![](/wcatbl/upload/articles3/06_2016/0f4b971e0735e402f4d876ddd09f88d3.jpg)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: TRẦN HẢI
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, năm 2015, đơn vị đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao với hơn 76,5% dân số cả nước có BHYT; đầu năm 2016, có hơn 70,8 triệu đối tượng tham gia BHYT, tăng khoảng 0,83 triệu, tương đương 1,2% so năm 2015 và đang tích cực triển khai để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ 78% dân số có BHYT đạt theo Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. BHXH Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2016-2020 với định hướng phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 90% dân số có BHYT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần phấn đấu 100% số người dân có BHYT. Điều quan trọng là ngành y tế phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), không được phân biệt giữa người khám dịch vụ và khám BHYT. Phải làm sao người dân đóng BHYT khi vào bệnh viện thì chi phí ít hơn. BHYT chỉ có ý nghĩa khi bao phủ toàn dân. Cần coi người mua BHYT là khách hàng; mở các đại lý bán BHYT; sớm xây dựng lộ trình mở thị trường BHYT cao cấp hơn trên cơ sở tự nguyện...
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, hướng tới BHYT toàn dân, phấn đấu đến 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT. BHXH Việt Nam với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT, cần phân định rõ trách nhiệm của mình cũng như hệ thống BHXH ở các địa phương; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT. Tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT. Ngay trong năm 2016, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí kết dư của BHXH Việt Nam để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. BHXH Việt Nam kết nối liên thông toàn bộ hệ thống KCB của các cơ sở KCB nhằm tạo điều kiện thanh toán cũng như KCB thuận lợi hơn.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở KCB nâng cao chất lượng KCB; tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT, không phân biệt đối với người bệnh KCB bằng thẻ BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, giảm chi từ tiền túi của người bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các bệnh viện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đưa tỷ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương. Bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, trong đó tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, bảo đảm 100% số người thuộc hộ cận nghèo được tham gia BHYT; hỗ trợ tối thiểu 20% mức đóng BHYT còn lại cho các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình có đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chịu trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở KCB trên địa bàn nâng cao chất lượng KCB; tinh thần, thái độ phục vụ.
Bộ Tài chính bố trí đầy đủ, kịp thời ngân sách để đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT theo quy định. Phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tham gia BHYT đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng ổn định để có kế hoạch cân đối ngân sách trung hạn và dài hạn. Đổi mới phương thức chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế theo hướng chuyển dần từ cấp cho các cơ sở KCB sang hỗ trợ mua BHYT cùng với lộ trình tăng giá dịch vụ. Khẩn trương đề xuất việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, bảo đảm đến năm 2017 có 100% số đối tượng này tham gia; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của học sinh, sinh viên. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc phối hợp các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách giai đoạn 2016-2020 cho nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước, hỗ trợ đóng. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các nhóm đối tượng thuộc diện quản lý, bảo đảm đến năm 2018 đạt 100% số quân nhân, cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tham gia BHYT.
Các cơ quan thông tin, báo chí làm tốt công tác thông tin, truyền thông để xã hội nhận thức đúng về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT. Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam, các đoàn thể tiếp tục vận động hội viên, đoàn viên, vận động các tổ chức, người có điều kiện hỗ trợ người dân tham gia BHYT…
BHXH Việt Nam đã đề nghị ưu tiên dùng nguồn kinh phí kết dư (nếu có) của địa phương để hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Trước mắt hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng nói trên trong năm 2016 là 450,1 tỷ đồng, trong đó, hộ cận nghèo là 61,3 tỷ đồng; học sinh, sinh viên 76,7 tỷ đồng; hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp 204,6 tỷ đồng; hộ gia đình 107,5 tỷ đồng.
|
Theo Bộ Y tế, Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết năm 2018, sau đó sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng phù hợp (Luật quy định tối đa 6% lương, hiện nay đóng 4,5% lương), tuy tác động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát được.
|
Nguồn nhandan.com.vn