 |
Người ủng hộ của hai bên tụ tập chờ vào giờ tranh luận dự báo là khốc liệt chiều 19-10 ở Las Vegas - Ảnh: Reuters |
Cuộc tranh luận thứ ba và cuối cùng giữa ông Trump và bà Clinton diễn ra sáng nay tại Đại học Nevada ở thành phố Las Vegas được dự báo sẽ là một cuộc đấu quyết liệt giữa hai ứng viên tổng thống khi mà khoảng cách giữa họ là 8 điểm nghiêng về phía bà Clinton, theo số liệu thăm dò mới nhất của đài CNN (Mỹ).
Ứng viên đảng Dân chủ hiện đang được 47% số người thăm dò ủng hộ, trong khi con số này của ông Trump là 39%.
Đây là tình hình khiến ban tổ chức chiến dịch tranh cử của tỉ phú Mỹ lo sốt vó. Cách đây bốn năm, cũng vào kỳ tranh luận trực tiếp thứ ba và cuối cùng này ông Barack Obama chỉ hơn đối thủ bên Cộng hòa là ông Mitt Romney có 0,4%.
Trong kỳ tranh luận mặt đối mặt trực tiếp truyền hình làn thứ ba và cũng là lần cuối này, hai ứng viên cũng có 90 phút so tài. Lần này hai người sẽ phải đứng ở bục chứ không ngồi như ở lần thứ hai.
Ủy ban tranh luận tổng thống cũng đã cho biết 6 vấn đề nổi trội sẽ được đặt ra cho hai ứng viên trong phiên tranh luận sáng nay, đó là: nợ và phúc lợi, nhập cư, kinh tế, Tòa án Tối cao, đối ngoại, và tư cách tổng thống.
Dự kiến sẽ có hàng chục triệu khán giả truyền hình theo dõi trực tiếp cuộc tranh luận được cho là khốc liệt lần này. Trong cuộc tranh luận đầu tiên hôm 26-9 có 84 triệu khán giả ngồi trước màn hình. Đó là một con số kỷ lục. Ở cuộc tranh luận lần hai hôm 9-10 cũng có đến 66,5 triệu người ngồi xem truyền hình. Các nhà phân tích cũng cho rằng những con số trên là chưa phản ánh số người theo dõi qua các mạng xã hội nay cũng phát huy khả năng truyền tải thông tin trực tiếp của mình. |
 |
Công tác tổ chức được chuẩn bị tỉ mỉ. Trong ảnh là kỹ thuật viên đo chiều cao của micro sao cho vừa tầm của ông Trump - Ảnh: Reuters |
Tờ Wall Street Journal cho rằng đây là cơ hội cuối cùng để ông Trump "chuyển đi thông điệp đến hàng triệu khán giả truyền hình". Chính vì điều đó mà ông Michael Cohen, người từng làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ viết trên tờ Boston Globe, đề nghị hủy truyền hình trực tiếp vì chẳng khác nào mở diễn đàn cho ứng viên Donald Trump truyền bá những thông tin mang tính "thuyết âm mưu" như cho rằng cuộc bầu cử này bị gian lận, rằng báo chí thiên lệch...
Sôi động ngay trước giờ G
Chỉ vài giờ trước khi bắt đầu tranh luận, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ngay tại thành phố Las Vegas.
 |
Nhiều phụ nữ Mỹ xuống đường ở Las Vegas biểu thị sự giận dữ đối với Donald Trump ngay trước giờ tranh luận của hai ứng viên Tổng thống - Ảnh: Reuters |
Các nhân viên nhà hàng bên trong Khách sạn Trump ngay gần địa điểm diễn ra tranh luận đã lên kế hoạch sử dụng những chiếc xe thùng bán bánh taco (đại diện văn hóa ẩm thực của người Mexico) để dựng nên một “bức tường” ngay bên ngoài khách sạn nhằm đưa ra thông điệp phản đối chính sách xây bức tường ngăn chặn người nhập cư của tỉ phú đảng Cộng hòa, đài NBC (Mỹ) đưa tin.
Nhóm biểu tình dự tính huy động 5 xe thùng bánh taco và khoảng 400 người tham gia, mỗi người đều được phát bánh taco miễn phí.
Cũng theo đài NBC, một phong trào với tên gọi “Cộng hòa vì bà Clinton” do các cử tri đảng Cộng hòa “không còn ưa” ông Trump lập nên sẽ cho chạy những biểu ngữ “Đừng sờ soạng. Hãy bỏ phiếu.” (DON’T GROPE. VOTE.) kèm với hình ảnh ông Trump trên những chiếc xe di chuyển khắp Las Vegas từ 10g sáng đến tận nửa đêm.
Một đám đông lớn nhiều thành phần từ nhà vận động, người biểu tình, các cử tri còn do dự, và sinh viên cũng đã tập hợp từ trưa tại ĐH Nevada - nơi diễn ra tranh luận - để bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề quan trọng với họ, đài NBC cho biết.
Thị trường cá cược nghiêng về bà Clinton
Tỉ lệ đặt cược dành cho bà Clinton cũng đang áp đảo, với trang cá cược Paddy Power tính toán cựu ngoại trưởng Mỹ có đến 85,7% khả năng giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào đầu tháng 11 tới. Trang này thậm chí đã đồng ý chi trả hơn 1 triệu USD cho những người đặt cược cho bà Clinton để giảm thiệt hại, dù còn ba tuần nữa cuộc đua mới thật sự ngã ngũ, theo tờ Daily Mail (Anh).
Sáu vấn đề tranh luận
Ủy ban tranh luận tổng thống cũng đã cho biết 6 vấn đề nổi trội sẽ được đặt ra cho hai ứng viên trong phiên tranh luận sáng nay, đó là: nợ và phúc lợi, nhập cư, kinh tế, Tòa án Tối cao, đối ngoại, và tư cách tổng thống.
|
Những khác biệt trong chính sách giữa ông Trump và bà Clinton về vấn đề người nhập cư, thuế thu nhập, hay bất ổn ở Syria đều là những đề tài nóng bỏng có thể được bình luận viên kỳ cựu Chris Wallace của đài Fox (Mỹ) nêu ra cho hai ứng viên. Ông Wallace - người nắm vai trò điều phối trong phiên tranh luận lần cuối nà - được đánh giá là một người dẫn chương trình có phong cách quyết liệt.
Những lùm xùm gần đây về các cáo buộc tấn công tình dục và phát ngôn khiếm nhã của ông Trump, hay xì-căng-đan email tai tiếng của bà Clinton cũng rất có thể sẽ được đưa lên bàn tranh luận về tư cách tổng thống.
Tôi không biết chuyện gì xảy ra với bà ấy: khi bắt đầu cuộc tranh luận vừa rồi (cuộc thứ hai), bà ấy cứ như gồng người lên. Đến cuối buổi tranh luận thì bà ấy gần như không còn lết nổi ra xe hơi. Các vận động viên thường phải qua kiểm tra xét nghiệm dùng thuốc kích thích. Tôi nghĩ chúng tôi cần được cho xét nghiệm thuốc kích thích ngay trước giờ tranh luận. Tại sao không nhỉ? |
Ứng viên Donald Trump khiêu khích về chuyện sức khỏe yếu ớt của đối thủ |
Tranh luận có làm thay đổi lá phiếu?
Dù sao đi nữa, lịch sử đã cho thấy chưa hẳn màn thể hiện của hai ứng viên trong ba phiên tranh luận tổng thống sẽ có nhiều ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, nếu không muốn nói là chẳng ảnh hướng chút nào.
Hai nhà chính trị học người Mỹ Robert Erikson và Christopher Wlezien đã nghiên cứu số liệu từ gần 2.000 cuộc thăm dò ý kiến cử tri Mỹ trong các cuộc đua vào Nhà Trắng từ năm 1952 đến năm 2008 và đưa ra kết luận: muốn dự đoán kết quả bầu cử thì chỉ cần nhìn kết quả thăm dò cử tri trước khi diễn ra tranh luận là đủ.
Theo Erikson và Wlezien, ngoại trừ duy nhất một lần vào năm 1976, tình thế của các cuộc bầu cử những năm còn lại hầu như không hề có sự khác biệt giữa thời điểm trước và sau khi diễn ra các cuộc tranh luận tổng thống, và hiệu ứng mà các cuộc tranh luận này đem lại là rất “mong manh".
Điều này có thể là do thời điểm diễn ra tranh luận đã ở giai đoạn cuối của chiến dịch bầu cử, khi mà đại đa số cử tri Mỹ đã đưa ra quyết định của mình và rất khó để họ đổi ý, tạp chí chính trị Washington Monthly (Mỹ) lý giải.
Hơn nữa, những cử tri quan tâm đến cuộc tranh luận tổng thống thường là những người ưa thích chính trị và rất trung thành với đảng của mình. Thay vì bị tác động bởi kết quả tranh luận, chính lập trường chính trị vững vàng của họ mới là yếu tố tác động ngược lại đến kết quả thăm dò cử tri sau đó, vốn là số liệu mà truyền thông dùng để đánh giá kẻ thắng người thua trong một cuộc tranh luận, tờ này nhận xét.
Lấy ví dụ năm 2008, một cuộc thăm dò cử tri hậu tranh luận của đài CNN (Mỹ) cho thấy 85% người theo đảng Dân chủ cho rằng ông Obama, ứng viên đảng này, đã thắng, trong khi chỉ 16% đảng viên Cộng hòa đồng ý như vậy.
Tuy nhiên, các cuộc tranh luận giữa ứng viên là nhằm minh bạch khả năng của người có thể làm lãnh đạo đất nước. Khi số cử tri do dự còn nhiều thì những cuộc tranh luận như thế này cũng có tác dụng của chúng trong việc làm thay đổi cán cân tỉ lệ.
Theo http://tuoitre.vn/