CÔNG AN BẠC LIÊU
Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản đánh giá cao đường lối "độc lập, tự chủ" của Việt Nam
Cập nhật ngày: 1-07-2022, lượt xem: 67
Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 30/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa bày tỏ đánh giá cao đường lối đối ngoại và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Chiều 30/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa, cùng đoàn Bộ Tư pháp Nhật Bản đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản đánh giá cao đường lối 'độc lập, tự chủ' của Việt Nam -0
Tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa, Thủ tướng Phạm Minh nhấn mạnh, Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng, tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung.

Thủ tướng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa hai Bộ Tư pháp, kết quả hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước trong gần 3 thập kỷ qua, đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan của Nhật Bản dành cho các cơ quan Việt Nam, nhất là hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện cho việc thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng, tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Việt Nam luôn ủng hộ Nhật Bản tiếp tục phát triển hùng mạnh, phồn vinh, phát huy vai trò xứng đáng, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản được các thế hệ lãnh đạo hai nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đang phát triển hết sức tốt đẹp, hợp tác thực chất giữa hai nước thời gian qua đã có nhiều tiến triển vượt bậc. 

Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì trao đổi, tiếp xúc thường xuyên. Trong hơn 6 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Nhật và Thủ tướng Kishida Fumio đã thăm Việt Nam. Hai bên đã gặp nhau 3 lần tại các sự kiện khác nhau, trên cơ sở "chân thành, tình cảm và tin cậy".

Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA số một, đối tác hợp tác lao động thứ hai, nhà đầu tư và đối tác du lịch thứ ba, đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam. Hợp tác chuyển đổi số, khoa học công nghệ, môi trường, nông nghiệp, đào tạo nhân lực ngày càng đi vào chiều sâu. Đặc biệt, hai bên hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng thông báo kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2022 tiếp tục đạt những kết quả khởi sắc: Tăng trưởng GDP quý II tăng 7,72%, cao nhất kể từ năm 2011, tính chung 6 tháng tăng hơn 6,4% so với cùng kỳ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đang được tích cực triển khai; việc chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng được thúc đẩy mạnh mẽ.

Việt Nam tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại phù hợp với tình hình.

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản đánh giá cao đường lối 'độc lập, tự chủ' của Việt Nam -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa tiếp tục quan tâm ủng hộ và thúc đẩy phát triển hơn nữa hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước.

Thủ tướng cho biết, để đạt được những kết quả nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của Việt Nam, còn có sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả, hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Nhân dịp này, Thủ tướng một lần nữa cảm ơn Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Nhật Bản đã kịp thời hỗ trợ vaccine  và trang thiết bị y tế cho Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng tiếp tục quan tâm ủng hộ và thúc đẩy phát triển hơn nữa hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước, đẩy mạnh hợp tác trong công tác tương trợ tư pháp, triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký, hỗ trợ Việt Nam nâng cao hơn nữa năng lực của hệ thống tư pháp thông qua các chương trình, dự án cụ thể, nhất là trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phía Việt Nam trong giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại quốc tế…

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia về pháp luật và tư pháp; đáp ứng yêu cầu phát triển và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả của Việt Nam, trên cơ sở 3 trụ cột (gồm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa), phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của con người Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực tư pháp nói riêng.

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tăng cường giao lưu, tiếp xúc các cấp, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm, sự kiện văn hóa lớn xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2023.

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và đề nghị hai bên tiếp tục quan tâm, phối hợp hỗ trợ công dân Việt Nam tại Nhật Bản và công dân Nhật Bản tại Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo pháp luật sở tại, góp phần vào quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Hiện, cộng đồng gần 450.000 người Việt Nam tại Nhật Bản là tài sản và nguồn lực quý báu, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả hai nước.

Thủ tướng mong muốn Nhật Bản ưu tiên và mở rộng quy mô, lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng chuyên môn của Việt Nam sang Nhật Bản và tiếp tục hỗ trợ nâng cao trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam.

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản đánh giá cao đường lối 'độc lập, tự chủ' của Việt Nam -0
Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 30/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa bày tỏ đánh giá cao đường lối đối ngoại và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản chia sẻ, bản thân ông rất yêu quý Việt Nam với tất cả tấm lòng ngay trong lần đầu tiên được tới thăm Việt Nam, cảm nhận rất rõ sự gần gũi, thân thuộc, tương đồng giữa hai đất nước; bày tỏ mong muốn được tới thăm Việt Nam nhiều lần hơn nữa.

Ông Furukawa Yoshihisa cũng đánh giá cao đường lối phát triển và đối ngoại, hội nhập phù hợp của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, nhất là quan điểm độc lập, tự chủ, đồng thời đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, trong đó có những người Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.

Bộ trưởng đồng tình với quan điểm của Thủ tướng đánh giá về quan hệ hai nước; bày tỏ vinh dự và mong muốn tiếp tục được đóng góp vào quan hệ giữa hai nước trên cơ sở "chân thành, tình cảm, tin cậy", sự giao lưu và hiểu biết "từ trái tim tới trái tim" giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản khẳng định, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực một cách tích cực, cụ thể, nhất là trong lĩnh vực tư pháp, đào tạo nhân lực, xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật, chuyển đổi số, tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật như đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính; bày tỏ tin tưởng vào tương lai ngày càng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cũng tại buổi tiếp, hai bên đã chia sẻ về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên biển.


Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác