Tối 28/4, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ kỷ niệm 290 năm thành lập Long Hồ dinh (1732-2022), 190 năm thành lập tỉnh (1832-2022), 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022), 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022).
Dự buổi lễ có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành; lãnh đạo các cơ đoàn thể Trung ương; các Mẹ Việt Nam anh hùng và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...
Đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống vẻ vang của vùng đất Long Hồ dinh xưa, Vĩnh Long hôm nay, khẳng định vị thế địa chính trị, kinh tế của vùng đất phên dậu cực Nam Tổ quốc. Lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Long bày tỏ sự tri ân, biết ơn vô hạn sự cống hiến to lớn của các bậc tiền nhân, các bậc lão thành cách mạng, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ, các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng toàn thể đại biểu, đồng bào, đồng chí những tình cảm nồng ấm, chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Gần 300 năm qua, trải qua bao nhiêu thăng trầm, Vĩnh Long đã trở thành vùng đất rất trù phú, đẹp đẽ, trung tâm thương mại lớn của vùng ĐBSCL, với nền văn hóa phong phú, nhân văn, giàu giá trị, đậm bản sắc của nền văn minh sông nước miệt vườn. Vĩnh Long là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, đất học nơi sinh thành, dưỡng dục nhiều nhà lãnh đạo tài ba, xuất sắc cho đất nước, như: nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phan Văn Đáng, Giáo sư Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa…
Sau 30 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Long từ một tỉnh thuần nông, với điểm xuất phát thấp đã phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, chủ động đổi mới, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, đạt những kết quả toàn diện, vươn lên đạt tỉnh trung bình khá vào năm 2015, đạt tỉnh khá vào năm 2020. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, hiệu quả hoạt động được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Tỉnh Vĩnh Long đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và hai lần được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết, đặc biệt là tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua. Với lợi thế nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực ĐBSCL, đất đai màu mỡ và đang có những bước chuyển mình ấn tượng, tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long cần tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, khẩn trương cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13, chú trọng gắn kết việc hình thành và phát triển hành lang kinh tế đô thị, công nghiệp Cần Thơ - Vĩnh Long - Long An - TP Hồ Chí Minh.
Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện giải pháp thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Huy động tốt hơn các nguồn lực, nhất là nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và liên kết vùng, thu hút đầu tư để xây dựng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu.
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Long chú trọng lĩnh vực văn hóa, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn… để những nơi đây vừa là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, vừa là trung tâm văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của tỉnh và khu vực; điểm đến quan trọng trong hành trình tham quan, nghiên cứu của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân, biết lắng nghe tiếp thu những ý kiến xây dựng xác đáng của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vấn đề then chốt, trọng yếu mà Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long cần đặc biệt quan tâm, đó là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.
Nguồn: cand.com.vn