Đại sứ Trung Quốc tại Canada, Tùng Bồi Vũ, ngày 15/10 đã có những tuyên bố gây tranh cãi, thậm chí bị coi là một lời đe dọa đầy ẩn ý với những người Canada ở Hong Kong. Đại sứ Trung Quốc cáo buộc hành động cấp quy chế tị nạn cho một số người biểu tình ở Hong Kong của Canada là ủng hộ “những tội phạm bạo lực”.
Đại sứ này còn cho rằng nếu Canada thực sự “quan tâm đến sự ổn định và thịnh vượng của Hong Kong, cũng như sức khỏe và sự an toàn của 300.000 người mang hộ chiếu Canada và nhiều công ty Canada đang hoạt động tại Hong Kong” thì nước này nên “ủng hộ những nỗ lực chống tội phạm bạo lực”. Khi được yêu cầu làm rõ về tuyên bố này, ông Tùng nói: “Quý vị hãy tự suy ra”.
Tờ SCMP nhận định, phát biểu trên là ví dụ điển hình cho phong cách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc. Đây là thuật ngữ ý nhắc đến việc Bắc Kinh có những nhà ngoại giao được đào tạo bài bản, thận trọng, theo đuổi nhiệm vụ của họ một cách kiên quyết với tiếng nói ngày càng cứng rắn để bảo vệ lập trường của nước này, cũng như đáp trả bất kỳ lập luận nào chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc áp dụng phong cách ngoại giao này với Canada có thể gây ra “tác dụng phụ”.
|
Quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh thêm căng thẳng sau phát biểu gây tranh cãi của Đại sứ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Shutterstock
|
Sau những phát biểu của Đại sứ Trung Quốc, Canada đã đáp trả lại một cách công khai và cứng rắn. Thủ tướng Justin Trudeau cáo buộc Bắc Kinh dùng chiến lược “cưỡng ép ngoại giao” và khẳng định Ottawa sẽ bảo vệ những điều chính đáng. Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland hôm 19/10 cũng cho rằng phát ngôn của ông Tùng là “không phù hợp trong bất cứ quan hệ ngoại giao nào”.
Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne đã chỉ trích phát biểu của Đại sứ Trung Quốc là “đáng lo ngại và không thể chấp nhận”. Ông Champagne sau đó cũng triệu tập Đại sứ Tùng để “làm rõ rằng Canada sẽ luôn bảo vệ quyền con người và quyền của người dân Canada trên toàn thế giới”. Tờ Toronto Sun cũng đăng tải bài viết, trong đó kêu gọi vị Đại sứ này “xin lỗi hoặc rời khỏi Canada”.
Charles Burton, cựu cố vấn tại Đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh và là thành viên cấp cao tại Viện Macdonald-Laurier, cho biết nhận xét của ông Tùng cho thấy Trung Quốc muốn “đe dọa” Canada vì đã cấp phép cho người biểu tình Hong Kong tị nạn. Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, phản ứng của Canada trong trường hợp này được coi là còn khá nhẹ tay.
“Đại sứ của bất kỳ nước nào, nếu có tuyên bố ám chỉ đe dọa đối với công dân Canada, sẽ bị loại bỏ tư cách trong vòng 48 tiếng”, ông Burton cho biết. Cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, David Mulroney, nhận định rằng có những dấu hiệu cho thấy Ottawa đang ngày càng trở nên kiên quyết hơn trong lập trường với Trung Quốc.
Ông Mulroney cho rằng phát biểu của ông Tùng là hành động “thách thức công khai” với Canada. Cựu Đại sứ cũng cho biết, phát biểu của ông Tùng “là lời nhắc nhở rằng những người dân Canada sinh sống tại Hong Kong đang bị đe dọa bởi chính sách ngoại giao con tin của Trung Quốc, giống như những người Canada tại Bắc Kinh, Thượng Hải hay bất kỳ đâu”, theo SCMP.
Trung Quốc sau đó lên tiếng cho hay, phát biểu của ông Tùng đã bị hiểu sai ý, nhưng Bắc Kinh vẫn đưa ra thông điệp tương tự khi “phản đối việc Canada mở quy tắc tị nạn chính trị cho những tội phạm bạo lực ở Hong Kong” cũng như yêu cầu “Canada dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Giới quan sát cho rằng các bình luận của Đại sứ Tùng khiến quan điểm của dư luận Canada và Trung Quốc thêm tiêu cực. Vào cuối tháng 7, một cuộc thăm dò của Research Co cho thấy, chỉ có 21% người Canada có quan điểm tích cực về Trung Quốc. Con số này đã giảm 6% so với tháng 1.
Canada và Trung Quốc mới đây vừa kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ngoại giao. Tuy vậy, mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, đặc biệt từ sau vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, Mạnh Vãn Chu, theo yêu cầu của Mỹ. Sau đó, Bắc Kinh bắt hai công dân Canada, Michael Spavor và Michal Kovrig, những người bị Trung Quốc coi là gián điệp nhưng Canada lại cho là con tin, một động thái được cho là nhằm trả đũa cho việc lãnh đạo Huawei bị bắt.
Ngoài ra, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng tham vọng phát triển mạng 5G của Huawei tại Canada là âm mưu gián điệp. Với tình hình hiện tại, chính phủ Canada được cho là có thể sẽ thêm cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian tới, thay vì ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong những phát biểu có hơi hướng “ngoại giao chiến lang”.
Nguồn: cand.com.vn