Tiếp tục nghiên cứu, phân tích, nhận dạng đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình
Cập nhật ngày: 1-06-2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm khi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, phân tích, nhận dạng đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình.
Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bố mẹ ép con học hành quá mức cũng là bạo lực gia đình?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) thì mong muốn của các đại biểu là làm rõ vấn đề phòng, chống. Trong đó, phòng bao giờ cũng là cơ bản, phải đi trước. Nhưng cho đến giờ thấy dự án luật này vẫn chưa thỏa đáng lắm các giải pháp về phòng, mới chỉ đề cập giải pháp thông tin, tuyên truyền.
"Phải làm thế nào để người ta không dám, không thể bạo lực gia đình", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị cần hoàn thiện các hệ thống pháp luật về gia đình; đầu tư các giải pháp về phòng chống bạo lực gia đình, quan hệ giữa phòng và chống để luật ban hành ra tạo chuyển biến trong thực tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, gia đình là tế bào của xã hội, cho nên quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình cũng cần phải làm rõ. Cần xem lại thuật ngữ "xã hội hoá trong phòng, chống bạo lực gia đình", bởi quan trọng là phải phát huy vai trò của cả xã hội trong việc này, chứ không chỉ là vấn đề xã hội hóa về nguồn lực.
Đánh giá tình hình bạo lực gia đình hiện nay diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc rất nghiêm trọng mà phát hiện ra chủ yếu là các cơ quan thông tấn báo chí, chưa phát huy vai trò của các thiết chế trong xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu bổ sung đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo luật.
"Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dù không phải thành phần chính nhưng đã trực tiếp đến dự và nói đến tình trạng nhức nhối trong gia đình: Bố mẹ ép con cái học hành quá mức, như là một hành vi bạo lực gia đình, dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử. Điều này cũng cần nêu trong luật", Chủ tịch Quốc hội viện dẫn.
"Ngoài bạo lực thể chất còn có bạo lực về tinh thần. Đau về thể xác đã khủng khiếp, đau về tinh thần nhiều khi còn kinh khủng hơn", Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, phân tích, nhận dạng cho đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình ở khoản 1, Điều 4 dự thảo luật.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum nhận định: Bạo lực về thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản. Và khu trú ra bằng các biểu hiện bên ngoài như thế nào để lượng hóa hết cho đầy đủ là không hề đơn giản dù đã có nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các tầng lớp Nhân dân.
"Chẳng hạn, chúng ta nói nhiều về bạo lực tình dục, nhưng đây là vấn đề tế nhị, ít được đề cập đến, nên khó nói được hết những gì cần phải nói", Bộ trưởng lấy ví dụ và cho biết cơ quan soạn thảo dựa trên Hiến pháp 2013 - quyền con người và quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề xây dựng gia đình, coi gia đình là tế bào của xã hội, là cái gốc để hình thành nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức; từ đó nhận diện và lựa chọn 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình.
Nhiều trẻ em bị bạo lực gia đình khi phát hiện đã quá muộn
"Gần đây phát hiện rất nhiều vụ việc trẻ em bị bạo lực gia đình khủng khiếp nhưng không cơ quan đoàn thể nào biết để ngăn chặn sớm, chỉ đến khi trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, báo chí lên tiếng thì vụ việc mới được phát hiện và lên án. Khi đó thì đã quá muộn, có những trẻ không qua khỏi", ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề cập thực tế.
Bà cho rằng, đây là luật khó, vì điều chỉnh hành vi của con người nhưng lại chịu sự tác động từ các yếu tố như: truyền thống, văn hóa, định kiến giới... Ví dụ, chồng mắng vợ, thậm chí đánh vợ nhưng chính nạn nhân là người vợ cũng không nhận thức đấy là hành vi bạo lực gia đình, vẫn chấp nhận, chưa kể còn giấu đi vì quan niệm của người Việt Nam vẫn nghĩ "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại". Hay bố mẹ mắng con cái, ép con cái việc này, việc nọ là hành vi bạo lực gia đình nhưng ít trẻ em coi đó là bạo lực... Vì thế, theo nữ đại biểu, để điều chỉnh được các hành vi này thì cùng với sửa luật phải thay đổi nhận thức của người dân.
Trong khi đó ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng, mục đích phòng, chống bạo lực gia đình là phải kịp thời, hiệu quả và để xây dựng mối quan hệ gia đình ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu quy định vợ phải có đơn gửi đến UBND xã hoặc cơ quan chức năng đề nghị cấm tiếp xúc với chồng khi bị bạo hành thì không hợp lý, không đáp ứng yêu cầu kịp thời, hiệu quả.
"Thực tiễn làm ngành Tòa án 25 năm, tôi nhận thấy những vụ nào hậu quả rất nghiêm trọng, liên quan tội cố ý gây thương tích, làm nhục... thì nạn nhân mới có đơn; nếu cảm thấy còn cam chịu, cố gắng được thì họ không có đơn. Đồng thời, việc phát hiện các vụ bạo hành gia đình thường là của tổ chức phụ nữ hay đoàn thể nào đó chứ không phải do người bị bạo hành đứng ra làm đơn", chỉ ra bất cập trong quy định dự thảo luật, đại biểu đề nghị không cần phải có đơn của nạn nhân, mà khi phát hiện vụ việc là có thể xử lý được.