Thông tin được đưa ra trong bối cảnh toàn khu vực đã ghi nhận hơn 16,2 triệu ca nhiễm COVID-19, trong khi số ca tử vong được ghi nhận đã vượt qua 400.000, theo số liệu của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC) đến tối 28/12. Trên phạm vi toàn thế giới, gần 81 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Khu vực với 450 triệu dân này đang cố gắng bắt kịp với Mỹ và Anh trong cuộc đua vaccine. Hai nước Mỹ và Anh đã bắt đầu chương trình tiêm chủng loại vaccine do Pfizer sản xuất. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ nhận được 12,5 triệu liều vaccine vào cuối năm nay, đủ để tiêm chủng cho 6,25 triệu người theo phác đồ 2 liều. Bên cạnh Pfizer, EU đã ký hợp đồng với một loạt nhà sản xuất dược phẩm lớn, bao gồm Moderna và AstraZeneca. Những hợp đồng này dự kiến sẽ đem lại tổng cộng hơn 2 tỷ liều vaccine COVID-19, trong khi EU đặt mục tiêu tất cả người trưởng thành được tiêm chủng vaccine trong năm 2021.
|
Châu Âu khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa AP |
Mặc dù một số nước châu Âu có hệ thống chăm sóc sức khỏe với nguồn lực tốt nhất trên thế giới, quy mô của nỗ lực tiêm chủng hàng loạt này khiến một số quốc gia phải nhờ đến sự giúp đỡ của các bác sĩ đã nghỉ hưu trong khi một số quốc gia đã nới lỏng các quy định về những người được phép tiêm. Ngoài các bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe, các trung tâm thể thao và hội nghị vốn đang bỏ trống do hạn chế đóng cửa sẽ trở thành địa điểm cho việc tiêm chủng hàng loạt.
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc tiêm vaccine COVID-19 tại châu Âu, một số cuộc khảo sát cho thấy ở nhiều nước, như Pháp hay Ba Lan, còn có sự do dự đáng kể đối với vaccine. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo của Liên minh gồm 27 quốc gia đều khuyến khích rằng đây là cơ hội tốt nhất người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường vào năm tới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định, vaccine chính là “một vũ khí mới chống lại virus”, đồng thời kêu gọi toàn thể người dân “thêm một lần nữa giữ vững lập trường”.
Tổng thống Pháp là một trong số nhiều nguyên thủ bị nhiễm COVID-19. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhận định rằng, “đại dịch sẽ không biến mất trong một sớm một chiều, tuy nhiên, vaccine là khởi đầu cho chiến thắng trước đại dịch”, đồng thời nhấn mạnh, “vaccine là yếu tố thay đổi cục diện”. Ngày 27/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ sớm có đủ liều vaccine phòng COVID-19 cho tất cả mọi người. Trên trang Twitter của mình, bà Ursulavon der Leyen bày tỏ sự xúc động khi thấy mọi người sử dụng vaccine này trên toàn EU, từ Madrid, Paris, Athens đến Riga.
Dù vậy, một vấn đề lớn đối với châu Âu trong cuộc đua vaccine chính là phân phối. Vaccine do BioNtech sản xuất sử dụng công nghệ mRNA mới và phải được bảo quản ở nhiệt độ khoảng âm 70 độ C. Tại một số thành phố lớn của Đức, chiến dịch tiêm chủng đã không thể tiến hành theo đúng tiến độ sau khi một thiết bị theo dõi nhiệt độ cho thấy khoảng 1.000 liều có thể đã không được bảo quản trong điều kiện đủ lạnh trong quá trình vận chuyển.
Liên quan đến vấn đề này, hãng dược phẩm BioNtech cho biết họ chịu trách nhiệm về việc vận chuyển vaccine đến 25 trung tâm phân phối của Đức, trong khi chính quyền các bang và địa phương chịu trách nhiệm về việc vận chuyển đến các trung tâm tiêm chủng và các đội tiêm chủng lưu động. Phát ngôn viên của BioNtech cho biết đây là “khâu xảy ra sự thay đổi nhiệt độ”, công ty đang liên hệ với các cơ quan chức năng để đưa ra lời khuyên, tuy nhiên “việc tiến hành như thế nào là tùy thuộc vào họ”.
Những lô vaccine của Pfizer đang được sử dụng ở châu Âu được vận chuyển từ nhà máy của hãng ở Puurs, Bỉ, trong các thùng chứa được thiết kế đặc biệt chứa đầy đá khô. Những liều vaccine có thể được bảo quản đến 6 tháng ở nhiệt độ mùa đông Nam Cực, hoặc trong 5 ngày ở 2 đến 8 độ C, điều kiện mà tủ lạnh thường ở bệnh viện cũng có thể đáp ứng. Tại Italy, các gian hàng chăm sóc sức khỏe sử dụng năng lượng mặt trời được thiết kế giống như những bông hoa anh thảo 5 cánh - biểu tượng của mùa xuân - đã được dựng lên ở các quảng trường thành phố khi đợt tiêm chủng bắt đầu. Bồ Đào Nha đã và đang thiết lập các kho lạnh riêng biệt cho các quần đảo Madeira và Azores trên Đại Tây Dương để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng này.
Chiến dịch tiêm chủng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh lo ngại về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra bệnh COVID-19, có liên quan đến sự gia tăng nhanh chóng các ca bệnh ở Anh và Nam Phi. Các trường hợp nhiễm biến thể của virus tại Anh đã được phát hiện ở Australia, Hồng Kông, gần đây là ở Thụy Điển, Pháp, Na Uy và đảo Madeira của Bồ Đào Nha hay Hàn Quốc. Cho đến nay, các nhà khoa học cho biết không có bằng chứng nào cho thấy các loại vaccine đang được phát triển sẽ kém hiệu quả hơn đối với các biến thể mới.
Nguồn cand.com.vn