Anh và EU “miệt mài” đi tìm tiếng nói chung
Cập nhật ngày: 9-10-2020
 
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte ngày 8/10 lên tiếng thúc giục chính phủ Anh nỗ lực hoàn thiện thỏa thuận hậu Brexit, dù thừa nhận rằng “thật khó khăn để nhìn nhận lạc quan” về tiến trình này. Ông Conte không phải là người duy nhất nóng lòng hối thúc đảo quốc sương mù làm rõ quan điểm về Brexit, vào thời điểm Anh và Liên minh châu Âu (EU) vừa nối lại đàm phán thương mại một ngày trước đó.
 

“Rõ ràng rằng các động thái pháp lý ở Anh đang tạo ra căng thẳng”, Thủ tướng Italia nhận định, đề cập đến việc Thủ tướng Anh Boris Johnson đang không làm rõ quan điểm pháp lý liên quan đến các điều khoản thương mại sau khi Anh rời EU. “Nhưng, ngoài việc này, tôi tin rằng cuối cùng chúng ta sẽ có một thỏa thuận. Và tôi cũng tin rằng chính phủ Anh sẽ sẵn sàng đạt được một thỏa thuận đảm bảo có lợi cho cả hai bên”, Thủ tướng Italia nhấn mạnh.
 

Sau ba năm kể từ ngày bỏ phiếu rời mái nhà chung, nước Anh sẽ kết thúc gần năm thập kỷ hội nhập kinh tế và chính trị với EU vào ngày 31/12. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Johnson đã đề ra hạn chót để Anh và EU đạt được thỏa thuận thương mại Brexit là ngày 15/10, thời điểm EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, EU từ chối công nhận hạn chót này, cho rằng thỏa thuận sẽ không thể đạt được nếu Thủ tướng Johnson không giải thích cách Anh nhượng bộ trước những yêu cầu của EU về hạn ngạch đánh bắt cá, trợ cấp của nhà nước và cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp của hai bên.

 
Anh và EU tiếp tục tìm tiếng nói chung, khi chỉ còn một tuần nữa là đến hạn chót đàm phán. Ảnh: BBC

Bản thân Thủ tướng Conte cũng đang chịu áp lực từ các đơn vị xuất khẩu Italia về một kết quả Brexit thuận lợi, trong bối cảnh các doanh nghiệp châu Âu lo ngại rằng động thái của Thủ tướng Anh có thể gây nguy hại cho quan hệ thương mại với một trong những thị trường lớn nhất của Italia. Cũng trong ngày 8/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã lên tiếng hối thúc Thủ tướng Anh Boris Johnson làm rõ quan điểm của London trong các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit với EU.
 

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Michel cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ông Michel nêu rõ EU mong muốn một thỏa thuận nhưng không phải bằng mọi giá, nhấn mạnh đây là thời điểm Anh cần làm rõ lập trường đàm phán.
 

Về phần mình, Thủ tướng Johnson tuyên bố rằng Anh sẵn sàng cho trường hợp không đạt được thỏa thuận, nếu các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Johnson khẳng định cam kết nhằm đạt được thỏa thuận, song Anh cũng sẵn sàng chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp nếu đàm phán không đạt được kết quả.Ông Johnson cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hạn chót cho các cuộc đàm phán là ngày 15/10, cũng như việc đạt được thỏa thuận về đánh bắt cá.
 

Các tuyên bố của hai bên được đưa ra trong bối cảnh Anh và EU vừa nối lại các cuộc đàm phán về mối quan hệ hậu Brexit tại thủ đô London, Anh một ngày trước đó, với hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối tháng này. Các cuộc đàm phándự kiến kéo dài đến ngày 9/10, thời điểm diễn ra cuộc thảo luận giữa Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost.
 

EU mong muốn đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 10, song có ba vấn đề quan trọng mà hai bên chưa thể thu hẹp bất đồng kể từ khi đàm phán bắt đầu vào tháng 3 vừa qua, bao gồm các quy định hỗ trợ của nhà nước cho các công ty tư nhân, việc phân chia quyền đánh bắt cá và việc giảm sát thỏa thuận. Động thái này được thực hiện sau khi Anh và EU kết thúc vòng đàm phán thương mại thứ 9 và cũng là cuối cùng giữa hai bên hôm 2/10 vừa qua.
 

Vòng đàm phán thương mại này được đánh giá là một trong những vòng đàm phán tích cực nhất cho đến nay giữa hai bên.Thậm chí, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 3/10 đã chỉ thị cho các nhà đàm phán của hai bên nỗ lực “vượt qua những khác biệt” nhằm đảm bảo một thỏa thuận thương mại tự do. Song, mặc dù nỗ lực đàm phán trong suốt 4 ngày, lãnh đạo Anh và EU thừa nhận tiến trình đàm phán vẫn "chưa đạt đột phá" khi còn những bất đồng đáng kể trong vấn đề đánh bắt cá và chính sách trợ giá.
 

Trưởng đoàn đàm phán của EU và Anh cho rằng hai bên cần phải đạt được thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit trước hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến sẽ diễn ra vào 15/10 tới để có thể thông qua trước ngày 1/1/2021. Nhận định về tiến độ đàm phán hiện nay, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cảnh báo, quan điểm của Anh sẽ dẫn đến một cuộc thương lượng khó khăn và khó đạt được nhất trí về quyền đánh bắt cá.
 

Theo ông, đây là một rào cản lớn và Chính phủ Anh không nên đánh giá thấp quan điểm của các nước thành viên trong khu vực Đại Tây Dương. Giới chuyên gia kinh tế nhận định nếu không đạt được thỏa thuận, gần 1.000 tỷ USD thương mại giữa London và Brussels có thể đổ “xuống sông xuống biển”. Hoạt động thương mại giữa Anh và EU khi đó sẽ được áp dụng theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp hai bên sẽ chịu thuế quan và hạn ngạch cao hơn, dẫn tới những biến động kinh tế nhất định đối với cả Anh và châu Âu.


Nguồn cand.com.vn