Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy với nhiều mục tiêu quan trọng
Cập nhật ngày: 28-11-2024
 
Chiều 27/11/2024, với 453/456 đại biểu tham gia biểu quyết nhất trí, bằng 94,57% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 (Chương trình).
 

Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma tuý

Phát biểu tiếp thu giải trình dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, mục tiêu tổng quát nhằm “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy; lấy địa bàn cơ sở để triển khai; thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên cả ba lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, nhân dân hạnh phúc, kinh tế - xã hội phát triển bền vững”.

Về cơ chế chính sách đặc thù thực hiện Chương trình (khoản 6 Điều 1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung chính sách đặc thù thực hiện Chương trình và thống nhất với Chính phủ thể hiện tại khoản 6 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết, cụ thể như sau: “Quốc hội quyết định tổng mức dự toán cho Chương trình; Thủ tướng Chính phủ giao tổng dự toán cho cấp tỉnh và điều chỉnh khi cần thiết; cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ cho cấp huyện trên cơ sở nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Chính phủ tăng cường đôn đốc kiểm tra và giám sát để bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn” tại điểm a và bổ sung quy định “Các cơ chế, chính sách đặc thù khác được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh thực hiện Chương trình”.

Đối với nội dung về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương trong thực hiện Chương trình (Điều 2 và Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã quy định giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình; tăng cường vai trò kiểm soát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời điều chỉnh những vướng mắc phát sinh khi tổ chức thực hiện tại điểm d khoản 5 Điều 1, khoản 1 Điều 2 và điểm đ khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch chi tiết từng giai đoạn, quan tâm việc phân kỳ đầu tư, đề ra lộ trình thực hiện, có giải pháp hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là các chỉ tiêu bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo cho các cơ sở thực hiện chức năng cai nghiện ma túy; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện Chương trình…

 

Các đại biểu bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

 

Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng báo cáo khả thi Chương trình và ban hành quyết định phê duyệt Chương trình, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện các dự án, tiểu dự án bảo đảm hiệu quả, khả thi, tránh dàn trải, lãng phí. Dự thảo Nghị quyết cũng đã chỉnh lý “cơ sở cai nghiện ma túy công lập” thành “cơ sở thực hiện chức năng cai nghiện ma túy công lập” để bao quát và toàn diện các loại hình cơ sở đang thực hiện cai nghiện ma túy.

Trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tư Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bảo đảm việc triển khai Chương trình được thành công như mong đợi của Đảng, Nhà nước, toàn dân và các đại biểu Quốc hội.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành biểu quyết Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 453/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,57% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy

Theo Chương trình, hằng năm, giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy; Phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá; Trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.


Hằng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới đường bộ, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%; Trên 80% số trạm y tế cấp xã trên toàn quốc và 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; Phấn đấu 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập bảo đảm điều kiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; trên 70% xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy bố trí điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện ma túy đủ điều kiện theo quy định; ít nhất 70% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; Trên 80% các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện và cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn có chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống ma túy; phấn đấu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy cho người học tại 100% nhà trường và trên 70% người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
 

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết.


Phấn đấu trợ giúp pháp lý cho 100% số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu; Bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện; trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý.

Ưu tiên hỗ trợ ngân sách trung ương cho phòng chống ma tuý ở địa bàn trọng điểm

Tổng vốn thực hiện Chương trình tối thiểu là 22.450,194 tỷ đồng với nguyên tắc phân bổ như sau: Đối với địa phương tự cân đối ngân sách thì tự bảo đảm kinh phí để thực hiện Chương trình từ ngân sách địa phương; ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách, đang nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình. Ưu tiên hỗ trợ ngân sách trung ương cho phòng, chống ma túy ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, các nhiệm vụ cấp bách của Chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc phân bổ ngân sách trung ương và bố trí ngân sách địa phương (bao gồm vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên) bảo đảm phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và các dự án thành phần của Chương trình, kế hoạch hằng năm, tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Trong quá trình thực hiện, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét ưu tiên bổ sung vốn cho Chương trình. Việc bố trí ngân sách thực hiện Chương trình bảo đảm không trùng lặp với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác, các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ kinh phí chi thường xuyên hàng năm; có giải pháp lồng ghép nguồn vốn với các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác một cách phù hợp; khuyến khích, huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, gia đình, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.

Trên cơ sở quyết định phân bổ vốn của ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phân bổ vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

Chương trình do Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương và ở địa phương chỉ đạo quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. Bộ Công an là Chủ Chương trình.

Nguồn: bocongan.gov.vn