Khu vực tranh chấp Armenia-Azerbaijan tiếp tục hứng "mưa tên lửa"
Cập nhật ngày: 6-10-2020
 
Armenia và Azerbaijan ngày 5/10 đã đổ lỗi lẫn nhau tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào dân thường, trong bối cảnh cuộc xung đột mới bùng phát tại vùng Nagorno-Karabakh bước sang tuần thứ hai.
 
Khói bốc lên tại địa điểm được cho là bị tên lửa rơi trúng tại Nagorno-Karabakh. Ảnh Getty Images. 

Nhà chức trách tại khu vực tranh chấp nằm trong biên giới của Azerbaijan này cho biết thủ phủ Stepanakert đã hứng chịu cuộc tấn công bằng tên lửa ngày 5/10. Người phát ngôn chính quyền Nagorno-Karabakh cho biết họ sẽ đáp trả tuy nhiên sẽ “chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự triển khai thường xuyên tại các thành phố lớn chứ không phải dân thường”.
 

Bộ Quốc phòng Armenia cũng cho biết Azerbaijan đã nối lại các hoạt động tấn công nhằm vào Nagorno-Karabakh, mà người Armenia gọi là Artsakh. “Các cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra dữ dội”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia đăng trên Facebook. Thị trấn Shushi của Karabakh (được người Azerbaijan gọi là Shusha) cũng bị tấn công, Bộ này cho biết thêm.
 

Về phần mình, Azerbaijan cáo buộc rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các thành phố của họ bắt nguồn từ chính Armenia, không phải từ Nagorno-Karabakh.
 

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết, các hệ thống radar “đã ghi lại cảnh các tên lửa được phóng vào Azerbaijan từ các vị trí xuất phát ở các vùng Jermuk, Gafan và Berd của Armenia”. Bộ này còn cho biết ba thị trấn ở Azerbaijan đã bị tấn công, bao gồm Beylagan, Barda và Tartar.
 

Bộ Quốc phòng Azerbaijan sau đó cho biết thành phố Ganja, thành phố lớn thứ hai ở nước này, đã bị tấn công ngày thứ hai liên tiếp.
 

Leyla Abdullayeva, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Azerbaijan thông tin rằng 24 dân thường đã thiệt mạng, 121 người bị thương và hơn 300 tòa nhà bị phá hủy kể từ ngày 27/9.
 

Trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho việc vận chuyển các máy bay chiến đấu của Syria sang chiến đấu cho bên phía Azerbaijan.
 

Bộ Ngoại giao Armenia cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ và “các chiến binh khủng bố nước ngoài” tham gia cùng Azerbaijan, đồng thời cho biết Azerbaijan đang lan truyền “tin giả về vụ pháo kích vào các khu định cư ở Azerbaijan”.
 

Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận liên quan đến cuộc xung đột. Azerbaijan cũng cáo buộc Armenia đưa thông tin sai lệch.
 

Tình trạng bất ổn bắt đầu từ đầu những năm 1990, khi Nagorno-Karabakh tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan, làm bùng lên một cuộc xung đột bạo lực kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn năm 1994. Armenia ủng hộ Nagorno-Karabakh, khu vực đã thiết lập một nền độc lập mà trên thực tế hầu hết các nước thế giới không công nhận.


Nguồn cand.com.vn