Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước
Cập nhật ngày: 27-06-2022
 
Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng phấn đấu xây dựng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
 

Chiều 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Quý I, II/2022 và phương hướng năm 2022 và thời gian tới.

Dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng. 

Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tìm bằng được giải pháp cho các 'điểm nghẽn' để Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh và bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đà Nẵng với dân số trên 1,16 triệu người; người dân năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, mến khách; lực lượng lao động gần 590 nghìn người (chiếm hơn 50% dân số), tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 44%; hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết cao cả trong nước và quốc tế với hệ thống gồm cảng biển, cảng hàng không quốc tế, đường sắt và đường bộ; là đầu mối viễn thông quan trọng quốc gia.

Có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động như: Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hòa Cầm, dịch vụ thủy sản Đà Nẵng; khu công nghệ cao Đà Nẵng; Công viên phần mềm Đà Nẵng và khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1. Đà Nẵng cũng là một trong 5 ngư trường lớn với trữ lượng thủy sản khoảng 1,1 triệu tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng cả nước.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, mặc dù dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề trong năm 2021, nhưng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) cả năm vẫn tăng 0,18%; GRDP bình quân đầu người đạt 87,87 triệu đồng, cao nhất vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Một số ngành công nghiệp và dịch vụ vẫn có mức tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên 3,18 tỷ USD, tăng 13,2%, xuất siêu 487 triệu USD.

Đặc biệt, tình hình KTXH Đà Nẵng trong 06 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc, nhất là từ tháng 3 đến nay GRDP quý II tăng 12,37%, 6 tháng đầu năm tăng 7,23% tốc độ tăng xếp thứ 2/5 vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước tăng 20,8%; xuất khẩu phần mềm tăng 30%. Thu NSNN 6 tháng đạt 68% dự toán cả năm, tăng 18% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng tăng 9,31% so với cùng kỳ.

Các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm; lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng chỉ đạo thực hiện, nhất là chính sách bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân do tác động của dịch COVID-19; Công tác cải cách hành chính, xây dựng thành phố thông minh đạt kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Về phòng chống dịch COVID-19, Đà Nẵng thực hiện quyết liệt, nghiêm túc và hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương; chủ động, linh hoạt ứng phó, triển khai kịp thời các biện pháp, giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp tham gia và đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH.

Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước -0
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng cũng kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những nội dung như: TP Đà Nẵng được phép bố trí ngân sách địa phương để thực hiện việc đầu tư, xây dựng mở rộng các khu công nghệ thông tin tập trung; tháo gỡ các khó khăn trong phát triển KCN để điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững; phát triển casino ở một số khu du lịch; tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, khai thác sử dụng công trình được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công; tháo gỡ vướng mắc trong lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết theo Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 06/5/2022 của Chính phủ và Luật quy hoạch đô thị năm 2009;  và tháo gỡ vướng mắc đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, Đà Nẵng là Thành phố có tiềm năng, lợi thế nên thời gian qua có bước phát triển kinh tế-xã hội đáng khích lệ. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn chưa có bứt phá do cơ chế chính sách còn hạn hẹp. Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững đề nghị Thành phố thúc đẩy công tác lập quy hoạch tỉnh với các trọng điểm kinh tế ven biển, du lịch, kết cấu hạ tầng chiến lược; đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh quy hoạch; tập trung vào phát triển khoa học công nghệ, xứng đáng với thành phố thông minh...

Các bộ, ngành cũng cơ bản nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của Thành phố; sẵn sàng phối hợp với Đà Nẵng để xử lý, giải quyết hiệu quả khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý, chỉ đạo, quyết định.

Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước -0
Thủ tướng nhấn mạnh, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh mà ít địa phương nào trên cả nước có được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận buổi làm việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Đà Nẵng đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, nhất là trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển KTXH.

Thủ tướng chỉ rõ, những kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức đối với Đà Nẵng như quy mô, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng, chưa thực sự bứt phá; tổng thu NSNN còn khiêm tốn. Tốc độ phục hồi và phát triển khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng còn thấp; dịch vụ logistic còn manh mún, phân mảnh, tính liên kết chưa cao. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm chỉ đạt 25,2% kế hoạch. Chưa thể hiện tốt vai trò đầu tàu, hạt nhân phát triển, liên kết, hợp tác của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng cần phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ; Quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố XXII; trong quá trình thực hiện, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó phải thực hiện nghiêm 05 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Bên cạnh đó, cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

"Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025"- Thủ tướng nói, đồng thời đề nghị Đà Nẵng tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp; Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.

Về các nhiệm vụ cụ thể Thủ tướng yêu cầu: Tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển KTXH. Theo dõi sát tình hình và kịp thời phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh. Bảo đảm nhân lực và trang thiết bị, vật tư y tế để thực hiện tốt nhiệm vụ y tế trên địa bàn. Tiếp tục thần tốc tiêm chủng vắc xin và nghiên cứu tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 5 tuổi an toàn khoa học hiệu quả.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực phát triển mới phát triển thành phố Đà Nẵng. Khẩn trương, nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại Đà Nẵng. Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Làm tốt công tác quy hoạch, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện. Thủ tướng nhấn mạnh, Đà Nẵng nằm giữa con đường di sản, phải phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa gắn với du lịch.

"Tôi đề nghị các đồng chí làm tốt công tác quy hoạch với tinh thần các đồng chí nói 3 trụ cột thì tôi tán thành như bổ sung thêm một trụ cột là phát triển văn hóa để ngang tầm với phát triển chính trị kinh tế xã hội gắn với phát triển du lịch. Du lịch mà không có văn hóa không toàn diện thì không phát huy hết được. Chúng ta phải phát triển văn hóa, khai thác tốt du lịch, bổ sung, phát triển du lịch và phát triển du lịch thì phải gắn với và thúc đẩy phát triển trên con đường di sản” - Thủ tướng nói. 

Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, giải pháp đồng bộ, hiệu quả; Tập trung triển khai thực hiện quy hoạch phân khu theo Quyết định số 359/QĐ-TTg về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, huy động tối đa mọi nguồn lực, quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng; Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng KTXH đồng bộ, hiện đại.  

Tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cao.

Mặt khác, cần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, ứng dụng KHCN tiên tiến, đặc biệt những lĩnh vực có tiềm năng lớn như logistic, kinh tế biển, dịch vụ tài chính, công nghiệp công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin... Chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tổ chức triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý về mặt nguyên tắc; đề nghị các bộ, ngành, đơn vị bàn bạc với Đà Nẵng, xây dựng lộ trình, chương trình giải quyết theo thầm quyền; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất, trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền giải quyết, trên nguyên tắc linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo đúng pháp luật, hài hòa lợi ích.


Nguồn: cand.com.vn