Nước Anh chính thức bước vào đợt phong tỏa lần thứ hai vì COVID-19. Ảnh: DL |
Mặc dù vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều nghị sĩ Anh, song kế hoạch tái phong tỏa kéo dài 4 tuần của Thủ tướng Boris Johnson vẫn được quốc hội nước này thông qua trong cuộc bỏ phiếu diễn ra tối 4/11 (giờ địa phương).
Động thái phong tỏa được chính phủ Anh đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 492 người Anh chỉ trong 24 giờ qua, tăng 24% so với ngày trước đó, còn số người nhập viện đã tăng lên tới hơn 12.000 người.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cảnh báo rằng trong khoảng hai tuần tới, số giường bệnh có thể sẽ chật kín, hơn cả mức đỉnh điểm của làn sóng COVID-19 đầu tiên, buộc chính sách phản ứng với đại dịch phải diễn ra trên quy mô toàn quốc, thay vì cấp khu vực như 2 tháng qua.
Lệnh phong tỏa lần hai được cho là "dễ thở" hơn lần thứ nhất, khi tất cả các cửa hàng và trung tâm không thiết yếu sẽ phải đóng cửa, trong khi các trung tâm trông trẻ vẫn được hoạt động; các hộ gia đình cũng được yêu cầu không thăm nom và ở trong nhà nhiều nhất có thể.
Bên cạnh đó, không giống như đợt phong tỏa đầu tiên, các trường học, bao gồm đại học vẫn sẽ mở cửa. Người dân được tập thể dục ngoài trời với các thành viên cùng hộ gia đình, hoặc một người từ hộ gia đình khác.
Các nhà khoa học tin rằng chỉ số R (chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng) tại Anh vẫn cao hơn 1 ở hầu hết các vùng trên cả nước, có nghĩa là mặc dù tỷ lệ lây nhiễm đang chậm lại ở nhiều nơi, nhưng vẫn chưa đủ để tránh đợt lây nhiễm thứ hai kéo dài và số ca tử vong có thể tăng cao.
Trước Anh, nhiều quốc gia châu Âu, trong đó quá Pháp và Đức, đã tiến hành phong tỏa diện rộng và phong tỏa từng phần đất nước để kiểm soát COVID-19.
Song, việc phong tỏa cũng vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ với lo ngại kinh tế sẽ chìm trong khủng hoảng nếu phong tỏa kéo dài. Riêng tại Anh, theo công ty cung cấp dữ liệu tài chính IHS Markit, kinh tế đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái kép trong mùa Đông năm nay.
Nguồn cand.com.vn