Thông tấn Nga TASS chiều 15/10 (giờ Hà Nội) cho biết, khối EU đã vừa chính thức công bố gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 6 công dân Nga, là các lãnh đạo tại Bộ Quốc phòng Nga, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), quan chức Điện Kremlin và một số chính trị gia khác với cáo buộc rằng, những người này có liên quan hoặc biết thông tin về vụ việc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.
Khối EU cũng liệt Viện Nghiên cứu Công nghệ & Hóa học Hữu cơ của Nga vào “danh sách đen”, do cơ quan này được giới tình báo phương Tây cho là nơi phát triển, sản xuất Novichok.
Theo thông lệ của châu Âu, các biện pháp hạn chế nhằm vào cá nhân và tổ chức Nga gồm lệnh cấm đi lại, đóng băng tài sản tại EU và có hiệu lực lập tức.
Bước đi của EU được thực hiện 10 ngày sau khi Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) ra tuyên bố xác nhận kết luận của Đức, Pháp và Thụy Điển về việc có dấu hiệu của chất độc Novichok trong mẫu xét nghiệm của Navalny.
Hôm 12/10, ngoại trưởng các nước EU nhóm họp và nhất trí với các nội dung do Pháp và Đức đề xuất tuần trước, rằng, Nga phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Hai ngày sau, đại sứ các nước EU chính thức thông qua danh sách và biện pháp trừng phạt.
Theo New York Times, Đức và Pháp thậm chí đã tổng hợp một danh sách dài những cái tên Nga cùng 500 trang tài liệu về sự cố đã xảy ra với Navalny để gửi cho các nước thành viên EU. Các nước lớn ở châu Âu đã nhiều lần đòi hỏi Moscow phải làm rõ về vụ việc. Trong tuyên bố tuần trước, Đức và Pháp nói rằng, Điện Kremlin đã “không thể đưa ra một sự giải thích đáng tin cậy”.
|
Ông Alexei Navalny. Ảnh: PPG
|
Theo Wall Street Journal, các quan chức châu Âu bày tỏ hi vọng những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga không dấy lên một chu kì căng thẳng mới. Tuy nhiên, Điện Kremlin chiều 15/10 ra tuyên bố phản đối bước đi của EU, khẳng định “những hành động thiếu thân thiện có chủ ý” này sẽ kéo theo hậu quả.
Trong cuộc phỏng vấn với báo giới Nga ngày 14/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, tất cả biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga sẽ bị đáp trả đầy đủ. “Chúng tôi sẽ trả lời một cách tương xứng. Đó là thông lệ ngoại giao”, ông Lavrov nói.
Trước đó, ông Lavrov cho hay, Nga cũng có thể dừng đối thoại với EU nếu các lệnh trừng phạt được ban bố. “Những người phụ trách đối ngoại ở phương Tây dường như không hề hiểu gì về sự cần thiết của việc tôn trọng lẫn nhau trong đối thoại”, Ngoại trưởng Nga chỉ trích.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng thông tin, Đức đến nay chưa công khai bất cứ bằng chứng thực tế nào xung quanh nghi án Nga có liên quan đến vụ việc của Navalny, bất chấp các nghĩa vụ quốc tế mà Berlin phải thực thi. Nga đã nhiều lần đề nghị phía Đức hợp tác giải quyết vụ việc, nhưng không nhận được phản hồi.
Cách đây một tuần, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 8/10 thì chỉ trích rằng, các nước châu Âu đang lợi dụng vụ Navalny nghi bị đầu độc như cái cớ để ban bố các hành vi chống Nga.
Navalny, nhân vật đối lập tai tiếng người Nga, bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ thành phố Tomsk ở vùng Siberia đến thủ đô Moscow hôm 20/8. Máy bay sau đó hạ cánh khẩn ở thành phố Omsk và các bác sĩ Nga đã cứu Navalny qua cơn nguy kịch, trước khi Nga tạo điều kiện đưa ông ta sang Đức từ 22/8.
Tại Nga, các chuyên gia pháp y và bác sĩ đã kiểm tra kỹ lưỡng cơ thể Navalny nhưng không tìm thấy dấu vết của chất độc. Đầu tháng 9, Đức tuyên bố Navalny trúng độc Novichok và gửi mẫu xét nghiệm tới Pháp, Thụy Điển và OPCW để khẳng định. Đáng chú ý, OPCW tuy nói trong cơ thể Navalny có Novichok, nhưng không nêu rõ nguồn gốc.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/10 khẳng định hơn 140 công thức Novichok khác nhau đã được phát triển ở không dưới 20 quốc gia phương Tây. Tại Nga, Novichok bị tiêu hủy toàn bộ từ lâu nên kết luận của OPCW không thể chỉ ra rằng Nga có dính líu. Được biết, Nga hồi đầu tháng đã mời chuyên gia OPCW tới phối hợp làm rõ về sự cố với Navalny, song chưa rõ kết quả của quá trình này.
Theo Reuters, về phía Navalny, ông này đã hồi phục hoàn toàn và hiện đang sống ở Đức. Hôm 1/10, Navalny bất ngờ ra tuyên bố rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng sau nghi án ông ta trúng độc nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Đáp lại cáo buộc của Navalny, thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitri Peskov khẳng định, những phát ngôn như vậy chống lại Tổng thống Putin là “hoàn toàn vô căn cứ và không thể chấp nhận được”. Peskov cũng tiết lộ, Navalny đã làm việc với tình báo nước ngoài, gồm Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ.
Giới chuyên gia đánh giá, các lệnh trừng phạt mà EU mới ban hành nhằm vào các cá nhân, tổ chức Nga là khá nhẹ nhàng và ít có tác động thực tế. Một số chính trị gia châu Âu ban đầu đòi dừng thi công đường ống dẫn khí đốt khổng lồ “Dòng chảy phương Bắc 2”- Nord Stream 2 từ Nga tới châu Âu, nhưng chúng cuối cùng đã chưa được EU xem xét.
Dẫu vậy, bước đi lần này được dự báo chỉ là phần mở màn cho vòng xoáy căng thẳng mới, với các biện pháp trả đũa ngoại giao qua lại giữa Nga và Brussels, giống như những gì xảy ra khi châu Âu vội vã cáo buộc Nga đứng sau nghi án cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal trúng độc Novichok ở Anh năm 2018, vốn dẫn đến việc ít nhất 342 nhà ngoại giao của Nga và châu Âu bị trục xuất về nước.
Trong loạt phát ngôn hôm 14/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thừa nhận quan hệ Nga - châu Âu chưa hề đi đúng quỹ đạo. “Không có triển vọng nào cho việc các mối quan hệ (Nga-phương Tây) trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai gần. Nhưng đó chẳng phải lỗi của Nga”, ông Lavrov nêu rõ.
Nguồn: cand.com.vn