Sáng 21/4, Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày cho biết, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.
Việc xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý Nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Về thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề còn có ý kiến khác nhau. Chính phủ thống nhất giao Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp, thu hồi giấy phép hành nghề như tại khoản 1 Điều 25 dự thảo luật vì việc quy định tập trung đầu mối cấp và quản lý giấy phép hành nghề sẽ bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ trong quản lý, tránh tình trạng một người hành nghề có nhiều giấy phép do các cơ quan cấp khác nhau.
"Giảm bớt khối lượng công việc hành chính cho các cơ quan quản lý Nhà nước và tập trung cho việc thực hiện chức năng ban hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, đồng thời thuận tiện cho việc liên thông kết quả kiểm tra và việc cấp giấy phép hành nghề", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị nên tiếp tục giao các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiệm vụ này để tránh xáo trộn hệ thống và đặc biệt là phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, chỉ nên giao Hội đồng Y khoa Quốc gia hoặc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp y tế (nếu đủ điều kiện) thực hiện việc tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh, còn thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề cần giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng, chưa nên quy định nội dung này vào dự thảo luật mà cần được triển khai "thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề" như Nghị quyết 20-NQ/TW đã nêu và tổng kết, đánh giá để có căn cứ luật hóa. Cơ quan soạn thảo cần bổ sung thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề trong thời gian chuyển tiếp, từ khi luật có hiệu lực cho đến ngày 1/1/2028.
Người nước ngoài hành nghề lâu dài phải thành thạo tiếng Việt?
Thảo luận tại phiên họp liên quan quy định người nước ngoài nếu hành nghề lâu dài tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho rằng, nếu quy định như thế sẽ "tự dựng bức tường" ràng buộc. "Kỹ thuật cao về khám, chữa bệnh chúng ta rất cần tiếp cận với thế giới. Bệnh viện nào có công nghệ tiên tiến nhất là thu hút người khám bệnh, đặc biệt có những chuyên gia, bác sỹ người nước ngoài. Nên chăng không quy định như dự thảo luật mà quản lý chặt chẽ người phiên dịch", Chủ nhiệm UBQPAN lý giải.
Chủ nhiệm UBQPAN đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ, quan điểm là ủng hộ chuyên gia, bác sỹ nước ngoài nhưng kiểm soát về phiên dịch, kiểm soát về chuyên môn, và vấn đề này nằm trong khả năng của chúng ta.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu thực tế có những trường hợp các bác sỹ nước ngoài đi công tác ở nước ta, gặp những ca bệnh mà vì trách nhiệm họ đã giúp Việt Nam phẫu thuật hoặc can thiệp khỏi ảnh hưởng tính mạng. "Lúc đó họ không nói được tiếng Việt, cũng chẳng học tiếng Việt, mà nhờ phiên dịch", ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, việc sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề khám, chữa bệnh là vấn đề nan giải, vướng mắc từ lâu. Chính phủ hiện nay vẫn kiên trì đề xuất phương án nếu người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư nước ngoài mà muốn đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam thì phải biết tiếng Việt thành thạo.
"Vấn đề này đang còn có ý kiến khác nhau, cho nên Cơ quan soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra cần lập luận từng phương án cho hợp lý, tham khảo cả kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội rộng đường quyết định", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cho rằng, hệ thống y tế nước ta vừa qua bị quá tải, trong đó y tế ngoài công lập hoạt động còn nhiều bất cập, "bộc lộ nhiều sai lầm", Chủ tịch Quốc hội chỉ ra nguyên nhân là lạm dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao, đẩy giá dịch vụ khám chữa bệnh quá cao so với khả năng chi trả của đa số quần chúng Nhân dân; người bệnh đua nhau lên tuyến trên, trong khi tuyến cơ sở rất ít người coi trọng.
"Thứ hai là thiếu kiểm soát tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, gây rất nhiều sai phạm tiêu cực trong lĩnh vực khám chữa bệnh và cơ sở khám chữa bệnh, từ mua sắm vật tư, đến thuốc men, khám chữa bệnh", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại các điều khoản về cơ chế tài chính trong dự thảo luật, làm sao đảm bảo công khai, minh bạch, "để các thầy thuốc được tập trung vào chuyên môn, không lo lắng đến chuyện quản lý".
Ngoài quan điểm bảo vệ tốt người sử dụng dịch vụ y tế, tránh nguy cơ lạm dụng công nghệ cao trong khám chữa bệnh, lạm dụng kỹ thuật cao, bảo vệ được người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong chăm sóc y tế, phải bảo vệ đội ngũ y tế, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thêm khái niệm giá dịch vụ khám chữa bệnh, khung giá dịch vụ cho y tế công lập và y tế ngoài công lập đã phù hợp chưa; vai trò của Bộ Y tế và HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh...
Người xâm phạm thân thể hoặc xúc phạm danh dự nhân viên y tế sẽ bị xử lý, buộc phải công khai xin lỗi
Về bảm đảm ANTT, dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) quy định cụ thể một số biện pháp bảo đảm ANTT cho người bệnh, người nhà người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho nhân viên y tế. Quy định người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên y tế tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật và buộc phải xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tại nơi người đó cư trú hoặc tại nơi người đó làm việc hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người đó có hành vi xâm phạm tinh thần, sức khỏe, tính mạng của thầy thuốc, nhân viên y tế.