Quốc hội thảo luận Luật Thi đua khen thưởng và Luật Kinh doanh bảo hiểm
Cập nhật ngày: 30-05-2022
Ngày 27/5, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thảo luận tại hội trường dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi); nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); thảo luận tại hội trường dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Sáng 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm, đó là sự ghi nhận, trân trọng công lao to lớn của lực lượng thanh niên xung phong.
Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ đồng tình cao về việc bổ sung, tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Đó là sự ghi nhận, trân trọng của Đảng, Nhà nước, của dân tộc ta đối với lực lượng thanh xung phong đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước; thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta và có nghĩa giáo dục rất sâu sắc.
Theo đại biểu, dự thảo luật quy định tiêu chuẩn khen thưởng thanh niên xung phong vẻ vang với người có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên là phù hợp với đề xuất của Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu, việc xác minh hồ sơ gốc gặp nhiều khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định hồ sơ, thủ tục cho phù hợp, tạo điều kiện cho các Thanh niên xung phong được nhận danh hiệu cao quý này.
Đăng ký phát biểu tranh luận, trao đổi lại với ý kiến của một số đại biểu còn băn khoăn về khen thưởng, tổng kết thành tích kháng chiến, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị phải bổ sung thêm nội dung trong điều khoản này quy định: Thanh niên xung phong hi sinh trong khi làm nhiệm vụ được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) bày tỏ thống nhất cao với phần tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung này. Theo lí giải của đại biểu: Bộ chính trị, Ban Bí thư đã có kết luận về nội dung này. Hơn nữa, từ Kỳ họp thứ Haivừa qua, đa số ĐBQH cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết củaviệc tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Đây là việc hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy định tặng Huy chương Chiến sỹ vẻ vang cho Lực lượng vũ trang (theo Khoản 1, Điều 57). Đồng thời, cũng là sự tri ân, động viên, khích lệ to lớn, kịp thời đến lực lượng Thanh niên xung phong- những người trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
“Trong số họ còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, phải chịu ảnh hưởng, di chứng của chiến tranh. Nhiều người đã hi sinh tuổi thanh xuân cho đất nước song có cuộc sống còn vất vả, thiếu thốn cả về vật chất, lẫn tinh thần” – đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định và đề nghị: Bổ sung quy định vào Khoản 2, Điều 96 đối với trường hợp Thanh niên xung phong là thương binh nặng, thời gian tham gia lực lượng Thanh niên xung phong dưới 2 năm (do Chính phủ quy định).
Bổ sung quy định ưu tiên khen thưởng với đối tượng yếu thế
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên-Huế) bày tỏ sự tán thành với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Theo đại biểu, 8 điểm mới chủ yếu của dự thảo Luật tạo được sức bật đổi mới, hoàn thiện luật pháp về thi đua, khen thưởng của quốc gia, thể hiện rõ nguyên tắc thi đua và khen thưởng phong trào thi đua thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị, khen thưởng cụ thể, tổng thể và toàn diện về quy mô lẫn đối tượng thích hợp.
Khen thưởng trong lực lượng vũ trang, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân nước ngoài, người nước ngoài có đóng góp cho đất nước Việt Nam phân cấp, phân quyền mạnh, gắn chặt với trách nhiệm tổ chức, cá nhân và có tính đến yếu tố thực tiễn vùng, miền, ngành nghề xây dựng cụ thể, cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng.
Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung một điều mới, về có hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang. Tuy nhiên, về tiêu chí thời gian tại ngũ, đối tượng, về xét khen đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc giảm thời gian, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng đối tượng thanh niên xung phong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, quy định chặt chẽ để bảo đảm ý nghĩa của hình thức khen thưởng.
Về nguyên tắc khen thưởng, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ thống nhất việc cụ thể hóa, tuy nhiên đại biểu cho rằng cần cụ thể hóa bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng. Trong nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ, đại biểu đề nghị cần được quy định chặt chẽ ở cả phương diện thi đua, khen thưởng. Đồng thời bổ sung quy định ưu tiên khen thưởng đối với lực lượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật khi có cùng thành tích, cùng công trạng đạt được nhằm tạo động lực, sức bật cho mọi đối tượng, thành phần xã hội và tạo dựng, tôn vinh diện mạo thi đua, khen thưởng của chế độ Việt Nam
Mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.
Quan tâm đến danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) và đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Cà Mau) ủng hộ quy định mở rộng đối tượng xét tặng cho các cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Quy định này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông cho biết, việc bổ sung danh hiệu thi đua đối với kiến trúc sư là cần thiết. Theo đó, Ban soạn thảo cần đưa vào trong Luật danh hiệu “Kiến trúc sư Nhân dân”; “Kiến trúc sư Ưu tú” hoặc phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, Nghệ sĩ Ưu tú” vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo. Mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.
Trong lĩnh vực văn học, đại biểu Trần Thị Thu Đông nêu rõ, những tác phẩm đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, giáo dục chân – thiện – mỹ cho nhân dân. Nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ tronglĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Vì vậy, họ cũng nên là đối tượng được xét phong tặng “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” hoặc là “Nhà văn Nhân dân”, “Nhà văn Ưu tú” nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) bày tỏ, giới nghệ sĩ hầu như ai cũng mang trong mình sự đa cảm, đa đoan, ngại nói về đãi ngộ, tiền thưởng, về những yếu tố mang tính quyền lợi. Nhưng nếu được quan tâm, đãi ngộ khen thưởng xứng đáng, thì đây chính là động lực tinh thần vô giá để giới văn nghệ sĩ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tạo nên những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị. Và chính những sản phẩm văn hóa ấy sẽ tạo động lực cho mọi ngành, mọi giới.
Cần đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm
Chiều 27/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận. Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, đó là bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP Hồ Chí Minh đề nghị Nhà nước cần phải có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm chứ không chỉ quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, vì như vậy rất chung chung. Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần phải có luôn quy định về trách nhiệm của Nhà nước có chính sách bảo vệ đối với người mua bảo hiểm nhân thọ trong quan hệ với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) đánh giá cao sự tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong việc sửa đổi, chỉnh lý dự thảo Luật. Đối với quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ kinh doanh bảo hiểm, đại biểu đề nghị làm rõ mục tiêu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cân nhắc kỹ lưỡng mục tiêu phục vụ kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo sự an toàn thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, cần làm rõ thẩm quyền truy cập cơ sở dữ liệu, đảm bảo thống nhất với quy định trong điều 38 của Bộ luật Dân sự; bổ sung nguyên tắc các thông tin của người mua bảo hiểm phải không mang tính định danh cá nhân.
Xử lý nghiêm hành vi gian dối để trục lợi bảo hiểm
Đưa ra ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Quảng Bình) đề xuất, dự thảo luật cần quy định rõ thế nào là thông đồng gian dối thông tin của người mua bảo hiểm. Vì xác định được các hình thức, biểu hiện cụ thể của thông đồng và các quy định cụ thể của Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ làm cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm của người bán, bên kinh doanh bảo hiểm và các cơ quan hữu quan trong hành vi gian dối thông tin của người mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm, hậu quả pháp lý cụ thể của mỗi bên đối với các hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật của bên mua bảo hiểm, nhưng có sự thông đồng, giúp sức của bên bán bảo hiểm. Đại biểu cũng cho rằng cần có sự tính toán tăng chế tài đối với bên kinh doanh bảo hiểm có hành vi gian lận, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi gian lận đang gia tăng về số lượng trên thị trường.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần có quy định về vấn đề liên thông khai báo thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm, xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho ngành kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên giải pháp này cần đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của khách hàng, tránh làm ảnh hưởng quyền lợi của người mua khi bên kinh doanh bảo hiểm có sự liên thông về thông tin.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung nội dung giải thích từ ngữ để làm rõ quy định tại Khoản 2 Điều 22. Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nếu có) để tránh khó hiểu, tranh chấp khi có tình huống diễn ra.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ con người
Chiều 27/5, trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 Chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều. Nội dung dự thảo Luật tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, gồm các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
“Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là thực sự cần thiết, nhằm hoàn thiện thể chế về công tác này theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.