|
Binh sĩ Azerbaijan trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: ITN
|
Trong thông báo phát đi ngày 3/12, Bộ Quốc phòng Azerbaijan xác nhận, 2.783 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh. Cơ quan này nói thêm 100 binh sĩ khác vẫn mất tích sau xung đột quân sự đẫm máu với Armenia.
Đây là lần đầu tiên Azerbaijan công bố số liệu thương vong trong lực lượng vũ trang trong cuộc chiến kéo dài 6 tuần. Phía Armenia trước đó xác nhận 2.425 binh sĩ nước này thiệt mạng trong giao tranh.
Số liệu của hai bên được cho là khá xác thực. Nga, quốc gia theo dõi sát sao cuộc chiến và có ảnh hưởng lớn ở khu vực, trước đó tuyên bố xung đột ở Nagorno-Karabakh làm chết gần 5.000 người ở cả hai phía, gồm 93 người phía Azerbaijan và 50 người phía Armenia.
Chiến sự ở Nagorno-Karabakh, vùng đất được quốc tế công nhận thuộc chủ quyền của Azerbaijan nhưng có dân số chủ yếu là người Armenia và do lực lượng thân Armenia kiểm soát nhiều năm qua, nổ ra hôm 27/9.
Sau sự sụp đổ của hai lệnh ngừng bắn, ngày 9/11, dưới đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ký thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng, trong đó Armenia chấp nhận trao trả phần lãnh thổ mà Azerbaijan chiếm được trên thực địa, song bảo lưu quyền kiểm soát phần lớn Nagorno-Karabakh.
Hôm 1/12, Armenia đã bàn giao quận Lachin ở vùng Nagonro-Karabakh cho Azerbaijan. Đây là quận thứ ba, cũng là vùng đất cuối cùng mà Armenia có nghĩa vụ trao trả cho Azerbaijan theo thỏa thuận ngày 9/11. Hai quận còn lại có tên Agdam và Kalbajar đã được Yerevan bàn giao từ tháng trước trong hòa bình.
Vẫn theo thỏa thuận đình chiến, Nga đã triển khai khoảng 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình dọc Hành lang Lachin, tuyến đường 60 km nối thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh, hiện vẫn do lực lượng thân Armenia kiểm soát, tới lãnh thổ Armenia. Mọi hoạt động tiếp quản của Azerbaijan ở khu vực đều nằm dưới sự giám sát của binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga.
Dù thiệt hại nặng hơn về nhân lực, song cuộc chiến vẫn được cho là có phần thắng thuộc về Azerbaijan. Ở chiều ngược lại, chính phủ của Thủ tướng Pashynian đối mặt sự phản đối gay gắt của hàng ngàn người dân vì đã kí vào thoả thuận mà họ cho là bất lợi cho Armenia.
Nguồn: cand.com.vn