Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, đại diện một số bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý.
Thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao xây dựng chuyên đề số 21 “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Trong nhiều năm qua, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nói chung, cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp sau 20 năm đã đạt được những thành tựu quan trọng; vị thế, diện mạo, uy tín của Tòa án được nâng cao; nhận thức về vai trò, vị trí của Tòa án có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của tòa án tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng và kết quả công tác của Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao, biểu dương ngành Tòa án quyết tâm đổi mới, tích cực, nghiêm túc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp thời gian qua. Đây là vấn đề trọng tâm, đạt được kết quả tốt, được xã hội và nhân dân đánh giá cao.
Chủ tịch nước nêu rõ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó xác định rõ “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Chủ tịch nước đánh giá cao tại Hội nghị, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương, các chuyên gia pháp lý đã đóng góp ý kiến tâm huyết, chuyên sâu, giàu thông tin, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao về các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của tòa án. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nhiều ý kiến lập luận mạch lạc, thuyết phục, có cơ sở khoa học, có căn cứ lý luận và thực tiễn, đồng thời đề xuất hướng bổ sung, hoàn thiện. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, nhiều ý kiến thẳng thắn đề cập, phân tích nhiều vấn đề quan trọng đóng góp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng tòa án và nền tư pháp công khai, minh bạch, vì nhân dân phục vụ, phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với trình độ chung của thế giới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới. Đáng chú ý, một số ý kiến đề xuất bổ sung một số nội dung mới trong dự thảo Đề án và nhiều vấn đề mấu chốt đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền được trao đổi, làm rõ đã nhận được sự đồng thuận cao.
Đề cập về quá trình xây dựng dự thảo Đề án hơn một năm qua, với khối lượng công việc rất lớn và thời hạn hoàn thiện dự thảo Đề án theo kế hoạch không còn nhiều, Chủ tịch nước đề nghị Tổ Biên tập xây dựng Đề án cầu thị tiếp thu, lắng nghe và kịp thời bổ sung vào dự thảo đề án những nội dung đạt thống nhất cao, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục xem xét, bàn thảo tại phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Nguồn: cand.com.vn