CÔNG AN BẠC LIÊU
Xây dựng Bảo tàng tập kết tại Sầm Sơn thành điểm tham quan ý nghĩa
Cập nhật ngày: 13-05-2022, lượt xem: 43
Đây là thông tin được nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết trong buổi họp mặt báo chí với Ban Liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương vào chiều 12/5/2022 tại Văn phòng Chính phủ ở TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Trương Hòa Bình cho biết, trong số hơn 200.000 người tập kết ra Bắc cách đây 68 năm, có nhiều trẻ em. Các thiếu niên ấy là thế hệ đầu tiên của Học sinh Miền Nam (HSMN) trên đất Bắc. Từ 1954 đến 1975, học sinh miền Nam nhiều thế hệ trên đất Bắc đã lên tới hơn 32.000 người, được sống và học tập trong các trường HSMN ở miền Bắc.

Ong_Truong_Hoa_Binh_nguyen_Uy_vi-1652362712972.jpg
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi gặp mặt.

Những năm tháng khó khăn và hào hùng đó, các trường HSMN luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Bác Hồ, Chính phủ, Bộ Giáo dục, Khu Giáo dục HSMN cùng chính quyền và bà con các địa phương nơi Trường đứng chân...

Giáo viên và cán bộ, công nhân viên giảng dạy, công tác tại các Trường HSMN đều được tuyển chọn từ các Trường có chất lượng cao và luôn coi HSMN như con em của mình, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất đất nước”.

Xây dựng Bảo tàng tập kết tại Sầm Sơn – Thanh Hóa -0
Các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Được nuôi dạy và chăm sóc chu đáo, nhiều HSMN đã trở thành các nhà khoa học có trình độ cao, cán bộ KHKT đầu ngành, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động nghệ thuật nổi tiếng hoặc tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Trong thời kỳ đổi mới, nhiều anh chị HSMN đã nỗ lực, có nhiều đóng góp với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Trong đội ngũ HSMN có một bộ phận rất đặc biệt là các học sinh dân tộc đến từ Tây Nguyên. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều anh chị đã trở về góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Tây Nguyên.

Đạt được những thành tự như trên, là nhờ đường lối sáng suốt và đúng đắn của Bác Hồ, của Đảng, của Chính phủ và công ơn chăm sóc nuôi dạy của thầy cô, của đồng bào miền Bắc, với sự mong đợi và kỳ vọng của đồng bào miền Nam. Thành tựu đào tạo ấy, chủ trương đúng đắn ấy và tình cảm đoàn kết Bắc - Nam thắm đượm nghĩa tình ấy xứng đáng được ghi vào những trang sử vàng của dân tộc.

Chính từ nhận thức, tình cảm đáng trân trọng này mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã dành cho những người tập kết, trong đó có HSMN một không gian quý giá trong Tổng thể Khu du lịch Sầm Sơn. Đó là công trình “Tượng đài Tập kết” mang hình dáng một con tàu vượt biển và trong lồng tượng đài này là Bảo tàng Tập kết. Bảo tàng Tập kết sẽ trưng bày một cách hệ thống những tài liệu, hình ảnh, kỷ vật được các cá nhân, tổ chức lưu giữ từ năm 1954 đến năm 1975, nhằm giúp người tham quan khi đến Khu Du lịch sầm Sơn Thanh Hóa hiểu rõ và cảm nhận những giá trị nhân văn gắn liền với sự kiện tập kết - con người tập kết.

Việc sưu tầm, đóng góp tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng Tập kết sẽ có những khó khăn vì hầu hết những cán bộ, bộ đội tập kết hiện nay đều đã tuổi cao, sức yếu hoặc đã mất. Chính vì vậy, các anh chị HSMN thế hệ sau 1965 là lực lượng chính tích cực tham gia sưu tầm, đóng góp hiện vật cho Bảo tàng Tập kết.

“Bảo tàng Tập kết dự kiến hoàn thành trong năm 2023 đầu năm 2024, dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và những chuyến tàu tập kết đầu tiên từ Miền Nam ra cập bến Sầm Sơn - Thanh Hóa”, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác