Tham dự hội nghị còn có hơn 400 đại biểu thuộc các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tổng sản phẩm trong tỉnh Gia Lai năm 2021 GRDP tăng 9,03% so với năm 2020. Trong thu hút đầu tư, có 60 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng; 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng. Ngoài ra, có 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng. Thu ngân sách tăng cao, đạt gần 8.000 tỷ đồng. Gia Lai chính thức gia nhập nhóm các tỉnh thành có mức thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trong những năm qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đồng bộ với các tuyến Quốc lộ 19, 25, đường Hồ Chí Minh, Cảng Hàng không Pleiku…đã tạo thuận lợi cho việc kết nối giao thương, đi lại của người dân. Bên cạnh đó, với diện tích đất nông ngiệp lên đến hơn 845 nghìn ha, chủ yếu là đất đỏ bazan màu mỡ rất phù hợp để trồng, phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã quy hoạch 21 cụm công nghiệp, trong đó có 12 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thành lập, nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: cà phê, cao su, mía, sắn, chè... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh Gia Lai trong các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch.
Riêng trong năm 2021 đã có 60 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 29.000 tỷ đồng, 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất với tổng vốn đăng ký khoảng 67.000 tỷ đồng. Đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đã có mặt tại tỉnh Gia Lai với các dự án đầu tư quy mô lớn như: Tập đoàn Golf Long Thành; Tập đoàn Thành Công; Tập đoàn Trung Nam; Công ty TNHH Meiwa Việt Nam thuộc Tập đoàn Meiwa Nhật Bản; Công ty KEPCO KDN thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc, KOVECA (Hàn Quốc)...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Gia Lai là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển; khí hậu, thổ nhưỡng và tiềm năng đất đai của tỉnh rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và phát triển chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Thủ tướng yêu cầu, việc cải cách hành chính phải được chú trọng để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện. Tỉnh phải đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ để không phụ thuộc và thụ động.
“Đối với doanh nghiệp trước hết phải yêu quý đất, mến con người nơi đây để đến đầu tư, đồng hành phát triển cùng với địa phương. Các bộ, ngành cũng phải có trách nhiệm với Gia Lai, đồng hành với địa phương, không hạch sách, tiêu cực, hứa mà không làm. Sau hội nghị này, ai cam kết gì thì phải làm, không hứa suông”, Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiệm vụ đặt ra với tỉnh Gia Lai trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Chính phủ sẽ có những cơ chế chính sách phù hợp để Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội nghị lần này, UBND tỉnh Gia Lai đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 15 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, địa phương và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ký kết ghi nhớ đầu tư 29 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 115.356 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 6 dự án, tổng vốn đăng ký 4.255 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng 12 dự án, tổng vốn đăng ký 72.061 tỷ đồng; công nghiệp 8 dự án, tổng vốn đăng ký 20.850 tỷ đồng; du lịch 3 dự án, tổng vốn đăng ký 26.700 tỷ đồng.
Nguồn: cand.com.vn