàu cá Bahrain.
 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Hafez cho biết, Cairo ủng hộ các nỗ lực đạt được một giải pháp tôn trọng "không can thiệp vào các vấn đề nội bộ" trong một động thái rõ ràng liên quan đến việc Qatar ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo. Xung đột ở Libya cũng là một vấn đề gây tranh cãi, với việc Ai Cập và UAE hỗ trợ lực lượng dân quân chống lại một khối có trụ sở tại Tripoli do Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hậu thuẫn…


Nguồn cand.com.vn

Các tin khác